Việt Nam đứng đâu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một trăm ngày tại vị đầu tiên của chính quyền Biden đã bộc lộ một số khác biệt rõ rệt giữa cách tiếp cận chính sách đối nội và đối ngoại - GS. Calvin Mackenzie, Đại học Colby, Hoa Kỳ nhận định riêng với VietTimes.
Ông Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống, nâng ly chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiệc chào mừng chuyến thăm lịch sử của ông Trọng tháng 7 năm 2015. Ảnh: Reuters.
Ông Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống, nâng ly chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiệc chào mừng chuyến thăm lịch sử của ông Trọng tháng 7 năm 2015. Ảnh: Reuters.

Phần trước: Joe Biden - Tổng thống "Làm lớn" và "Làm nhanh"?

Về mặt đối nội, ông Biden đã đưa ra nhiều đề xuất chính sách rộng lớn, cấp tiến và tốn kém nhằm thay đổi căn bản vai trò của chính quyền trung ương trong đời sống người dân Mỹ. Nhưng về đối ngoại, Biden tránh những bước đi táo bạo mà đề cao một chính sách đối ngoại thực tế, thực dụng và tiệm tiến.

Nếu các nhà quan sát ngạc nhiên trước mức độ táo bạo trong một số sáng kiến chính sách đối nội của ông thì hầu như không ai cảm thấy bất ngờ với cách tiếp cận thận trọng hơn của Biden đối với chính sách đối ngoại.

Hầu hết các tổng thống Hoa Kỳ gần đây (Jimmy Carter, Bill Clinton, George Bush, Barack Obama và Donald Trump) bước vào nhiệm sở với vốn liếng kinh nghiệm vô cùng ít ỏi về chính sách đối ngoại. Bởi vậy, họ đã khá lúng túng khi tìm đường đi trong một thế giới mà họ chưa hiểu rõ.

Ngược lại, Joe Biden được đúc ra từ một khuôn khác. Ông đã làm việc trong lĩnh vực chính sách đối ngoại gần như cả quãng đời trưởng thành. Với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện và Phó Tổng thống, ông đã có cái nhìn sâu sắc về những phức tạp của chính sách đối ngoại.

Ông hầu như không mấy ảo tưởng về những gì Hoa Kỳ có thể và không thể làm trong thế giới này. Ông biết rõ những thách thức và giới hạn khi thúc đẩy và duy trì một vị thế hợp lý của nước Mỹ trong một thế giới đầy rẫy những tác nhân vốn không chia sẻ các giá trị Mỹ và thường không khoan dung với sự thiếu kiên nhẫn của Mỹ.

Biden sẽ không ngây thơ như một số người tiền nhiệm khi tin rằng sự can dự tích cực của Mỹ sẽ biến đổi được Trung Đông; rằng các hội nghị thượng đỉnh mang tính phô trương sẽ thuyết phục được Bắc Triều Tiên từ bỏ những tham vọng hạt nhân; hay sự dịu dàng sẽ tốt hơn là sự cứng rắn trong việc đối phó với những đối thủ như Nga và Trung Quốc.

Joe Biden là một người theo đuổi chủ nghĩa thực tế trong chính sách đối ngoại. Ảnh: Getty

Joe Biden là một người theo đuổi chủ nghĩa thực tế trong chính sách đối ngoại. Ảnh: Getty

Chính sách đối ngoại của Biden sẽ là một chính sách được chỉ dẫn bởi những khả năng thực tế chứ không phải những ảo tưởng hay mơ tưởng huyễn hoặc. Joe Biden là một người theo chủ nghĩa thực tế - thậm chí thực dụng – trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại.

Cách ông Biden bổ nhiệm những nhân sự đảm trách lĩnh vực đối ngoại đã tiết lộ hướng tiếp cận mà ông sẽ theo đuổi. Trong suốt nhiều năm làm việc với họ, ông đã quá quen thuộc với những chuyên gia đích thực về thế giới đương đại, những người có cách tiếp cận chín chắn về một vai trò phù hợp của Hoa Kỳ trong thế giới đó.

Không giống như Donald Trump, người lấp đầy các vị trí cấp cao bằng những người nghiệp dư và lý tưởng, Biden chọn những người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Ông đã nhiều lần nói đi nói lại rằng ngoại giao sẽ là trung tâm trong các tương tác của ông với các nước khác và rằng lực lượng quân sự sẽ là giải pháp cuối cùng khi ngoại giao đã thất bại.

Vậy điều này sẽ có nghĩa là gì về mặt chiến lược và chiến thuật?

Chúng ta đã được chứng kiến một vài chỉ dấu về những gì sắp xảy ra. Ngay sau khi nhậm chức, Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, quay trở lại vai trò trong Tổ chức Y tế Thế giới, và theo đuổi nỗ lực mà Donald Trump đã từ bỏ trong việc kiểm soát Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Biden đã tuyên bố rõ ràng về mong muốn tái xây dựng liên minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á vốn đã bị Donald Trump gây xói mòn bởi những diễn ngôn “nước Mỹ trên hết” của ông ta.

Và ông cũng đã ra lệnh rút toàn bộ các lực lượng vũ trang Mỹ ra khỏi Afghanistan nơi họ đã lún sâu vào một cuộc chiến tranh tàn khốc trong suốt hai nươi năm qua.

Donald Trump thường bị xem là “con cưng” của Vladimir Putin ở Nhà Trắng vì hiếm khi đưa ra được những chỉ trích có ý nghĩa đối với các hành động của Nga.

Biden, ở chiều ngược lại, đã làm rõ trong một cuộc hội đàm sớm với Putin rằng “những ngày nước Mỹ phải vật lộn với các hành động gây hấn của Nga, từ can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi, tấn công an ninh mạng, đầu độc các công dân nước tôi, đã chấm dứt.”

“Chúng tôi sẽ không do dự”, ông nói với Putin, “nhằm gia tăng cái giá phải trả lên Nga và bảo vệ những lợi ích sống còn của chúng tôi và nhân dân chúng tôi, và chúng tôi sẽ đối phó với Nga một cách hiệu quả hơn khi chúng tôi liên minh và phối hợp với các đối tác cùng chung suy nghĩ.”

Khi Nga tập trung các lực lượng quân sự ở biên giới Ukraine, Biden cử Ngoại trưởng Antony Blinken đến Ukraine. Tại đây, Blinken đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ đáp trả nếu Nga hành xử “liều lĩnh”.

Biden đã nói rằng ông mong muốn một mối quan hệ ổn định hơn, dễ đoán hơn với Nga trong những năm tới nhưng ông sẽ quyết đoán hơn Donald Trump rất nhiều trong việc thúc đẩy mối quan hệ đó và phân định rõ những giới hạn.

Thách thức lớn nhất mà Biden và nước Mỹ hiện nay phải đối mặt trong lĩnh vực đối ngoại đến từ Trung Quốc.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong vài thập kỉ vừa qua, sự phát triển ngoạn mục về mặt sáng chế công nghệ, cũng như sự mở rộng nhanh chóng về quy mô và năng lực của Hải quân Trung Quốc giờ đây đang đe doạ vị thế lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ trên nhiều mặt trận.

Ông Biden đã đưa ra nhiều thông điệp cứng rắn với Nga và Trung Quốc. Ảnh: Nikkei

Ông Biden đã đưa ra nhiều thông điệp cứng rắn với Nga và Trung Quốc. Ảnh: Nikkei

Thực chất, tốc độ tăng trưởng của cải và các nguồn lực của Trung Quốc không phải là thách thức lớn đối với Mỹ mà nguy cơ chủ yếu đến từ tình trạng mơ hồ về cách Bắc Kinh dự định sử dụng những nguồn lực mới này như thế nào.

Những bước đi đầu tiên trong chính sách của Biden đối với Trung Quốc có tính chất thăm dò. Ông và Tập Cập Bình đã có một cuộc điện đàm dài và vô cùng thẳng thắn ngay sau lễ nhậm chức.

Biden đã không đảo ngược những quyết định về thuế và kiểm soát xuất khẩu mà Trump áp đặt lên Trung Quốc. Hải quân Mỹ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông trong những vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Các nhà ngoại giao Mỹ không ngừng chỉ trích các chính sách nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương. Và Mỹ tiếp tục duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tự do của Đài Loan.

Mỹ sẽ tiếp tục mối quan hệ chặt chẽ cùng có lợi với Việt Nam

Vậy quan hệ với Việt Nam đóng vai trò gì trong chính sách đối ngoại hiện nay của tân Tổng thống và các nhà ngoại giao của ông?

Quan hệ của Mỹ với Việt Nam vốn là mối quan hệ lành mạnh và bền vững. Cho đến giờ Biden hầu như không có một động thái này thay đổi bản chất mối quan hệ này.

Một phần, theo lẽ đương nhiên, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cũng là một chính sách đối với Việt Nam. Việt Nam đã thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và rõ ràng là Mỹ đứng về phía Việt Nam trong tranh chấp đó.

Và các tương tác của Mỹ với các quốc gia Đông Nam Á luôn được thúc đẩy một phần không nhỏ bởi những tác động có thể xảy ra với Trung Quốc.

Tàu sân bay Mỹ tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: US Navy

Tàu sân bay Mỹ tuần tra trên Biển Đông. Ảnh: US Navy


Biden vẫn chưa tuyên bố sẵn sàng mở lại các nỗ lực xây dựng một tổ chức thương mại khu vực như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương đã từng được đàm phán và thông qua cuối nhiệm kỳ của chính quyền Obama.

Nhưng dường như Mỹ sẽ tìm cách tiếp tục mối quan hệ chặt chẽ và cùng có lợi với Việt Nam vì hai nước có chung những bất bình về kinh tế và thương mại với Bắc Kinh và cả hai đều cam kết sâu sắc với cách tiếp cận “tự do trên biển” ở Biển Đông.

Biden đã đưa ra một chỉ dấu cho thấy quan hệ của ông với Việt Nam sẽ khác biệt so với Donald Trump khi vào tháng Tư, chính quyền của ông huỷ bỏ cáo buộc của người tiền nhiệm rằng Việt Nam thao túng tiền tệ.

Và trong bối cảnh các công ty Mỹ đang tìm cách dịch chuyển chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc, Việt Nam có nhiều khả năng sẽ là người thụ hưởng đáng kể dòng đầu tư nước ngoài quan trọng này.

Người Mỹ, giống như hầu hết những dân tộc khác trên thế giới, rất ấn tượng với các nỗ lực kiểm soát Covid-19 của Việt Nam. Các công ty Mỹ sẽ nhanh chóng sản xuất vắc-xin Covid nhiều hơn hẳn so với nhu cầu để bảo vệ các công dân nước này.

Vào cuối mùa hè này, có vẻ như Mỹ sẽ cung ứng vắc-xin cho các nước trên khắp thế giới. Ngoại giao vắc-xin sẽ có vai trò quan trọng trong thời gian tới và Việt Nam sẽ là một ứng viên đương nhiên được tiếp nhận những nguồn cung ứng này.

Dự đoán chính sách đối ngoại của một chính quyền mới luôn là một nhiệm vụ nhiều rủi ro và sự không chắc chắn. Mỗi tháng đều mang đến những thách thức và khủng hoảng đối ngoại mới.

Nhu cầu phản ứng với những sự kiện không lường trước đó thường làm suy yếu các nỗ lực của tổng thống trong việc thúc đẩy và tuân thủ các ưu tiên chính sách.

Chính quyền của George Bush đã thấm thía đầy đủ bài học này. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 ở Mỹ hầu như không đề cập đến chính sách đối ngoại. Bush đã nhiều lần tuyên bố rằng ông phản đối việc xây dựng quốc gia như một chính sách Mỹ.

Nhưng rồi vào tháng thứ chín của chính quyền mới, những kẻ khủng bố Arab đã tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York và chính sách đối ngoại đã bị buộc phải đi theo một hướng rất khác so với dự định ban đầu của Bush.

Vì thế, chưa thể nói trước được gì nhiều với Joe Biden. Về mặt cốt lõi, Biden và các cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của ông tin vào một trật tự thế giới vận hành dựa trên luật lệ, tôn trọng chủ nghĩa đa phương, chủ quyền quốc gia và nhân quyền.

Nhưng sẽ ra sao nếu Nga xâm chiếm Ukraine hay Trung Quốc tấn công Đài Loan? Nếu các biến chủng mới của virus Covid tiếp tục hoành hành trên thế giới?

Nếu các hành vi khủng bố mới một lần nữa kích hoạt nỗi sợ hãi của chúng ta về những hành xử đơn thuần trong cuộc sống thường ngày? Khi đó chính sách đối ngoại của Biden sẽ có diện mạo như thế nào?

Chúng ta hãy chờ đợi xem sao./.