Bản tin trưa nay ngày 9/7 Bộ Y tế công bố TP.HCM ghi nhận thêm 479 ca bệnh (BN24933-BN25411); trong đó 372 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 107 ca đang điều tra dịch tễ. Như vậy, tổng số ca mắc tại TP.HCM tính đến trưa nay đã là 9.895 bệnh nhân.
Dịch bùng phát mạnh, số ca nhiễm liên tục tăng cao chóng mặt, chưa có dấu hiệu chững lại. Mới đây, trên các mạng xã hội lan truyền thông tin bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) xin nghỉ việc.Thông tin này xuất hiện ngay sau khi bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, được phân công chỉ đạo trực tiếp Ban giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM trong công tác phòng chống dịch COVID-19 (kể từ ngày 6/7).
Tối qua 8/7, khi chủ trì cuộc họp báo thông tin về việc triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên toàn TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trả lời báo chí, khẳng định chưa có thông tin BS Nguyễn Trí Dũng xin nghỉ việc hay thành phố có quyết định cho ông Dũng nghỉ việc.
Trước tin đồn xin nghỉ việc và thành phố có quyết định cho nghỉ việc, khi phóng viên VietTimes liên lạc tới bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC cho đến hiện tại vẫn đang im lặng, chưa trả lời gì về việc này.
Qua giải mã trình tự gen, HCDC cho biết đã xác định có 5 biến chủng đã và đang lưu hành tại TP.HCM, trong đó nguy hiểm nhất là biến chủng Delta.
Trao đổi với báo chí về tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc HCDC cho biết, hiện đã xuất hiện 5 biến chủng của COVID-19 trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, qua giải mã trình tự gen ngành y tế ghi nhận gồm: Châu Âu, Anh, Nam Phi, Uganda và biến chủng Ấn Độ (Delta). Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết trong các biến chủng được ghi nhận, biến chủng Delta đang gây ra nhiều chuỗi lây nhiễm với tốc độ lây lan rất cao ở TP.HCM và các tỉnh.
Cùng thời điểm TP.HCM thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16, một số tỉnh lân cận trong Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng thực hiện giãn cách toàn tỉnh hoặc hầu hết các đô thị trong tỉnh theo Chỉ thị 16. Cụ thể có tỉnh Đồng Nai đã giãn cách toàn tỉnh kể từ 0 giờ ngày 9/7. Tỉnh Bình Dương giãn cách theo Chỉ thị 16 cả bốn đô thị lớn nhất của tỉnh, bao gồm Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên và mới nhất là TP Thủ Dầu Một vừa quyết định giãn cách theo Chỉ thị 16 kể từ 0 giờ ngày 9/7 cho đến khi có thông báo mới. Tới trưa nay 9-7, Bình Dương ghi nhận thêm 65 ca COVID-19, trong một thời gian rất ngắn đã có 1.118 ca mắc trong cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM trao đổi về tình hình dịch bệnh (Ảnh: Tự Trung) |
Từ chuỗi lây nhiễm ở điểm nhóm Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng do biến chủng Delta vào cuối tháng 4 đến nay, trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận 9.895 trường hợp mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm: “Thời gian tới ngành Y tế sẽ cùng các Sở, ngành sẽ tập trung tối đa các nguồn lực, biện pháp đã triển khai ở mức độ cao hơn. Giãn cách trong 15 ngày là thời gian rất tốt, mục tiêu của giãn cách là hạn chế tiếp xúc để phòng lây lan. Thời điểm giãn cách cũng giúp cho lực lượng y tế tiếp tục điều tra, truy vết, tăng cường phát hiện các trường hợp F0, truy ra các trường hợp tiếp xúc gần F0. Đây là điều kiện thuận lợi hơn nhiều để phát hiện mầm bệnh tiềm ẩn trong từng khu vực”.
Sở Y tế cho hay, hiện tại TP.HCM đã có 17.000 giường điều trị COVID-19 tại nhiều Bệnh viện chuyên khoa và Bệnh viện Dã chiến. TP cũng đang tiếp tục mở rộng các Bệnh viện Dã chiến lên quy mô đảm bảo 20.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 và chuẩn bị phương án khi cần có thể mở đến 30.000 giường.