Cam kết bỏ dần điện than của Việt Nam tạo sự bất ngờ và đáng chú ý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị COP26 mang nhiều ý nghĩa và đạt được nhiều kết quả thiết thực, đặc biệt gây chú ý là cam kết bỏ dần điện than.
Việt Nam là một trong số các bên tham gia Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch (Ảnh: Nikkei)
Việt Nam là một trong số các bên tham gia Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch (Ảnh: Nikkei)

Cam kết được đưa ra tại Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh. Việt Nam là một trong số những bên ký kết đầy đủ Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch, trong đó các bên tham gia cam kết sẽ nhanh chóng nâng cấp công nghệ kỹ thuật và chính sách trong thập kỷ này để thực hiện được việc chuyển dịch khỏi sản xuất điện than không áp dụng công nghệ thu giữ carbon vào thập niên 2030 trên toàn cầu.

Động thái này, cùng với cam kết trước đó của Việt Nam trong việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, là điều bất ngờ; theo Caroline Chua, chuyên gia phân tích của BloombergNEF. Trong thập kỷ qua, điện than từ mức chiếm 18% tổng năng lượng điện của Việt Nam đã tăng lên hơn 50%.

“Điều này thực sự bất ngờ”, bà Chua nhận định. “Các quốc gia Đông Nam Á tính đến thời điểm này chưa đạt được nhiều bước tiến trong công nghệ tái sinh, và nhu cầu điện năng được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh chóng, bởi vậy mà sẽ sản sinh ra thêm nhiều khí thải nếu như họ không có sẵn một giải pháp thay thế cho than. Đó là lý do cần phải giải quyết vấn đề ngay lúc này.”

Antony Froggatt, Phó Giám đốc chương trình môi trường và xã hội tại Chatham House (Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh), nói rằng cam kết trên là rất đáng chú ý. “Điều này cho thấy sự chuyển dịch sang năng lượng sạch hơn đang diễn ra trên khắp toàn cầu”, ông nói.

Những cam kết này không mang tính ràng buộc, và một số bên ký kết nói rằng họ chỉ có thể thực hiện được cam kết giảm dần điện than nếu như nhận được sự hỗ trợ về tài chính từ các nước khác.

Ví dụ, Philippines và Indonesia cũng là bên đưa ra cam kết, nhưng không đầy đủ. Cả hai nước này đều không cam kết ngừng xây dựng các nhà máy điện than, trong khi Philippines từ chối đưa ra lịch trình cụ thể cho việc giảm dần sử dụng điện than. Indonesia thì cho hay họ sẽ cân nhắc về việc tăng tốc giảm dần điện than từ nay cho đến thập niên 2040 nếu nhận được sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ nước ngoài.

Mặc dù không mạnh mẽ như cam kết của Việt Nam, nhưng điều đó cho thấy các nước trong khu vực sẵn sàng chuyển dịch khỏi than đá nếu nhận được sự hỗ trợ của quốc tế, bà Chua nói.

Tính tổng cộng, có 47 quốc gia đã ủng hộ Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch tại Glassgow.

Bên cạnh Việt Nam, Indonesia, Ba Lan, Hàn Quốc và Ukraine, nhiều quốc gia khác cũng ký tuyên bố chung, bao gồm Albania, Azerbaijan, Bỉ, Botswana, Canada, Chile, Bờ biển Ngà, Croatia, Cyprus, Đan Mạch, Ecuador, Ai Cập, Phần Lan, Pháp, Đức, Hungary, Ireland, Israel, Italy, Kazakhstan, Liechtenstein, Mauritania, Mauritius, Morocco, Nepal, Hà Lan, New Zealand, North Macedonia, Philippines, Bồ Đào Nha, Senegal, Singapore, Cộng hòa Slovakia, Sri Lanka, Liên hiệp Vương quốc Anh và Zambia.

Theo hãng phân tích độc lập về biến đổi khí hậu của châu Âu, E3G, mặc dù một số quốc gia ký kết không sử dụng điện than, nhưng việc những nước được coi là “cường quốc điện than” tham gia vào tuyên bố chung này có thể gây tác động lớn tới tương lai của điện than.

Tính đến tháng 7/2021, các quốc gia có số lượng dự án điện than lớn nhất bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ và Bangladesh. Tính từ năm 2015 đến nay, nhiều dự án điện than với tổng công suất ít nhất 1.175 GW đã bị hủy trên phạm vi toàn cầu, theo E3G.

Theo Reuters, Bloomberg