Báo cáo của MTM giải trình về 3 nội dung: (1) Biến động lợi nhuận; (2) Các khoản tiền phạt vi phạm hành chính, chậm nộp bảo hiểm, phạt chậm nộp; (3) Các khoản giao dịch có liên quan với thành viên quản lý chủ chốt.
Liên quan đến biến động lợi nhuận, TMT cho biết: Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của doanh nghiệp đã giảm 138,54 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015, do 2 nguyên nhân chủ yếu. Đầu tiên, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 837,09 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 2.527,96 tỷ đồng. Thứ hai, chi phí tài chính tăng 21,25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, theo TMT, biến động lợi nhuận của công ty còn bị tác động bởi một số yếu tố chủ quan như: Một số thị trường chưa khai thác tốt do một số Đại lý tại tỉnh, thành phố đó gặp khó khăn do đầu tư dàn trải dẫn tới mất cân đối tài chính. Điều này dẫn đến thị phần không những không tăng mà còn bị giảm sút.
Một số Đại lý chưa thực hiện tốt dịch vụ sau bán hàng, chưa thực hiện nghiêm túc công tác phát triển thị trường theo định hướng của Công ty. Chưa trưng bày đầy đủ sản phẩm do TMT sản xuất, lắp ráp và phân phối; chưa chủ động tìm kiếm khách hàng mà chỉ bán sản phẩm khi có khách hàng đến nên dẫn đến thị phần bị thu hẹp, doanh số sụt giảm;
Công tác bán hàng chưa được làm tốt do đó Công ty đã phải tái cấu trúc lại nhân sự cấp cao của Trung tâm bán hàng ít nhiều đã ảnh hưởng tới công tác bán hàng.
“Phân tích và nhìn nhận được nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến công tác bán hàng như trên: Hội đồng quản trị Công ty đã kịp thời chỉ đạo Ban Tổng giám đốc xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên nghiệp, chuyên sâu cho toàn thể CBCNV Trung tâm bán hàng công ty và đội ngũ nhân viên kinh doanh của các Đại lý vào những tháng cuối năm 2016 và trong năm 2017 nhằm đạt được kế hoạch kinh doanh năm 2017 mà Công ty đã đề ra”, văn bản giải trình của TMT thông tin.
Giải trình về Các khoản tiền phạt vi phạm hành chính, chậm nộp bảo hiểm, phạt chậm nộp, TMT cho biết, cho tới 31/12/2016 Công ty đã thực hiện nộp đầy đủ các nghĩa vụ thuế vào Ngân sách Nhà nước.
Được biết, năm 2016 đã bị phạt tổng cộng 2,715 tỷ đồng, bao gồm: Truy thu và phạt sau quyết toán thuế 2013 – 2015 của TMT (320 triệu đồng); Phạt quyết toán thuế 2014 – 2015, phạt chậm nộp thuế đất; phạt vi phạm hành chính PCCC của CTCP DỊch vụ và Vận tải ô tô số 8 (919 triệu đồng); Phạt vi phạm về thuế, phạt chậm nộp tiền thuê đất, phạt chậm nộp tiền BHXH, phạt khác của CTCP Cơ khí xây dựng và tư vấn thiết kế 30-4 (1.476 triệu đồng).
Giải trình về các khoản giao dịch có liên quan với thành viên quản lý chủ chốt, TMT cho biết, căn cứ vào nhu cầu vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, HĐQT Công ty đã phê chuẩn việc huy động vốn của CBCNV và các bên liên quan để phục vụ nhu cầu vốn năm 2016.
Tính đến ngày 31/12/2016, dư nợ vay của TMT đối với cá nhân ông Bùi Văn Hữu – Chủ tịch HĐQT Công ty là 29,6 tỷ đồng, giảm 7,6 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm – 01/01/2016.
Cụ thể, trong năm 2016, TMT ký mới 4 hợp đồng vay mới với ông Bùi Văn Hữu, để vay thêm 58,67 tỷ đồng. Cùng kỳ, TMT cũng thực hiện chi trả và tất toán 5 hợp đồng vay, trong đó có 2 hợp đồng ký năm 2015 và 3 hợp đồng ký trong năm 2016, với tổng số tiền trả nợ là 66,27 tỷ đồng.
Không chỉ vay cá nhân ông Hữu, TMT cũng thực hiện vay vốn từ CTCP Đầu tư Thương mại H&H Hà Nội – pháp nhân do ông Hữu làm Chủ tịch HĐQT – 5,3 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2016, giá trị dư nợ vay vẫn là 5,3 tỷ đồng.
“Việc huy động đảm bảo quyền lợi cao nhất của cổ đông Công ty và CBCNV nhưng đồng thời thực hiện đúng quy định của Công ty về huy động vốn, đúng điều lệ của Công ty và quy định của Pháp luật”- TMT nhấn mạnh.
Công ty Cổ phần Ô tô TMT tiền thân là Công ty Vật tư thiết bị Cơ khí Giao thông Vận tải thuộc Cục cơ khí – Bộ Giao thông Vận tải, thành lập từ 27/10/1976. Ngày 14/04/2006, Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định số 870/QĐ-BGTVT phê duyệt phương án và chuyển mô hình hoạt đông của Công ty thành Công ty Cổ phần, với vốn điều lệ ban đầu là 25 tỷ đồng.
Trải qua quá trình phát triển, tính đến 31/12/2016, TMT có vốn điều lệ 372,9 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu 429,7 tỷ đồng), tổng tài sản đạt 2.021,9 tỷ đồng. Năm 2016, TMT báo lãi 61,6 tỷ đồng trước thuế (48,2 tỷ đồng sau thuế), giảm mạnh 138,54% so với 2015.
Như vậy, kế hoạch lợi nhuận mà TMT đặt ra cho năm 2016 đã bị thất bại, khi chỉ đạt chưa đầy 19% mục tiêu đề ra.
Trước đó, TMT đã lên kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2016 với sản lượng tiêu thụ 10.560 xe (tăng 34%), doanh thu thuần 5.800 tỷ đồng (tăng 63%), lợi nhuận trước và sau thuế 330 tỷ đồng và 264 tỷ đồng, đều tăng 32% so với dự kiến thực hiện 2015.
CTCP Ô tô TMT chính thức đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch tập trung tại HoSE từ ngày 22/1/2010. Thời điểm đó, TMT là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô thứ 2 lên sàn niêm yết sau CTCP Ô tô Giải Phóng. Giá chào sàn của cổ phiếu TMT khi ấy là 46.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện, thị giá giao dịch của cổ phiếu TMT là khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu./.