Đó là nội dung cuộc họp trực tuyến chiều nay của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với các địa phương có dịch trên toàn quốc. “Các địa phương phải vừa lấy mẫu, vừa khoanh vùng, vừa truy vết. Nếu không truy vết được phải thực hiện giãn cách xã hội”- Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo.
Nhiều nơi còn lúng túng
Tại cuộc họp, các địa phương có dịch đã báo cáo tình hình dịch với Bộ trưởng Bộ Y tế. Nhìn chung, mặc dù hết sức cố gắng, nhưng các địa phương vẫn còn lúng túng. Đây là điều thực sự đáng lo ngại trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 đã biến chủng với tốc độ lây lan nhanh.
Đặc biệt, là điểm nóng với ổ dịch lớn nhất cả nước, nhưng đại diện ngành tế của Hải Dương gần như không biết gì về vấn đề phòng dịch trên địa bàn, hoặc địa phương này không có giải pháp gì cho ổ dịch Cẩm Giàng, Kinh Môn. Vì thế, mặc dù đã xin phép lùi lại báo cáo sau, vị đại diện của Hải Dương vẫn không trả lời được các câu hỏi nên đã bị Bộ trưởng “mời ngồi xuống”! Việc lúng túng của vị đại diện Hải Dương trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” đã phần nào phản ánh được vì sao dịch bùng phát ở đây mà chính quyền địa phương vẫn không hề hay biết, cho đến khi phía Nhật phát hiện “hộ”.
Bộ Y tế họp với các địa phương có dịch |
Tuy ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã mở thêm 1 điểm cách ly tập trung ở Hoàng Mai tiếp nhận các F1; những người đi từ vùng dịch đều được lấy mẫu và cách ly tại nhà, thì vẫn chưa thấy sự thay đổi chiến thuật của Hà Nội cho tương xứng với tốc độ của dịch, mặc dù chiều qua, trong cuộc họp với UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ rõ nguy cơ của Thủ đô và những vấn đề phải khẩn trương thực hiện.
Có lẽ chỉ Bình Dương là địa phương chủ động làm tốt việc chống dịch nhất, cho dù lịch trình đi lại của các F0 vô cùng phức tạp và địa phương còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Theo PGS.TS. Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM thì Bình Dương đã khoanh vùng những người đi từ vùng dịch rồi mới lấy mẫu, nên xác định được tất cả F1. Xác định đến đâu khoanh vùng và xử lý đến đó nên mọi việc đều trong tầm kiểm soát.
Đặc biệt, không như tin đồn trên mạng về việc sân bay Nội Bài sẽ bị phong tỏa, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, cho đến nay “sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều làm rất bài bản, nên không có vấn đề gì”.
Nỗi lo ổ dịch Gia Lai
Gia Lai hiện là nỗi lo ngại lớn bởi theo ông Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế Gia Lai - thì riêng hôm nay tỉnh có thêm 7 ca mắc, tức là chỉ trong 3 ngày đã có 13 trường hợp. Toàn tỉnh đã truy vết được 303 trường hợp F1, 634 F2. Đã lấy mẫu được 6.500 trường hợp song công suất xét nghiệm của tỉnh đang chỉ 200 mẫu/ngày nên phải nhờ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ xét nghiệm thêm 500 mẫu/ngày.
Đại diện tỉnh Gia Lai báo cáo tình hình dịch tại điểm cầu trực tuyến |
Hôm nay, tỉnh đã quyết định phong toả BVĐK tỉnh Gia Lai do 1 bệnh nhân đã đến đây khám. Trong ngày mai sẽ lấy mẫu toàn bộ 300 nhân viên y tế, 1.200 bệnh nhân và người nhà để xét nghiệm. Số lượng mẫu phải xét nghiệm tăng lên từng ngày, Sở Y tế Gia Lai tính phương án chuyển mẫu đến Viện Pasteur Nha Trang và Viện Sốt rét Ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn để hỗ trợ xét nghiệm.
Theo ông Viên Chinh Chiến -Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên - thì đội truy vết của tỉnh có 200 người, mỗi ngày truy vết tối đa được 300-400 trường hợp F1, song việc điều tra dịch tễ đang gặp rất nhiều khó khăn khi 13 ca bệnh tập trung tại 4 huyện miền múi, đi lại khó khăn và bà con chưa thật sự hợp tác.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo: Nếu gửi mẫu về TP. HCM thì quá trễ, rồi đợi thêm 1-2 ngày, lúc đó lại có thêm ca khác thì rất khó khăn. Do đó, Bộ Y tế sẽ điều động Viện Pasteur TP HCM đưa nhân lực, máy móc lên Gia Lai ngay lập tức để thiết lập 1 labo xét nghiệm, hỗ trợ địa phương.
“Chủng COVID-19 mới lây qua không khí nên khả năng lây nhiễm cao hơn. Bên cạnh đó, đồng bào Tây Nguyên lại có thói quen sinh hoạt chung với nhau nên phải gấp rút triển khai nhiều giải pháp để giảm lây nhiễm” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước việc Gia Lai đóng cửa BVĐK tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Quang Tuấn -Giám đốc BV Bạch Mai - cho rằng: Chủng virus này lây qua không khí nên phải quan tâm đến vấn đề cách ly. Nhưng nếu đóng cửa BV sẽ là thảm hoạ y tế vì BV là nơi điều trị cho nhân dân toàn tỉnh. Do đó, chỉ nên cách ly cục bộ những nơi bệnh nhân đã đến và mở cửa BV trở lại càng sớm càng tốt sau khi khử trùng.
Cục trưởng Cục quản lý KCB Lương Ngọc Khuê yêu cầu Gia Lai không vận chuyển xét nghiệm đi TP.HCM để tránh mất thời gian và đảm bảo an toàn sinh học, nên ngay tối nay sẽ điều cán bộ lên Gia Lai hỗ trợ. Bệnh viện chỉ nên cho 2/3 nhân viên đi làm, còn 1/3 dự trữ, để khi phong toả còn có người làm.
Các tỉnh có dịch báo cáo tình hình |
Bộ trưởng Y tế cũng cho rằng, không cần phong toả cả BV khi chưa có hiện tượng lây lan chéo trong BV. Gia Lai phải chuẩn bị ngay phương án điều trị tại chỗ, thành lập bệnh viện dã chiến, đưa bệnh nhân dương tính về đó điều trị. Bộ Y tế cũng sẽ gấp rút điều đội truy vết có kinh nghiệm của Đà Nẵng, BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai hỗ trợ Gia Lai truy vết, cách ly, điều trị, vì hiện công tác truy vết của Gia Lai còn chậm.
80% bệnh nhân không có triệu chứng
Ông Lương Ngọc Khuê yêu cầu: Do tới 80% bệnh nhân không có triệu chứng, nên các BV phải chú ý khai thác tiền sử tất cả các bệnh nhân đến khám. Nếu chỉ đợi các triệu chứng ho sốt, khó thở thì sẽ bỏ sót. Các BV phải thông thoáng, đặc biệt là phải làm tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, để tránh lây nhiễm chéo.
Từ thực tế kiểm tra các BV, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý: Việc khai thác tiền sử bệnh tật ở các BV hiện rất thấp nên rất dễ bị lọt. Do đó, phải khám sàng lọc và phân loại. Các văn bản hướng dẫn công tác phòng, chống dịch đến giờ này khá đầy đủ, nhưng chỗ làm tốt, chỗ lúng túng là do khâu tổ chức thực hiện. Các BV phải xác định được F1 tiếp xúc với ca bệnh; F2 tiếp xúc với F1, để cách ly, phong toả cho đúng.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Các địa phương không được phép chủ quan. Tôi nhắc lại là lây nhiễm lần này tăng cao hơn, nên phải có các biện pháp mới. Virus SARS-CoV-2 biến thể có tốc độ lây tăng 70% so với chủng cũ, lại không có triệu chứng nên dễ bị bỏ qua. Do đó, phải vừa khoanh vùng, vừa truy vết vừa lấy mẫu với tốc độ nhanh.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo phải tăng công suất xét nghiệm, bởi bài học thành công của Đà Nẵng là công suất xét nghiệm. Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ trang thiết bị cho một số tỉnh khó khăn; các tỉnh đều phải bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng; chuẩn bị các phương án phòng chống dịch cho những nơi đông người; từng người dân cài ứng dụng khai báo y tế vv…