Trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 4/6 đưa tin, một nhóm phát triển Ấn Độ tự xưng là Startups đã tung ra ứng dụng nói trên vào trung tuần tháng 5. Theo giới thiệu, khi ứng dụng được sử dụng, chỉ cần nhấp vào Scan (Quét), ứng dụng này sẽ tìm và liệt kê các ứng dụng của các nhà phát triển Trung Quốc được cài trong điện thoại; sau đó người dùng sẽ quyết định có gỡ bỏ các ứng dụng “Made in China” này hay không. Nếu ứng dụng Remove China Apps nhận thấy không có ứng dụng Trung Quốc nào trong điện thoại di động của người dùng, một thông báo chúc mừng sẽ bật lên.
Nhà phát triển tuyên bố, họ đưa ra app này không sử dụng cho mục đích thương mại. Nó có thể xác định nguồn của các ứng dụng dựa trên nghiên cứu thị trường, nhưng không đảm bảo tính chính xác của kết quả. Theo báo cáo, ứng dụng này đã nhận được số điểm cao 4,9 trong số 180.000 ý kiến đánh giá, trở thành ứng dụng phổ biến nhất trong Google Store ở Ấn Độ và thậm chí đứng thứ 5 trong số các ứng dụng chạy trên Android phổ biến nhất ở Australia.
Ứng dụng Remove China Apps được người Ấn Độ hoan nghênh (Ảnh: Đa Chiều).
|
The Times of India ngày 1/6 cho biết ứng dụng Remove China Apps đã được ra mắt trên Google App Store ở Ấn Độ vào ngày 17/5 và biểu tượng của nó phản ánh rõ ràng mục đích: một cái đầu Rồng có hai cây chổi ở phía sau.
The Times of India cho rằng sự phổ biến và được người dùng Ấn Độ nồng nhiệt chào đón của ứng dụng này có liên quan đến cuộc xung đột hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa biên giới hai nước và làn sóng chống Trung Quốc đang nổi lên trong xã hội Ấn Độ. Sự ra mắt của ứng dụng Remove China Apps là sự đáp ứng đối với ba luận thuyết chống Trung Quốc trong xã hội Ấn Độ hiện nay, bao gồm: bảo mật dữ liệu (tức cho rằng sử dụng các App của Trung Quốc không an toàn), quốc gia trên hết (tức cho rằng Trung Quốc tài trợ cho các tổ chức chống Ấn Độ) và dịch bệnh COVID-19 do virus corona mới (tức là "Trung Quốc lan truyền virus"). Chính ba luận thuyết này đã truyền cảm hứng cho một số người nảy sinh tư tưởng trả thù Trung Quốc trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Cư dân mạng Ấn Độ giới thiệu hiệu quả của App (Ảnh: Đa Chiều).
|
Theo Đa Chiều, rất nhiều người nổi tiếng ở Ấn Độ đã đứng ra ủng hộ cho ứng dụng Remove China Apps này và các cư dân mạng Ấn Độ cũng tới tấp bày tỏ: "Chúng ta đã mất rất nhiều tiền cho Trung Quốc. Trung Quốc đã quay lại sử dụng số tiền này để chống lại chúng ta. Chúng ta cần phải nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề và nhanh chóng hành động”.
Ngày 3/6, Google ra thông báo họ đã gỡ ứng dụng Remove China Apps khỏi Google Play vì cho rằng nó vi phạm một số chính sách của Google, điều này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận Ấn Độ. Được biết, trước khi bị gỡ khỏi Google Play, ứng dụng này đã nhận được hơn 5 triệu lượt tải xuống.
Theo Đa Chiều, khi trang Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức Trung Quốc đưa tin về vụ việc này, một số cư dân mạng Ấn Độ đã vào đe dọa rằng để trả đũa Trung Quốc, họ sẽ tẩy chay điện thoại di động Xiaomi của Trung Quốc và quay sang ủng hộ Samsung. Nhiều cư dân mạng Ấn Độ đã vào tài khoản Twitter chính thức của Google App Store chất vấn tại sao gỡ bỏ ứng dụng này. Tuy nhiên, biên tập viên chính thức tương tác với cư dân mạng trong khu vực đã không trả lời những ý kiến như vậy.
Cư dân mạng Ấn Độ chất vấn Google Ấn Độ về việc gỡ bỏ Remove China Apps (Ảnh: Đa Chiều)
|
Đa Chiều cũng cho biết, nhiều người Ấn Độ đã nêu khẩu hiệu “Tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc” trên các nền tảng mạng xã hội, kêu gọi mọi người gỡ bỏ các ứng dụng phổ biến của Trung Quốc. Tuy nhiên, tạp chí India Today từng chỉ ra rằng Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn trong thị trường phần mềm Ấn Độ và cũng chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường phần cứng. Nhiều tuyến đầu tư của Trung Quốc gây khó khăn cho việc xác định đâu là sản phẩm của Trung Quốc, việc Ấn Độ muốn tẩy chay sản phẩm của Trung Quốc là điều không thực tế.
Cuộc đối đầu ở biên giới Trung-Ấn hiện nay đã khiến những tiếng nói “tẩy chay Trung Quốc” trong xã hội Ấn Độ càng mạnh mẽ hơn. Về tình hình có liên quan, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/6 đã tuyên bố: "Lập trường của Trung Quốc về vấn đề biên giới là nhất quán và rõ ràng. Nó luôn luôn thực hiện sự đồng thuận quan trọng giữa các nhà lãnh đạo hai nước và tuân thủ chặt chẽ các hiệp định liên quan đã ký kết giữa hai nước; dốc sức bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh thổ quốc gia và duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ”. Triệu Lập Kiên cho rằng: “Hiện nay, tình hình ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ nói chung ổn định và có thể kiểm soát được; giữa Trung Quốc và Ấn Độ có các cơ chế và kênh liên lạc biên giới hoàn hảo. Cả hai bên đều có khả năng giải quyết đúng đắn các vấn đề giữa hai nước thông qua đối thoại và hiệp thương, không cần bên thứ ba can dự”.
Tình hình trên biên giới Trung - Ấn căng thẳng, Trung Quốc tăng cường lực lượng ra biên giới (Ảnh: Đa Chiều).
|
Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình căng thẳng trong quan hệ Trung - Ấn, truyền thông Ấn Độ tố cáo Trung Quốc đang tăng cường xây dựng căn cứ hải quân ở cảng Gwadar của Pakistan. Truyền thông Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang tiến vào Ấn Độ Dương thông qua cảng Gwadar để kiềm chế sức mạnh trên biển của Ấn Độ khi cần thiết.
Theo trang web tin tức Ấn Độ Zeenews ngày 4/6, trong khi cuộc đối đầu quân sự Trung-Ấn ở khu vực Ladakh trên khu vực biên giới tranh chấp vẫn tiếp diễn, những bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đang tăng cường căn cứ hải quân ở cảng Gwadar, Pakistan.
Theo trang này, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở mới ở cảng Gwadar, Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng để triển khai các trang thiết bị hải quân ở đó.
Theo các chuyên gia an ninh Ấn Độ, Trung Quốc đang hiện đại hóa cảng Gwadar và nhanh chóng phát triển ra các khu vực xung quanh để sử dụng nó như một căn cứ hải quân tiềm năng.
Được biết, cảng Gwadar là một phần của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan với tổng vốn đầu tư 46 tỷ USD. Việc khai thác cảng Gwadar có ý nghĩa chiến lược và quân sự đối với Bắc Kinh. Bắc Kinh hy vọng sử dụng hành lang này để vận chuyển hàng hóa vật tư để giảm bớt sự lệ thuộc vào eo biển Malacca.
Trung Quốc cũng có kế hoạch sử dụng cảng Gwadar làm căn cứ tiềm năng cho PLA và lực lượng Hải quân đang phát triển rất nhanh chóng.
Cảng Gwadar ở Pakistan đang được Trung Quốc xây dựng thành căn cứ hải quân để tiến vào Ấn Độ Dương (Ảnh: Đa Chiều).
|
Trang tin Zeenews nói rằng không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đang tiến vào Ấn Độ Dương thông qua cảng Gwadar. Điều này đã làm dấy lên mối lo ngại ở Ấn Độ rằng Trung Quốc có thể sử dụng cảng Gwadar làm căn cứ và nền tảng hải quân để kiềm chế sức mạnh hàng hải ngày càng tăng của Ấn Độ khi cần thiết.
Theo trang này, hàng trăm kỹ sư Trung Quốc hiện đang tham gia vào công việc xây dựng các công trình gần cảng Gwadar và Karachi. Chính phủ Pakistan đã triển khai quân đội để bảo vệ Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan và các kỹ sư, nhân viên của Công ty TNHH Xây dựng giao thông Trung Quốc đang phát triển cảng Gwadar.