Băn khoăn đi hay ở
Trong bối cảnh Brexit hiển hiện, hầu hết các thương hiệu - đặc biệt là nhóm xe của Anh - đều có chung không ít nỗi niềm lo lắng. Theo Giám đốc điều hành Wolfgang Dürheimer của Bentley (hiện thuộc tập đoàn Volkswagen của Đức), nếu Brexit diễn ra, chính phủ Anh sẽ cần phải đạt được thoả thuận thương mại miễn thuế với EU để giữ chân các công ty xe. Nếu không, trong trường hợp xấu nhất, nhiều đơn vị - bao gồm cả Bentley - sẽ tính tới chuyện chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất sang lục địa già.
Theo ông Dürheimer, riêng trong trường hợp Bentley, "giá trị Anh" và nhà máy tại Crewe là hai chìa khoá quan trọng đối với sự thành công của hãng. Do đó Brexit sẽ có tác động tiêu cực rất lớn. "Trước khi không còn chỗ nào để chế tạo những chiếc Bentley, chúng tôi buộc phải tính tới việc chuyển dây chuyền sản xuất tới một nơi khác" - ông khẳng định. Hiện tại, Châu Âu đang là thị trường lớn nhất của Bentley, trong khi việc tận dụng công nghệ và nguồn nhân lực từ hãng mẹ Volkswagen cũng cực kì quan trọng đối với thương hiệu xe nước Anh.
Brexit sẽ ảnh hưởng không chỉ tới hoạt động kinh doanh mà cả việc sản xuất, cũng như phát triển công nghệ của các hãng xe. |
Mặt khác, nhân sự quốc tịch Anh của họ cũng cần phải di chuyển thoải mái tới Châu Âu mà không cần tới Visa để bảo đảm hiệu quả công việc cũng như năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, nếu London không thể tạo điều kiện cần thiết, Bentley cùng với các đồng hương khác tại xứ sở sương mù như MINI, Aston Martin... đều sẽ phải tìm lối đi riêng.
Dĩ nhiên, Bentley không đơn độc trong cuộc chiến lần này. Nhiều hãng khác cũng đang cố gắng thuyết phục các chính phủ trong nỗ lực đạt được thảo thuận xuất khẩu xe từ Anh tới Châu Âu (và ngược lại) mà không phải lo lắng về vấn đề chi phí. Từ giữa năm 2016, hãng xe Đức BMW đã khẳng định dù trước mắt họ không có bất cứ thay đổi nào trong hoạt động của hai đơn vị con đặt tại Anh của mình, nhưng cũng không phủ nhận rằng một khi Anh thực sự tách khỏi EU, việc phải điều chỉnh các khâu trong chuỗi cung ứng từ Anh sang lục địa già là không thể tránh khỏi.
Hiện tại, hai thương hiệu gốc Anh của BMW là MINI và Rolls-Royce đang tự sản xuất nhiều linh kiện tại ba nhà máy đặt tại Oxford, Hams Hall và Goodwood. Trong đó, riêng nhà máy Hams Hall cũng đang đảm nhận sản xuất nhiều động cơ cho các dòng xe BMW - đồng nghĩa rằng việc chia tách chắc chắn sẽ có ảnh hưởng chẳng mấy tốt đẹp ngay tới chính những sản phẩm gốc Đức của hãng. Hay nói cách khác, liệu nó có đẩy các hãng xe nói riêng cũng như cả ngành công nghiệp ô tô của Anh vào tình huống "tự cung tự cấp" hay không?
Dù đang thuộc sở hữu của tập đoàn Đức BMW, hầu hết hoạt động sản xuất của Rolls-Royce vẫn diễn ra tại các nhà máy Anh. |
Một nền công nghiệp ô tô "tự cung tự cấp"?
Ngoài trường hợp của BMW như nêu ở trên, "Brexit" cũng đặt ra nguy cơ tương tự với nhiều thương hiệu xe lớn với quy mô hoạt động toàn cầu khác. Đối với hãng xe Mỹ Ford, việc phải duy trì quy mô sản xuất hiện nay với 14.000 nhân công tại Anh là rất quan trọng.
Trong khi đó, Toyota lại ít nặng nề hơn khi không ngần ngại cho biết sẽ xem xét chuyển việc sản xuất tại Anh đi nơi khác nếu hàng rào thuế quan xuất hiện. Hiện nay, thương hiệu Nhật Bản này đang duy trì hai nhà máy tại Anh, trong đó bao gồm nhà máy lắp ráp xe tại Derbyshire và nhà máy chế tạo động cơ tại North Wales. Theo lãnh đạo hãng, nếu tình hình diễn biến xấu khi kế hoạch Brexit được chính phủ Anh công bố, Toyota có thể sẽ ngừng việc đầu tư mở rộng vào nhà máy Derbyshire và chuyển việc sản xuất một số mẫu xe (bao gồm cả Auris - một biến thể của Toyota VIOS) đi nơi khác.
Toyota không ngần ngại đề cập tới khả năng rời Anh nếu Brexit đặt ra những rào cản về thuế quan. |
Với góc nhìn hiếm hoi theo chiều ngược lại, tập đoàn Pháp PSA Group - chủ mới của thương hiệu Opel/Vauxhall - lại nhận định rằng những khó khăn về thuế có thể sẽ giúp họ tăng lợi thế cạnh tranh thông qua việc tối ưu hóa nhà máy Vauxhall để cung cấp các sản phẩm của PSA (bao gồm cả Peugoet lẫn Citroën) tại Anh, giúp hạn chế chi phí bị đội lên.
Tương tự như vậy, một số thương hiệu với sức bán tốt tại Anh cũng tỏ ra khá lạc quan. Jaguar Land Rover với doanh số nội địa vào khoảng 20% cam kết sẽ ưu tiên Anh trong mọi quyết định đầu tư và sản xuất, còn McLaren lại không đưa ra bình luận gì về những thách thức sắp tới, mà chỉ kêu gọi các nhà làm luật của Anh nên nhanh chóng tính tới các khung pháp lý với EU nhằm bình thường hoá quan hệ thương mại và các quy trình xuất nhập khẩu "sớm nhất có thể".
Giá thành xe sẽ tăng
Không thể phủ nhận rằng, việc thời điểm kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon tới gần đang đẩy các thương hiệu xe tại Châu Âu nói chung và tại Anh nói riêng vào tình huống đối mặt với nhiều bất định. Theo các nhà phân tích, sau chia tách, các công ty xuất khẩu của Anh đương nhiên phải chịu thêm nhiều khoản thuế đối với các hàng hóa bán vào EU - tương tự như với bất cứ quốc gia thuộc các khối thương mại nào khác. Việc mức thuế này đánh vào giá trị sản phẩm đã bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (VAT) cũng đồng nghĩa rằng những chiếc xe khi tới tay người tiêu dùng chắc chắn sẽ đắt đỏ hơn.
Trong ngắn hạn, chắc chắn giá các dòng xe có nguồn gốc từ Anh sẽ tăng lên - không chỉ ở thị trường Châu Âu mà ngay cả một số khu vực khác. |
Lạc quan hơn, nếu London có thể tiến tới một hiệp định thương mại tự do với Brussels (tương tự như Canada), hàng hóa Anh sẽ có thể qua Lục địa già lại một cách thoải mái. Tuy nhiên, bên cạnh việc sẽ phải mất khoảng 5 năm để tiến hành đàm phán, bản thân EU hiện cũng chẳng mặn mà mấy với một hiệp định như vậy với Anh. Lý do là bởi trong khi Anh bán sang EU khoảng 50% lượng hàng hóa mà họ sản xuất ra thì con số ngược lại chỉ là 6% mà thôi.
Trong khi đó, nếu chấp nhận gia nhập Khu vực thương mại Châu Âu (EEA) hoặc duy trì quan hệ với EU bằng các thoả thuận song phương, Anh sẽ có thể tận dụng thêm nhiều hiệp định trong khi có quyền đề ra thêm thoả thuận lẻ với các nước khác (dù điều này đã từng bị cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng cảnh báo).
Tồi tệ hơn cả, nếu chẳng đạt được thỏa thuận nào sau khi tách khỏi EU, Anh - với vai trò là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - sẽ phải chấp nhận các khoản thuế phí mà EU áp đặt lên hàng hóa của họ. Như thế, những sản phẩm có phụ tùng hoặc xuất xứ từ Anh chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ đến từ Nhật Bản, Mỹ hay chính các nước EU như Đức, Pháp...
Dự kiến, chính phủ Anh sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để khởi động tiến trình đàm phán rời EU ngay trong tháng 3 này. |
Cho dù thế nào, Anh - với vai trò là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới - vẫn luôn là khu vực có vai trò quan trọng đối với mọi thương hiệu xe toàn cầu. Nói cách khác, mọi hãng xe - dù đứng ở vai trò "người bán" hay "kẻ mua" - đều sẽ chẳng vui vẻ gì trước thực tại về một nước Anh không nằm trong cộng đồng EU - đúng như điều được CEO Dieter Zetsche của tập đoàn Daimler khẳng định: "Đây là điều chẳng tốt đẹp gì cho cả Châu Âu và - theo cách nhìn nhận của tôi - là cả nước Anh. Về mặt địa lý, có thể Anh chỉ là một hòn đảo, nhưng về chính trị và kinh tế thì hoàn toàn không phải như vậy".
Vì thế, có thể khẳng định rằng việc các thành viên Châu Âu xích lại gần nhau lúc này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, thậm chí không chỉ với ngành công nghiệp ô tô như nêu trong bài viết, mà còn với mọi lĩnh vực kinh tế khác trong bối cảnh thế giới ngày càng "phẳng" như hiện nay.
Theo HNMO
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu