Ngày 16/4, Bộ Tài chính Mỹ thông báo Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan vượt ngưỡng quy định theo luật thương mại Mỹ 2015, có thể thao túng tiền tệ, nhưng không còn chính thức nêu tên ba nước trong danh sách các quốc gia mà chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump cho là thao túng tỉ giá hối đoái.
Trước đó, ngày 16/12/2020, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, trong đó lần đầu tiên đưa Việt Nam và Thụy Sĩ vào danh sách thao túng tiền tệ.
Việc dán nhãn thao túng tiền tệ dựa theo 3 tiêu chí: mỗi năm, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỉ USD, can thiệp hối đoái vượt 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và thặng dư tài khoản vãng lai vượt 2% GDP. Theo đó, trong năm 2020, Việt Nam có đủ các tiêu chí này.
Ngay lập tức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định Việt Nam không phải là quốc gia thao túng tiền tệ. Theo Ngân hàng Nhà nước, các chính sách tiền tệ của Việt Nam được ban hành vì nhiều mục đích kinh tế vĩ mô khác nhau, nhưng chắc chắn "không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng".
Tuy nhiên trong báo cáo mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, dựa trên luật thương mại năm 1988, không có bằng chứng cho thấy ba nước Việt Nam, Thụy Sĩ và Đài Loan đang thao túng tỉ giá hối đoái để tạo lợi thế cạnh tranh hoặc ngăn cản sự cân bằng trong điều chỉnh thanh toán.
“Đối với năm 2020, chúng tôi chưa kết luận về việc thao túng”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, nhưng đồng thời cũng cho rằng họ cần phân tích thêm về vấn đề này trong các cuộc hội đàm song phương tiếp theo./.