Các nhà khoa học đang chạy đua để có được vaccine và thuốc điều trị Covid-19

Hơn 100 thử nghiệm lâm sàng đang được thực hiện, một loại thuốc sẽ có kết quả vào tháng 4 tới.

Khi virus SARS-CoV-2 đang ngày một lây lan mạnh trên toàn thế giới, các nhà nghiên cứu đang lao vào một cuộc đua phát triển các phương pháp để chữa trị và ngăn chặn nó. Nhưng giống như bất kể một căn bệnh mới nổi nào khác trong thời gian đầu, các bác sĩ hiện đa phần vẫn tập trung vào điều trị triệu chứng cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Mục tiêu tối thượng của họ là giữ cho bệnh nhân của mình còn sống, để hệ miễn dịch của họ có thể tự chống lại virus. Song song với đó, các bác sĩ cũng phải cố hết sức ngăn chặn sự lây lan, bằng các biện pháp cách ly để giữ cho bệnh nhân của mình không lây bệnh cho những người khác, đôi khi là chính các nhân viên y tế.

Các nhà khoa học đang chạy đua để có được vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19
Các nhà khoa học đang chạy đua để có được vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19

Điều trị Covid-19 hiện nay cũng giống với bệnh cúm, đó chỉ là điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ, Kim Leslie, giám đốc điều dưỡng tại khoa cấp cứu Bệnh viện Thụy Điển ở Chicago nói với Business Insider.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, cứ 10 người nhiễm Covid-19 thì có tới 8 bệnh nhân chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ. Các triệu chứng nặng như viêm phổi chỉ xuất hiện trên 14% bệnh nhân và chỉ có 5% bệnh nhân nặng nhất rơi vào tình trạng nguy kịch khi bị suy tạng và không thể thở được.

Tỷ lệ tử vong của Covid-19 là khoảng 2-3%.

Các bác sĩ đang điều trị Covid-19 như thế nào?

Đối với các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mà chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ, các bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân tự cách ly tại nhà, và đến bệnh viện khi bệnh tiến triển nặng (ví dụ khi bệnh nhân bắt đầu khó thở).

Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ, bệnh nhân nhiễm Covid-19 tự cách ly phải hạn chế tiếp xúc với các thành viên khác trong gia đình, bao gồm cả vật nuôi. Họ nên đeo khẩu trang, che miệng khi ho và hắt hơi, rửa tay thường xuyên, không dùng chung đồ đạc cá nhân và tốt nhất nên có phòng vệ sinh riêng trong nhà.

Bệnh nhân phải cách ly ở nhà, không được đi làm, đi học hoặc tới khu vực công cộng. Trong quá trình đó, họ phải theo dõi các triệu chứng của mình, nếu cảm thấy khó thở tăng dần, bệnh nhân cần phải đến bệnh viện điều trị.

Đối với các bệnh nhân nhiễm Covid-19 có triệu chứng nặng, họ sẽ được điều trị theo một phác đồ mà CDC và Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo:

1. Nếu bệnh nhân khó thở, các bác sĩ sẽ cho họ thở oxy bằng mặt nạ. Nếu bệnh nhân đặc biệt khó thở và trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, họ sẽ được đặt ống thở.

2. Trong một số trường hợp nghiêm trọng nhất, khi ống thở cũng thất bại trong việc hỗ trợ chức năng phổi của bệnh nhân, các bác sĩ có thể sử dụng đến một cỗ máy gọi là ECMO hay máy tim phổi nhân tạo. Về cơ bản, cỗ máy này có thể làm thay nhiệm vụ của lá phổi bệnh nhân.

3. Các bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng kháng sinh để chống lại nhiễm trùng thứ phát có thể xảy ra sau khi nhiễm Covid-19, WHO cho biết. Nhưng những loại thuốc này sẽ không tấn công được virus.

4. Trong một số trường hợp, bệnh nhân đã nhận được các loại thuốc thử nghiệm được thiết kế để chống lại virus. Một số bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc cúm, chẳng hạn như oseltamivir hoặc Tamiflu. Một số khác đã nhận được thuốc điều trị HIV. 

Remdesivir, một loại thuốc từng được sử dụng để chống lại virus Ebola cũng đang cho hiệu quả điều trị ở một số bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Cả WHO và CDC Hoa Kỳ đều nhấn mạnh rằng các bác sĩ và nhân viên y tế nên thực hành tốt các bước tự bảo vệ bản thân để ngăn chặn virus lây lan, chẳng hạn như đeo găng tay, khẩu trang và kính bảo hộ.

Các nhà khoa học đang làm việc cật lực để có được vắc-xin và thuốc chữa Covid-19

Các nhà khoa học đang chạy đua để phát triển các phương pháp điều trị và vắc-xin để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Cuộc đua có sự tham gia của cả các công ty dược phẩm lớn như Gilead, bên cạnh các start-up như Moderna.

Theo một báo cáo gần đây trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, hiện có ít nhất 100 thử nghiệm lâm sàng tập trung vào Covid-19. Nổi bật nhất trong số đó lúc này là remdesivir, một loại thuốc chống virus của Gilead, đã được WHO gọi là "ứng cử viên triển vọng nhất".

Gilead cho biết loại thuốc này đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối trên người ở Mỹ, Trung Quốc và một số nước Châu Á nơi dịch Covid-19 đang lan rộng. Dự kiến, kết quả của thử nghiệm này sẽ có vào đầu tháng tư tới.

Trong khi đó, công ty công nghệ sinh học Moderna đã tạo ra một loại vắc-xin tiềm năng cho SARS-CoV-2. Vắc-xin này sử dụng công nghệ mRNA, giúp các tế bào miễn dịch nhận diện và tiêu diệt virus SARS-CoV-2.

Tiến sĩ Stephen Hoge, chủ tịch của Moderna cho biết mRNA thực sự giống như một mềm sinh học. Việc tiêm vắc-xin chứa mRNA giống với việc cắm một chiếc USB vào cơ thể bạn, từ đó bạn sẽ nạp vào mình một phần mềm diệt virus.

Moderna tuyên bố sẽ bắt đầu thử nghiệm nó trên người vào tháng tư. Các thử nghiệm đầu tiên sẽ tập trung vào việc kiểm tra xem liệu vắc-xin có an toàn hay không. Sau đó, sẽ mất một vài tháng nước để biết nó có hiệu quả với virus SARS-CoV-2 hay không.

Cũng theo Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, hiện có khoảng 10 ứng cử viên vắc-xin tiềm năng đang được phát triển cho Covid-19.

Theo Trí thức trẻ