Lo vì khách quốc tế sụt giảm
Theo Tổng cục Du lịch, trong giai đoạn 2015-2018, khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng đột phá từ 7,9 triệu lượt vào năm 2015 lên 15,5 triệu lượt vào năm 2018, tăng 1,95 lần, cùng tốc độ tăng trưởng trung bình 25%/năm. Đây là giai đoạn được đánh giá là tăng trưởng kỷ lục trong lịch sử phát triển du lịch Việt Nam và mức tăng cao hơn mức trung bình của du lịch thế giới cũng như khu vực.
Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2019, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang có xu hướng giảm, tăng trưởng chậm lại. 7 tháng qua, du lịch Việt Nam đón gần 9,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018 (mức tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái đạt 25,4%).
Bộ VHTT&DL tổ chức hội nghị tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
|
Lượng khách đến từ thị trường Trung Quốc giảm tới 2,8% so với cùng kỳ năm 2018 đã kéo tốc độ tăng trưởng chung chậm lại.
“Khách quốc tế đến Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Nhất là sự sụt giảm của lượng khách từ Trung Quốc”- ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam - nói.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch, nguyên nhân của sự sụt giảm là do kinh tế Trung Quốc suy giảm, kéo theo thị trường khách Trung Quốc giảm theo xu thế chung. Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc,…có những chính sách nới lỏng đối với khách Trung Quốc, nên lượng khách thị trường này có xu hướng đến các điểm gần ở Hàn Quốc, Nhật Bản.
“Vì vậy, tại sự kiện này, Tổng cục Du lịch mong muốn nhận được các ý kiến của các đại biểu để đưa ra các giải pháp tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt là các giải pháp tập trung công tác xúc tiến quảng bá, hướng đến các thị trường trọng điểm.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương, xây dựng các gói kích cầu có chủ đề, hướng đến các thị trường, cùng với các đơn vị cung ứng dịch vụ tạo nên các gói kích cầu, tăng cường trao đổi khách giữa các nước để đưa khách tế đến Việt Nam” - ông Hà Văn Siêu phát biểu.
Số liệu thống kê khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 giảm sút mạnh do sụt giảm lượng khách Trung Quốc
|
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ VHTT&DL nên sớm xây dựng hệ thống bản đồ thông minh về định danh địa danh du lịch, kết hợp với quảng bá đến các thị trường khách.
Bên cạnh xúc tiến tìm kiếm thị trường khách quốc tế mới, cần đánh giá lại thị trường trong nước; tập trung thu hút lượng khách nội địa; tập trung ngày lưu trú; xây dựng sản phẩm kích thích chi tiêu của du khách; tập trung giải quyết các vấn đề về e-Visa, thời gian cấp visa,… tạo điều kiện để thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam.
Mỗi tháng phải đạt 1,5 triệu khách quốc tế!
Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, thời gian qua, ngành du lịch đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng kết quả vẫn còn nhỏ bé so với các nước lân cận. Sự phát triển cũng chỉ tập trung ở một số địa phương như: Đà Nẵng, Khánh Hòa…
Trước tốc độ tăng trưởng của thị trường khách quốc tế đang bị chậm lại, Bộ trưởng Thiện đề nghị các đại biểu tập trung tìm giải pháp để giải quyết, không chỉ của 5 tháng còn lại mà còn giải quyết cả trong những năm sau.
“Nhưng nếu chúng ta vượt qua 5 tháng này thì chắc chắn năm sau chúng ta cũng sẽ tận dụng được đà tăng trưởng. Từng địa phương phải làm sao để mỗi tháng, lượng khách quốc tế tăng ít nhất 1,5 triệu lượt”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, qua phân tích 7 tháng qua thấy nổi lên các vấn đề: Việt Nam hiện có 3 thị trường khách quốc tế lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Khách Trung Quốc chiếm 5 triệu khách, Hàn Quốc chiếm khoảng 4 triệu khách và Nhật Bản khoảng 1 triệu.
Trong đó, du khách Nhật Bản tăng tốt nhất trong mấy năm qua khi đạt mức 12%, nên phải duy trì và làm tốt lên. Đối với thị trường khách Hàn Quốc năm 2018 tăng khoảng 50%, năm 2019 cũng tăng khoảng 22% nên cần duy trì mức tăng trưởng và tìm biện pháp để nâng tăng trưởng lên 30%.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại hội nghị
|
“Riêng thị trường khách Trung Quốc đang bị giảm đến 2,8% và việc giảm này rất khó tìm thị trường để bù lại. Giải pháp đặt ra là làm thế nào để thu hút tăng lên. Nhưng việc tăng số lượng phải đi kèm với chất lượng, là điều mà du lịch Việt Nam phải quan tâm.
Với thị trường khách Trung Quốc, phải làm sao để không giảm mà còn tăng khoảng 5%, thì may ra chúng ta mới có thể hoàn thành được kế hoạch đã đặt ra. Còn nếu thị trường khách Trung Quốc giảm như hiện nay thì nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch sẽ nhiều thách thức.”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.