Theo đoạn video được đăng tải trên nhiều trang tin Hoa ngữ, một lính Trung Quốc bị phía Ấn Độ bắt đè dưới đất trong khi các binh sĩ Ấn Độ khác dùng gậy gỗ để đập phá chiếc xe trinh sát “Chiến binh Đông Phong”. Một blogger quân sự nổi tiếng ở Trung Quốc tiết lộ rằng vụ việc bắt nguồn từ cuộc tấn công của quân đội Ấn Độ vào các sĩ quan đàm phán của PLA. Truyền thông Mỹ cùng ngày 31/5 đưa tin rằng PLA đã đụng độ với binh lính Ấn Độ ở biên giới, và cả hai bên đều có binh sĩ bị thương. Hiện cả phía Trung Quốc và Ấn Độ chưa lên tiếng về video này.
Theo trang tin Đông Phương, có thể thấy từ đoạn video ngắn trên Internet, một chiếc xe việt dã trinh sát của PLA đã bị hàng chục lính Ấn Độ bao vây trên một con đường núi hẹp. Một lính PLA đã bị quân đội Ấn Độ đẩy ngã xuống đất và cố sử dụng tấm khiên để tự bảo vệ mình, nhưng vẫn bị các lính Ấn Độ sử dụng đá và gậy đánh khiến đầu bê bết máu. Trong lúc hỗn chiến, có thể nghe thấy những tiếng la hét "cứu chúng tôi" bằng tiếng Trung Quốc phổ thông. Sau đó, một số lượng lớn binh sĩ PLA đã kéo đến hiện trường tăng viện. Hai bên đối đầu nhau ở khoảng cách khoảng chục mét và nhiều binh sĩ Ấn Độ đã ném đá vào các lính PLA. Truyền thông Hoa Kỳ đưa tin, sau đó các binh sĩ PLA và Ấn Độ đã nổ ra trong một cuộc hỗn chiến. Mặc dù không có nổ súng, nhưng họ đã phải đánh nhau với đá cục và gậy dài, cả hai bên đều có người bị thương.
Lính Ấn Độ đập phá xe trinh sát Trung Quốc (trái) và ném đá lính Trung Quốc (phải) (Ảnh: Đông Phương)
|
Nhiều blogger quân sự nổi tiếng ở Trung Quốc tiết lộ vào chiều ngày 31/5 rằng vụ việc là do quân đội Ấn Độ tập kích một sĩ quan liên lạc và những binh sĩ PLA đi cùng rồi đập phá phương tiện. Các binh lính PLA đã kịp thời tăng viện, gây nên “đại chiến ven hồ Pangong Tso. Phía Trung Quốc đã đánh bị thương 75 binh sĩ Ấn Độ và thu giữ một số vũ khí và trang thiết bị. "Vụ việc này nhanh chóng được giải quyết thông qua cuộc gặp mặt giữa hai quân đội ở tiền tuyến, nhưng vài ngày sau đó quân đội Ấn Độ tiếp tục mở rộng vụ việc và không thể che đậy được”. Một blogger đã tiết lộ một bức ảnh cho thấy nhiều binh sĩ Ấn Độ đã bị PLA chế phục dưới đất với trang phục của quân đội Ấn Độ giống như trong các video clip trên mạng.
Tranh chấp biên giới Trung-Ấn có lịch sử lâu đời. Gần đây, đã xảy ra nhiều cuộc xung đột ở khu vực hồ Pangong Tso. Có thông tin nói PLA đã gửi hơn 5.000 binh sĩ đến đồn trú tại địa phương và số lượng tàu tuần tra đã tăng lên gấp ba, tương đương với số lượng tàu tuần tra của Ấn Độ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại rằng tình hình hiện tại nhìn chung là ổn định và có thể kiểm soát được.
Trang tin Đa Chiều cho biết, thời gian xảy ra vụ việc trong đoạn băng không rõ khi nào, nhưng rất có khả năng là ghi lại cảnh xảy ra vụ xung đột tại hồ Pangong Tso hôm 5/5.
Lính Trung Quốc kéo đến tăng viện (Anh: Đa Chiều).
|
Tờ The New York Times ngày 30/5 cũng đưa tin, binh sĩ hai bên không nổ súng, nhưng trong mấy lần xung đột đều kịch chiến bằng gậy gộc, đá và chơi tay bo. Báo này nói, trong một trận kịch chiến ven hồ Pangong Tso, mấy lính Ấn Độ đã bị thương nặng, phải dùng đến máy bay lên thẳng để chở đi. Phía Ấn Độ nói bên quân đội Trung Quốc cũng có người bị thương.
Đài BBC của Anh hôm 30/5 nói, báo chí Ấn Độ dẫn lời quan chức nước này nói, mấy ngàn lính Trung Quốc đã tiến vào thung lũng Galwan ở Ladakh tranh chấp ở bang Kashmir. Tin cho biết, các nhà lãnh đạo Ấn Độ và các nhà chiến lược quân sự đều cảm thấy sửng sốt về những hình ảnh này.
BBC nói, đầu tháng 5, quân đội Trung Quốc đã tiến vào mấy cây số sâu bên trong khu vực Ấn Độ cho là lãnh thổ của họ để dựng lều bạt, đào hào, vận chuyển các thiết bị hạng nặng. Trước đó, Ấn Độ đã làm một con đường dài mấy trăm cây số nối với một căn cứ không quân ở tuyến trước nằm trên khu vực có độ cao lớn; căn cứ này được sử dụng trở lại từ năm 2008.
Tin cho biết, giới quan sát Ấn Độ cho rằng, Trung Quốc muốn truyền đi tín hiệu rất rõ: đây không phải là một lần xâm nhập thường kỳ. “Tình hình rất nghiêm trọng. Người Trung Quốc tiến vào một bộ phận lãnh thổ của Ấn Độ mà họ tự nhận là của mình. Điều này hoàn toàn thay đổi hiện trạng”, ông Ajai Shukla, một chuyên gia quân sự từng là Đại tá quân đội Ấn Độ nói.
Phía Trung Quốc lại có quan điểm khác, cho rằng phía Ấn Độ đã thay đổi hiện trạng mặt đất.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh hôm 30/5 khi tiếp xúc giới truyền thông, trả lời câu hỏi về việc PLA tiến vào lãnh thổ Ấn Độ, đã nói: trong vấn đề tuyến kiểm soát thực tế, giữa hai nước có sự khác biệt về nhận thức.