Bộ trưởng Bộ Y tế: Virus gây bệnh COVID-19 biến đổi khiến việc chống dịch rất cam go

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phòng, chống dịch ở nước ta. Vì thế, con đường chiến đấu với đại dịch phía trước còn rất cam go.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Minh Thuý)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Minh Thuý)

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại hội nghị Y tế toàn quốc do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (6/1).

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn rất cam go

Nhận định về tình hình dịch COVID-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Hiện nay, bức tranh phòng, chống dịch ở nước ta vẫn chưa có màu sắc sáng sủa. Sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 đòi hỏi toàn ngành Y tế phải quyết tâm cao hơn trong cuộc chiến cam go này”.

Nhằm tăng cường bảo vệ sức khoẻ cho người dân và đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19, năm nay, Bộ Y tế sẽ phấn đấu đạt các chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao: tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91%; xây dựng đề án quy hoạch tổng thể ngành y tế đến năm 2045 và cam kết cắt giảm 30% thủ tục hành chính trong năm 2021.

Người dân mua thuốc ở bệnh viện (Ảnh: Minh Thuý)

Người dân mua thuốc ở bệnh viện (Ảnh: Minh Thuý)

Dự kiến, đến tháng 3-2021, ngành Y tế sẽ chính thức đưa trí tuệ nhân tạo vào cấp phép với ngành dược, thực phẩm.

Trong tháng 7/2021, ngành y tế sẽ triển khai khám, chữa bệnh ngoại trú không dùng giấy để có bước chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng tới nền y tế số trong tương lai, tiến tới sử dụng bệnh án dùng chung cho tất cả các tuyến, nhằm tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

Về đổi mới tài chính y tế, Bộ Y tế đang áp dụng thí điểm phương thức thanh toán BHYT DRG để tháng 7 năm nay triển khai toàn quốc; áp dụng chi trả theo định xuất, thực hiện phân cấp mạnh thẩm quyền quyết định mua sắm; xây dựng Nghị định xã hội hóa, liên doanh liên kết.

Về đổi mới về tài chính, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương không tiến hành giao dự toán quỹ BHYT trong năm 2021 mà chuyển đổi sang hình thức khác như DRG. Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó quy định rõ nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm và cơ chế tự chủ của các đơn vị làm nhiệm vụ dự phòng, dân số, an toàn thực phẩm, các trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý trạm y tế xã.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp trong việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình (bao gồm cả chi phí quản lý, khấu hao) khi điều kiện cho phép; thống nhất để Bộ Y tế ban hành mức giá tối đa của các dịch vụ theo yêu cầu theo nguyên tắc tính đầy đủ chi phí để khuyến khích các cơ sở vay vốn, huy động vốn để đầu tư.

Điểm sáng chống COVID-19 và chuyển đổi số

Với những thành quả đã đạt được trong năm qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam là điểm sáng phòng chống COVID-19. Thành quả này có được là nhờ sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.

Theo ông Long, chưa bao giờ Việt Nam phải đối mặt với đại dịch truyền nhiễm nguy hiểm như COVID-19 với sự tham gia của tất cả người dân như thời gian qua. Các lực lượng tiền phương như đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, hy sinh quên mình trên tuyến đầu phòng, chống dịch. Ngành Y tế đã thể hiện bản lĩnh trí tuệ, sự thống nhất cao và nhiều cán bộ y tế không ngại ngần lao vào điểm nóng với tinh thần: “Ngày hôm nay có thể trở về vinh quang, có thể không trở về”.

Nhân viên y tế thăm hỏi sức khoẻ bệnh nhân (Ảnh: SYT HN)

Nhân viên y tế thăm hỏi sức khoẻ bệnh nhân (Ảnh: SYT HN)

Đến thời điểm hiện tại, nước ta đã cơ bản ngăn chặn và kiểm soát được dịch COVID-19, điều trị có hiệu quả các ca bệnh nặng, hiểm nghèo, được các tổ chức quốc tế và người dân ghi nhận.

Qua quá trình phòng, chống dịch, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên giải được trình tự gien virus; 1 trong 5 quốc gia sản xuất được sinh phẩm chẩn đoán kháng thể, sản xuất thành công máy thở. Đặc biệt, Việt Nam là một trong ít quốc gia trong ASEAN thử nghiệm vaccine trên người.

Năm vừa qua, ngành Y tế đã đạt các chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội, Chính phủ giao là đạt số giường bệnh trên vạn dân (28); Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 90,85% (giao 90,7%); đạt 6/7 chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực được Chính phủ giao. Bộ Y tế là một trong 2 bộ đầu tiên đưa dịch vụ công trực tuyến lên cấp 4 trong 6 tháng.

Trong 45 ngày, ngành Y tế đã kết nối 1.000 điểm khám, chữa bệnh từ xa. Đến nay đã kết nối được khoảng 1.500 cơ sở y tế trên cả nước, phát huy hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân ở tuyến cơ sở.

Ngoài ra, gành Y tế còn là điểm sáng của Chính phủ về chuyển đổi số. Trong thời gian ngắn, ngành Y tế đã ra đời một loạt các nền tảng ứng dụng như mạng Y tế Việt Nam kết nối với cán bộ y tế trên toàn quốc và sẽ hoàn thành vào tháng 6. Trong thời gian 5 tháng, đưa 98 triệu bản ghi, hồ sơ, phối hợp với BHXH thành hồ sơ sức khỏe cá nhân, tạo ra nền tảng cho ứng dụng công nghệ về sau này.