Các doanh nghiệp Nhật Bản ủng hộ xúc tiến sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến trong nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hơn 80% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản ủng hộ nỗ lực thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước của chính phủ, theo kết quả một cuộc khảo sát của Nikkei Asia.
Nhật Bản xúc tiến sản xuất linh kiện trong nước. Ảnh minh họa Nikkei Asia.
Nhật Bản xúc tiến sản xuất linh kiện trong nước. Ảnh minh họa Nikkei Asia.

Những người trả lời cuộc khảo sát của Nikkei, bao gồm khoảng 100 nhà lãnh đạo các công ty lớn, đồng ý rằng những biện pháp được đề xuất của chính phủ Nhật Bản sẽ dẫn đến nguồn cung ổn định cho ngành công nghiệp điện tử đang phát triển.

Mặc dù tình trạng thiếu hụt chip bắt đầu từ năm 2020 đã suy giảm, nhưng những hạn chế về nguồn cung vẫn tồn tại, đặc biệt đối với một số bộ phận và sản phẩm cũ hơn, sử dụng linh kiện bán dẫn.

Lãnh đạo một công ty phân phối lớn phát biểu trong cuộc khảo sát: “Sự thiếu hụt linh kiện bán dẫn, vốn là thành phần cốt lõi trong xã hội số hóa của chúng ta, có thể khiến Nhật Bản tụt lại phía sau trong cuộc cạnh tranh gay gắt năng suất toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực công nghiệp”.

Đạo luật Thúc đẩy An ninh Kinh tế, được Nhật Bản thông qua vào tháng 5 đặt mục tiêu tăng cường sự ổn định chuỗi cung ứng cho hàng hóa chiến lược, không bị gián đoạn do xung đột địa chính trị bằng cách bản địa hóa hoặc dựa vào các quốc gia đồng minh hoặc đối tác thay vì Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ đưa ra 11 lĩnh vực chính cần phải thay đổi. Một trong những lĩnh vực quan trọng nhất là linh kiện bán dẫn, mà nhà sản xuất hàng đầu Đài Loan đang phải đối mặt với nguy cơ mất khả năng sản xuất nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc.

Nhật Bản sẽ cung cấp khoản trợ cấp lên tới 476 tỷ yên (3,56 tỷ USD) cho một nhà máy mới của Công ty sản xuất linh kiện bán dẫn Đài Loan TSMC ở Kumamoto, trên đảo Kyushu, cực nam của Nhật Bản. Nhà máy này theo kế hoạch sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2024.

Thúc đẩy phát triển công nghệ, Tokyo đã hỗ trợ Rapidus, một nhà sản xuất chip tiên tiến trong nước, mới được thành lập vào năm 2022 với ngân sách bổ sung cho tài khóa 2022 hơn 1 nghìn tỷ yên cho công ty.

Cuộc khảo sát về những chính sách của Nhật Bản cho thấy nhiều ý kiến ​​tích cực từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Shingo Hamada, chủ tịch nhà sản xuất thủy sản Nissui cho biết: “Rất mong muốn thúc đẩy sản xuất trong nước và phát triển nguồn nhân lực liên quan đến ngành bán dẫn thông qua sự hợp tác giữa ngành công nghiệp, các cơ quan chính phủ và học viện”.

Yuji Fukasawa, chủ tịch công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (East Japan Railway) phát biểu, hỗ trợ sản xuất trong nước "không chỉ quan trọng đối với an ninh kinh tế và thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số của doanh nghiệp, mà còn có ý nghĩa quan trọng từ góc độ thúc đẩy các ngành công nghiệp tăng trưởng trong nước và nâng cao trình độ số hóa của toàn bộ nền kinh tế".

Gần 3/4 số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi, tương đương 74,6%, cho biết các công ty bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt bắt đầu từ khoảng năm 2020. Trong số này, 91,4% cho biết tác động của sự thiếu hụt vẫn tiếp tục. Tình trạng thiếu hụt đã phần nào giảm bớt do nhu cầu về điện thoại thông minh và máy tính cá nhân hạ nhiệt vào cuối năm.

Có thể thấy được sự thiếu hụt bắt đầu giảm bớt đối với những linh kiện bán dẫn có nhiều ứng dụng và mức độ hiệu suất tính toán như bộ nhớ và chip logic. Nhưng những hạn chế về nguồn cung tiếp tục kéo dài, đặc biệt các chip dành cho ô tô và máy móc công nghiệp. Ngoài ra, các hiệu ứng phục hồi cần có thời gian để lan rộng về phía hạ nguồn trong quy trình sản xuất và đạt đến các sản phẩm cuối cùng.

Về vấn đề khi nào sẽ giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung, chỉ có 22,5% số người được hỏi đưa ra câu trả lời, dự đoán vào khoảng nửa đầu năm 2023. Phản hồi phổ biến nhất là nửa cuối năm 2023, ở mức 35,3%. “Phải đến năm 2024, nguồn cung mới bắt kịp nhu cầu sản xuất”, lãnh đạo một hãng ô tô lớn cho biết. Và 21,1% số người được hỏi trả lời không thấy có cơ hội giải quyết vấn đề này trên quy mô toàn cầu.

Các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới như TSMC Đài Loan và Samsung Electronics Hàn Quốc sẽ lần lượt mở những nhà máy mới ở Mỹ và các khu vực khác vào năm 2023 và 2024. Mặc dù vậy, 22% số người được hỏi nghĩ rằng, nguồn cung sẽ vẫn thiếu hoặc hơi thiếu vào đầu năm 2025. 50,3% khác cho biết, không thể dự đoán nguồn cung cấp sẽ như thế nào trong những năm sắp tới.

Khi những người trả lời dự đoán tình trạng thiếu hụt vào năm 2025 được hỏi tại sao, 74,1% cho biết có sự khác biệt rất lớn giữa chất bán dẫn cần thiết và chất bán dẫn cần tăng sản lượng. Câu trả lời phổ biến nhất là sự gia tăng nhu cầu trang thiết bị điện tử, ở mức 70,4%.

Theo Nikkei Asia