Lời tố cáo ngược này được cho là “đòn phản công” của Trung Quốc sau khi nước này đối mặt với sự chỉ trích, lên án gay gắt của cộng đồng quốc tế về những hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép ở Biển Đông gần đây.
Năm 2002, Trung Quốc và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên đã ký kết một thoả thuận trong đó các bên nhất trí kiềm chế không có hành động chiếm đóng thêm các bãi đá, bãi san hô chưa có người sinh sống ở Biển Đông cũng như không tiến hành xây dựng các công trình mới ở khu vực, làm phức tạp thêm tình hình.
Trong một tuyên bố vừa được phát đi ngay trước nửa đêm ngày hôm qua (4/5), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Philippines ngừng ngay việc “có những phát biểu phóng đại mang dã tâm và khiêu khích” về cuộc tranh chấp đồng thời tố cáo Manila “chiếm đóng bất hợp pháp một số hòn đảo của Trung Quốc”.
"Phía Philippines đã tiến hành hoạt động xây dựng trên quy mô lớn các cơ sở dân sự và quân sự, trong đó có sân bay, cảng biển và doanh trại trên những hòn đảo đó trong nhiều năm… Trung Quốc phản đối hành động xây dựng trái phép của Philippines ở Biển Đông và yêu cầu Philippines rút toàn bộ nhân viên cũng như thiết bị ra khỏi các đảo và bãi đá”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn khẳng định: "Trung Quốc chưa bao giờ và chưa từng có những hành động làm phức tạp và xấu đi tình hình các cuộc tranh chấp ở Biển Đông cũng như gây ảnh hưởng đến hoà bình và sự ổn định trong khu vực”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng tố cáo chính Trung Quốc mới là nước đang vi phạm bộ quy tắc về xây dựng ở Biển Đông và rằng Bắc Kinh đang “vu vạ” cho Philippines để bào chữa và làm vỏ bọc cho các hoạt động cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc.
Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang trắng trợn đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Những hình ảnh thu được từ vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một đường băng thích hợp cho mục đích quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và có thể còn đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một đường băng khác tương tự. Cùng với đó, Trung Quốc còn tiến hành hàng loạt hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng đảo nhân tạo một cách trái phép ở Biển Đông.
Các bước đi của Trung Quốc đã gây ra một sự quan ngại và bất bình rất lớn của những nước láng giềng xung quanh và của cả cộng đồng thế giới.
Các cường quốc trong nhóm G7 gần đây đã ra tuyên bố bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về các hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Giới chức Mỹ cũng liên tục lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc.
Mới đây nhất, tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Malaysia, ASEAN cũng ra tuyên bố chung bày tỏ sự lo ngại trước những hành động của Trung Quốc ở khu vực biển chiến lược và giàu tài nguyên, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế và thoả thuận đã ký với các nước trong khu vực liên quan đến các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Đối diện với làn sóng chỉ trích dữ dội nói trên, Trung Quốc tức tối quay sang tố ngược lại Philippines.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc lên tiếng tố cáo Philippines có “hành động xây dựng trái phép” ở Biển Đông. Hôm 29/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã cáo buộc rằng, trong một thời gian dài, Philippines và các nước khác “đã và đang tiến hành các hoạt động bồi đắp trên quần đảo của Trung Quốc mà họ đang chiếm đóng bất hợp pháp, trong đó có việc xây dựng các sân bay và những cơ sở hạ tầng cố định khác, thậm chí còn triển khai tên lửa và các thiết bị quân sự”.
Phản ứng trước lời tố ngược của Bắc Kinh, Manila giận dữ bác bỏ đồng thời thách Trung Quốc đưa ra được bằng chứng chứng minh cho cáo buộc nói trên.
Trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông hiện giờ, cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines là căng thẳng nhất, nóng bỏng nhất. Philippines dù lực lượng quân sự chỉ được đánh giá là “một chú lùn” so với người khổng lồ Trung Quốc nhưng đã đối đầu quyết liệt, không khoan nhượng với nước láng giềng to lớn trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Manila đã kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hồi tháng 1 năm 2012 bất chấp sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh. Sự cứng rắn của Philippines một phần dựa vào sự hậu thuẫn mạnh mẽ của đồng minh cũng là siêu cường số 1 thế giới - Mỹ.
Theo: VnMedia