Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành văn bản số 2371, hướng dẫn kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2022 trong lĩnh vực thư viện. Văn bản được gửi đến các sở, ban, ngành liên quan tại các tỉnh, thành phố.
Theo đó, Bộ đề nghị các đơn vị chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng của địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách, báo, tài liệu, nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, thực hiện các đề án, chương trình công tác của Chính phủ, bộ ngành. Bên cạnh triển khai thực hiện Luật Thư viện số 46, các đơn vị chuyên ngành sẽ tham mưu trình UBND các tỉnh thành phê duyệt kế hoạch và triển khai “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Đồng thời, các đơn vị lên kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 đối với Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Bộ yêu cầu các đơn vị tạo điều kiện, bố trí tham gia các hoạt động do Bộ tổ chức như Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2022", Liên hoan Cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách - Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, liệt sĩ, Tổng kết và trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm 2022. Ngoài ra, các hoạt động nâng cao ý thức về chuyển đổi số ngành cũng được nhấn mạnh như Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022, Hội thảo về chuyển đổi số và liên thông thư viện, Tập huấn nâng cao kỹ năng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi số trong các thư viện công cộng.
Cùng với đó, văn bản yêu cầu các địa phương tổ chức các sự kiện gồm “Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2022 của địa phương - Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam” (21/4) và “Ngày Sách và Bản quyền thế giới” (23/4); tuyên truyền, trưng bày, triển lãm phục vụ Tết Nguyên đán và các ngày Lễ kỷ niệm năm 2022 của đất nước và địa phương.
Ảnh minh họa: Bộ VHTTDL. |
Nhằm đảm bảo an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ VHTTDL lưu ý, quá trình tổ chức triển khai các nhiệm vụ sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn về phòng, chống dịch theo sự chỉ đạo của Chính phủ.
Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, Chương trình đề ra 5 mục tiêu chủ yếu đến năm 2025.
Thứ nhất, 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác.
Thứ hai, 100% thư viện có vai trò quan trọng, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thư viện đại học và thư viện chuyên ngành ở trung ương có trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ trực tuyến, tích hợp với thành phần dữ liệu mở của Hệ tri thức Việt số hóa; 80% thư viện chuyên ngành và thư viện đại học khác, 60% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập (trừ các dịch vụ thuộc phạm vi bí mật nhà nước và dịch vụ đọc hạn chế).
Thứ ba, 70% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do các thư viện có vai trò quan trọng thu thập và quản lý được số hóa; 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học thu thập và quản lý được số hóa.
Thứ tư, 100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại.
Thứ năm, 60% số thư viện trong cả nước trở lên được kiểm tra, quản lý thông qua hệ thống quản lý thông tin của cơ quan quản lý.
Đến năm 2030, Chương trình định hướng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện số, thực hiện liên thông ở mọi loại hình thư viện, bảo đảm cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện mọi nơi, mọi lúc.