Biển Đông nóng, Mỹ muốn “trị” hải cảnh Trung Quốc

VietTimes -- Ngày 20.06.2016, hai nhà phân tích David Barno và Nora Bensahel đưa ra nhưng phương án mà Mỹ có thể tăng cường các hoạt động nhằm ngăn các động thái ngày càng quyết đoán và làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong đó có đề xuất tăng cường sự hiện diện của Cảnh sát biển Mỹ.
Tàu cảnh sát biển Mỹ WMSL-751
Tàu cảnh sát biển Mỹ WMSL-751

Rõ ràng, trên thực tế, Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng với chính sách “cận kề miệng hố chiến tranh” trong khu vực và những hành động mà chính phủ Mỹ đã phản ứng đáp trả nhưng rất ít ảnh hưởng đến tình hình khu vực.

Những đề xuất về các chính sách đối ngoại của hai nhà phân tích  - ví dụ như tập trung nâng cao các mối quan hệ quân sự giữa Mỹ với Philippines và Việt Nam, như thế giới đã chứng kiến trong thời gian qua sẽ có hiệu quả trong định hướng ngăn chặn các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhưng hiểu lầm về vai trò bảo vệ bờ biển, nhận định quá rộng khả năng của Cảnh sát biển Mỹ cũng tạo ra rủi ro làm gia tăng nguy cơ xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông.

Barno và Bensahel hoàn toàn đúng khi nhấn mạnh rằng Trung Quốc rất thành thạo trong việc sử dụng "các tàu thương mại và các tàu chấp pháp như hải cảnh nhằm củng cố những tuyên bố phi pháp và đe dọa các nước láng giềng trong khu vực trên Biển Đông."

Đây là một sự phát triển gây quan ngại đối với các hoạt động dân sự trên biển, tiến trình mở rộng các hoạt động gần đây của hải cảnh Trung Quốc đe dọa khiến cho tình hình trở lên tồi tệ hơn.

Các nhà phân tích nhận định rằng những hoạt động mở rộng địa bàn hoạt động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đang là thách thức lớn nhất trên Biển Đông. Từ quan điểm của chính phủ các nước trong khu vực, các tàu tuần biển thực hiện một phương pháp tiếp cận nhẹ nhàng hơn.

Nhưng từ góc nhìn của tàu bè dân sự, hoạt động trên vùng biển tranh chấp, lực lượng hải cảnh Trung Quốc còn nguy hiểm hơn là đe dọa vũ lực do tính đại diện của cơ quan pháp quyền cho phép các cảnh sát biển Trung Quốc có thể ngăn chặn và lên các tàu dân sự, tịch thu hàng hóa, bắt giữ thủy thủ đoàn, trong một số tình huống Trung Quốc đã sử dụng vũ lực.

Những hành động như vậy lực lượng hải cảnh Trung Quốc đều có thể thực hiện nhân danh những tuyên bố phi pháp vùng nước chủ quyền mà không quan ngại sự lên án của cộng đồng thế giới.

Hơn nữa, trước khi có phán quyết của Tòa trọng tài thường trực và các tranh chấp lãnh thổ được giải quyết, các hoạt động lộng hành của Cảnh sát biển Trung Quốc cho phép Bắc Kinh gặt hái nhiều lợi ích trên Biển Đông bất kể những tuyên bố chủ quyền phi pháp vô căn cứ.

Những đảo nằm trong chủ quyền của các nước khác nhau trên Biển Đông ít có giá trị nội tại. Giá trị then chốt của các đảo là khẳng định chủ quyền và kiểm soát những vùng nước xung quanh đảo.

Với khoảng 5 nghìn tỷ USD giá trị vận tải thương mại quốc tế đi qua khu vực này hàng năm, khu vực này ước tính cũng có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên nằm dưới đáy biển cùng gần 10 triệu tấn thủy hải sản đánh bắt mỗi năm, quyền kiểm soát biển Đông có giá trị cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Với việc sử dụng lực lượng vũ trang trên boong, các phương tiện kỹ thuật kiểm soát tàu, hải cảnh Trung Quốc có thể thực hiện thẩm quyền trên vùng nước Biển Đông mà không có sự hiện diện quân sự công khai và khiêu khích, có thể dẫn đến nguy cơ bùng nổ xung đột.

Máy bay trực thăng cứu hộ hạ cánh trên tàu cảnh sát biển Mỹ

Những đề xuất của Barnes và Bensahel cũng thấy được một sự thật không may là Cảnh sát biển Mỹ thiếu khả năng có một căn cứ cho sự hiện diện rõ ràng trên Biển Đông.

Ngân sách Cảnh sát biển hầu như không thể duy trì dịch vụ cho một sứ mệnh như vậy, Cảnh sát biển Mỹ không có đủ tàu có năng lực thực hiện hiệu quả sứ mệnh tuần tra ổn định trên vùng Biển Đông. Để có thể duy trì trách nhiệm đảm bảo an ninh khu vực, Cảnh sát biển Mỹ có kế hoạch cụ thể cho các tàu tuần tra hoạt động tại các địa điểm cụ thể.

Việc triển khai một tàu Cảnh sát biển Mỹ trên vùng Biển Đông sẽ dẫn đến một khoảng trống trong vùng nước ven biển Mỹ, cần có sự hiện diện để tiến hành các nhiệm vụ như thực thi pháp luật, tìm kiếm, cứu hộ.

Những vấn đề liên quan đến các tàu Cảnh sát biển Mỹ đang được nỗ lực giải quyết. Kế hoạch mua sắm các tàu  bổ sung sẽ tiếp tục.

Tình huống cũng không hoàn toàn chính xác như những gì mà Barno và Bensahel hình dung, tàu cảnh sát biển Mỹ sẽ làm gì ở Biển Đông? Nếu các tàu cảnh sát biến đến vùng nước này, tàu Mỹ sẽ chỉ được thực hiện quyền tự do hoạt động hàng hải (FONOP), vị trí hàng đầu của sứ mệnh FONOP được Hải quân Mỹ tiến hành, làm thế nào để hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Mỹ có thể tạo ra được sự khác biệt? Barno và Bensahel lập luận rằng "như Trung Quốc đã chứng minh, tàu Cảnh sát biển ít khiêu khích hơn tàu chiến" và "có thể đối đầu tương tự với tàu Trung Quốc với ít hơn nguy cơ leo thang quân sự."

Trong khi quan hệ tương tác giữa Hải quân Trung Quốc và Hải quân Mỹ đang căng thẳng, giữa hai lực lượng tồn tại một bản thỏa thuận trong đó có một tập hợp các quy tắc cho các tình huống đối mặt dự đoán trước, xác định rõ ràng cách xử lý trong các mọi trường hợp.

Sự tương tác giữa tàu cảnh sát biển Mỹ và tàu dân sự Trung Quốc (dù là tàu đánh cá hoặc các lực lượng dân quân biển mà hai nhà phân tích Barno và Bensahel đề cập), lại là những tình huống khác hẳn, sẽ rất không ổn định và không thể dự đoán trước được.

Các tàu dân sự vốn không được đào tạo tốt và không có tổ chức chỉ huy như tàu hải quân – đồng thời cũng không bị chi phối bởi các thủ tục hành chính và chịu sự giám sát chặt chẽ của chính phủ.

Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, giám đốc cơ quan tham mưu Bộ tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương đã chỉ ra rằng chắc chắn có sự tương tác giữa các tàu quân sự khi có dấu hiệu một cuộc xung đột ở Biển Đông. Các tàu dân sự lại là một câu chuyện khác.

Nếu Barno và Bensahel đề xuất thay vào đó tàu cảnh sát biển Mỹ hợp tác bảo vệ bờ biển của đồng minh và đối tác để thực thi pháp luật của các nước đó trong khu vực thì đây cũng sẽ là một vấn đề khá nghiêm trọng.

Để tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật, như kiểm soát thành viên trên các tàu cá thay mặt cho các đối tác khu vực, Cảnh sát biển Mỹ sẽ cần sự cho phép của đối tác để có thẩm quyền và quyền tài phán để hoạt động trong vùng biển chủ quyền.

Điều này có thể thông qua các hiệp định song phương với các nước có yếu cầu, ví dụ như Philipines, nhưng điều đó cũng sẽ gián tiếp công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của các nước này, đây chính là vấn đề mà chính phủ Mỹ không muốn.

Những lý luận trên không phải nhằm khẳng định Cảnh sát biển Mỹ không có vai trò gì trên Biển Đông, mà đơn giản khẳng định không phải vai trò mà Barno và Bensahel hình dung. Thay vào đó, tham gia vào quá trình đào tạo và trang bị cho lực lượng cảnh sát biển của quốc gia trong khu vực, Mỹ có thể giúp các nước nhỏ hơn chống lại âm mưu giành quyền kiểm soát vận tải thương mại ở Biển Đông của Bắc Kinh thông qua thủ đoạn sử dụng lực lượng hải cảnh Trung Quốc.

Mỹ đã cùng làm việc với các đối tác ven bờ Thái Bình Dương trong một số các cuộc diễn tập hải quân thời gian qua, bao gồm việc đào tạo huấn luyện lực lượng Cảnh sát biển Philippines năm 2015, Hải quân Mỹ huấn luyện lực lượng hải quân Philipines trong  hoạt động diễn tập Balikatan 2016, huấn luyện thường xuyên lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Tháng 5 vừa qua trong chuyến viếng thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Obama thừa nhận tầm quan trọng sứ mệnh bảo vệ bờ biển của Việt Nam, tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục giúp đỡ huấn luyện đào tạo lực lượng cảnh sát biển  Việt Nam trong thực thi pháp luật hàng hải nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia trên Biển Đông.

Nhiều cuộc tập huấn được xây dựng thể hiện năng lực phản ứng trước các hành động quân sự cụ thể của Trung Quốc. Ví dụ, trong đợt diễn tập Balikatan 2016, lực lượng Hải quân Mỹ, Úc, Philippines tiến hành "một trận phản kích mô phỏng đột kích một giàn khoan dầu từ lực lượng thù địch trên Biển Đông".

Giúp đỡ huấn luyện đào tạo là vai trò duy nhất phù hợp với lực lượng Cảnh sát biển Mỹ có thể thực hiện và gia tăng sự hiện diện nhân sự trên vùng Biển Đông.  Bằng việc tăng cường kỹ năng, trình độ, tính chuyên nghiệp của các lực lượng thực thi pháp luật hàng hải các bên tranh chấp với Trung Quốc. Các hoạt động luân phiên đào tạo có thể giảm thiểu những nguy cơ các vụ va chạm với dân thường, cảnh sát biển Trung Quốc và ngăn chặn xung đột ở Biển Đông.

Thông qua hoạt động huấn luyện đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật nhiệm vụ bảo vệ bờ biển của các đối tác trong khu vực, Mỹ sẽ đóng góp vào việc ngăn chặn các hoạt động cực đoan quyết đoán của Trung Quốc như tình huống giàn khoan HD 981, củng cố niềm tin của đồng minh và đối tác bằng những hành động đảm bảo cam kết khu vực về tự do hàng hải, không tạo thêm cơ hội cuộc xung đột giữa lực lượng Hải quân Mỹ với các thủy thủ  và thường dân Trung Quốc.

* Tác giả Aaron Picozzi là nhà nghiên cứu quân sự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cựu cảnh sát bảo vệ bờ biển, hiện đang phục vụ trong lực lượng Vệ binh Quốc gia.

TTB