Bộ Y tế ban hành Thông tư đầu tiên về Sữa học đường

VietTimes -- Ngày 5/12, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư đầu tiên quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình Sữa học đường, có hiệu lực từ ngày 20/1/2020.
Các em nhỏ uống sữa tại trường mầm non.
Các em nhỏ uống sữa tại trường mầm non.

Theo Bộ Y tế, các sản phẩm sữa sử dụng trong chương trình Sữa học đường bao gồm sữa tươi nguyên chất tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng. Các sản phẩm sữa phải đáp ứng quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2010 của Bộ Y tế và yêu cầu Thông tư này đưa ra

Trong sữa phải đảm bảo đủ 21 vi chất dinh dưỡng, ví dụ: vitamin D3, canxi, sắt, vitamin A, vitamin E, vitamin C, một số loại vitamin nhóm B gồm B1, B2, B3, B5, B6, B7... Hàm lượng của 21 chất này được Bộ Y tế quy định cụ thể trong Thông tư.

Bảng quy định các vi chất dinh dưỡng trong Thông tư của Bộ Y tế.
Bảng quy định các vi chất dinh dưỡng trong Thông tư của Bộ Y tế.

Nguyên liệu đầu vào của sản phẩm sữa tươi phải bảo đảm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng quy định, các sản phẩm sữa tươi đã trúng thầu và ký hợp đồng tại địa phương, cung cấp cho các trường học, thì được sử dụng hết số lượng theo hợp đồng đã ký.

Đối với việc ghi nhãn sản phẩm, các cơ sở cung cấp sữa tươi phải ghi nhãn theo Nghị định số 43/2017 của Chính phủ về việc ghi nhãn hàng hóa và Quyết định số 1783 của Bộ Y tế về về việc phê duyệt logo cho sản phẩm sữa phục vụ Chương trình Sữa học đường.

Thông tư đầu tiên của Bộ Y tế về sản phẩm Sữa học đường.
Thông tư đầu tiên của Bộ Y tế về sản phẩm Sữa học đường.

Trong trường hợp nhãn sản phẩm đã được sản xuất, nhập khẩu trước ngày Thông tư có hiệu lực, các cơ sở sản xuất được tiếp tục sử dụng nhãn cho đến khi hết hạn.

Sau 3 năm kể từ khi Thủ tướng phê duyệt chương trình Sữa học đường, những cuộc tranh cãi liên tiếp nổ ra vì tiêu chuẩn sữa học đường, khi nhiều tỉnh, thành phải triển khai chương trình mà không có tiêu chuẩn, còn dự thảo Thông tư chỉ mới được đưa ra từ tháng 4/2018. Đến nay, Thông tư đầu tiên về yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình Sữa học đường mới được ban hành.

Trước đó, năm 2016 Bộ Y tế cũng đã có Quyết định số 5450 quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường. So với Quyết định 5450, Thông tư đã chặt chẽ hơn, hướng dẫn về chi tiết hơn về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường.