The Wall Street Journal ngày 30/1 dẫn lời một người thông thạo về vấn đề này nói rằng Bộ Nội vụ Mỹ có hơn 800 máy bay không người lái, tất cả đều là các sản phẩm “Made in China” hoặc ít nhất là có linh kiện, phụ kiện sản xuất tại Trung Quốc.
Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Mỹ Nick Goodwin cho biết Bộ trưởng Bộ Nội vụ David Bernhardt đã ban hành một mệnh lệnh hành chính vào hôm thứ Tư (29/1), yêu cầu cấm bay đối với tất cả các máy bay không người lái cho đến khi Bộ này hoàn thành việc điều tra, xem xét đánh giá về các rủi ro an ninh tiềm tàng của các máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất.
Người phát ngôn Nick Goodwin cũng nói rằng trong những tình hình đặc biệt, chẳng hạn như thiên tai thảm họa hoặc các tình huống khẩn cấp liên quan đến đe dọa đến tính mạng, có thể không bị hạn chế bởi các quy định trên.
Bộ trưởng Nội vụ Mỹ David Bernhardt đã ban hành mệnh lệnh hành chính cấm bay tất cả phi đội máy bay không người lái của bộ này (Ảnh: KUER)
|
Các quan chức lo ngại rằng sự phụ thuộc của Mỹ vào máy bay không người lái Trung Quốc có thể khiến các cơ sở hạ tầng quan trọng trong nước gặp nguy hiểm. Họ lo rằng các máy bay không người lái này có thể gửi thông tin về cho các tin tặc trong chính phủ Trung Quốc hoặc các nơi khác để dùng cho việc tấn công mạng hoặc các hoạt động phạm tội khác.
Vào tháng trước, các nhóm lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã cùng nhau đưa ra một dự luật cấm các cơ quan liên bang mua máy bay không người lái từ Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác được coi là có nguy cơ đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng chính phủ Trung Quốc có quyền hạn rộng lớn đối với các công ty Trung Quốc, bao gồm cả việc yêu cầu họ hợp tác với công tác tình báo của chính phủ. Vì lý do tương tự, hồi tháng 5/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa Huawei được cho là có bối cảnh quân sự của Trung Quốc vào “Entity List” (danh sách thực thể) bị kiểm soát xuất khẩu.
Phía Mỹ lo ngại máy bay không người lái Trung Quốc có cửa hậu chuyển dữ liệu tình báo cho các tin tặc Trung Quốc (Ảnh: Getty)
|
Vào năm 2017, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo rằng DJI (hãng Dajiang, hay Shenzhen DJI Sciences and Technologies Ltd), một nhà sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc, được cho là “nhắm mục tiêu có chọn lọc vào các cơ quan chính phủ và các thực thể tư nhân, thông qua lĩnh vực này để mở rộng khả năng thu thập và sử dụng các dữ liệu nhạy cảm của Hoa Kỳ”.
DJI có trụ sở tại Thâm Quyến sau đó đã bác bỏ các cáo buộc này.
Hãng phát thanh công cộng quốc gia Hoa Kỳ (National Public Radio, NPR) đã đưa tin Lanier Watkins, một nhà khoa học nghiên cứu mạng tại Viện An toàn thông tin tại Đại học Johns Hopkins, nói rằng qua các thử nghiệm đã phát hiện ra trong máy bay không người lái DJI thực sự tồn tại các lỗ hổng. “Chúng ta có thể tải xuống và tải lên thông tin từ máy bay không người lái” hoặc “người khác có thể chiếm quyền điều khiển các máy bay không người lái này”.
Mệnh lệnh hành chính do Bộ Nội vụ ban hành lần này là một trong những phản ứng lớn nhất đối với vấn đề này. Trước đây, quân đội Mỹ đã ngừng mua các máy bay không người lái sản xuất tại Trung Quốc sau khi các nhà lập pháp liên bang cấm họ mua chúng.
The New York Times cho biết, trong những năm gần đây Bộ Nội vụ Hoa Kỳ rất thích sử dụng máy bay không người lái để cứu hộ khẩn cấp, theo dõi giám sát thảm họa, thiên tai hoặc thăm dò địa chất. Tính đến cuối năm ngoái, Bộ Nội vụ đã có tổng cộng 531 chiếc máy bay không người lái và đã hoàn thành hàng chục ngàn phi vụ, nhưng tỷ lệ sử dụng máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất thì không được biết.
DJI là hãng bị thiệt hại lớn nhất bởi lệnh cấm bay của Bộ Nội vụ Mỹ (Ảnh: Getty)
|
The New York Times cho rằng, cho đến nay, không có bằng chứng công khai nào cho thấy máy bay không người lái do Trung Quốc sản xuất đang hoạt động gián điệp hoặc cài đặt cái gọi là cửa hậu an ninh trong thiết bị.
Nhiều nhà phân tích cho rằng nơi bị ảnh hưởng lớn nhất của mệnh lệnh này là DJI, một nhà sản xuất máy bay không người lái Trung Quốc, bởi vì hãng này đã sản xuất một số lượng lớn máy bay không người lái cho Bộ Nội vụ Hoa Kỳ. The New York Times dẫn tuyên bố của DJI, nói rằng DJI rất thất vọng vì điều này và cho rằng quyết định này không liên quan gì đến những lo ngại về an ninh của chính phủ Hoa Kỳ về máy bay không người lái của DJI, mà là xuất phát từ động cơ chính trị; mục đích là giảm bớt khả năng cạnh tranh thị trường của DJI và hỗ trợ cho công nghệ máy bay không người lái nội địa của Hoa Kỳ.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu