Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trở thành bệnh viện đầu tiên trên thế giới ghép thành công cánh tay từ người cho sống

VietTimes -- Hôm nay (24/2), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chính thức công bố đã thực hiện thành công ca ghép chi thể đầu tiên tại Đông Nam Á, đồng thời, cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới từ người cho sống.
GS. TS. TTND. Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm bệnh nhân. Ảnh: BVCC
GS. TS. TTND. Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thăm bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Ca ghép nhiều thử thách

Tại buổi gặp mặt báo chí tổ chức tại Hà Nội sáng nay, GS. TS. TTND. Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – cho biết, hiện trên thế giới mới chỉ có 89 ca ghép chi thể, đều lấy từ người cho chết não. Với ca ghép thành công này, Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công ca ghép chi thể lấy từ người cho sống.

GS. TS. TTND. Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Minh Thúy
GS. TS. TTND. Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Minh Thúy 

“Có thể nói đây là một thử thách rất lớn của Bệnh viện. Nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo từ việc đào tạo nhân lực lẫn đầu tư trang thiết bị y tế, nhất là chúng tôi đã thực hiện hàng nghìn ca ghép trước đó, nên đủ điều kiện lẫn kinh nghiệm để tiến hành ca ghép này" - GS. TS. TTND. Mai Hồng Bàng chia sẻ.

Bàn tay được ghép sau một tháng đã cử động được khá bình thường
Bàn tay được ghép sau một tháng đã cử động được khá bình thường

Kíp mổ do GS.TSKH.TTND Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện - trực tiếp thực hiện cùng các bác sĩ của Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật. Sau 8 giờ, ca mổ "ghép cẳng tay và bàn tay mới" từ người hiến sống cho bệnh nhân đã thành công. Với sự nỗ lực của các y, bác sĩ, tất cả các cấu trúc giải phẫu đã phục hồi. Sau ghép, bệnh nhân được theo dõi sát từng giờ, từng ngày, kiểm tra quá trình dùng thuốc thải ghép để chống nhiễm trùng và giữ cho bàn tay sống.  

Ngay sau mổ, anh Vương đã có thể tự vận động nhẹ được các ngón tay của bàn tay ghép và nay, chỉ hơn 1 tháng sau ghép, anh đã có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số đồ vật.

GS. TSKH. TTND. Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc Ngoại khoa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Thanh Hằng
GS. TSKH. TTND. Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc Ngoại khoa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: Thanh Hằng

GS. TS. TTND. Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc Ngoại khoa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, một trong 5 phẫu thuật viên chính tham gia ca ghép tay đầu tiên trên thế giới (năm 2008) cho bệnh nhân ở Đức, cũng là người trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân Vương - chia sẻ: Thực tế, ghép chi thể có rất nhiều cấu trúc, bộ phận, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm trùng. Nếu kiểm soát nhiễm khuẩn không tốt, bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm khuẩn toàn thân, hoại tử da. Do đó việc ghép chi thể, đặc biệt là cánh tay gặp nhiều khó khăn. Chi thể ghép mà sống mà không có chức năng thì không thể tồn tại.

“Trong quá trình phẫu thuật, chúng tôi đã nối 8 mạch máu ở cánh tay của bệnh nhân để đảm bảo tuần hoàn tối ưu. Sau phẫu thuật 1 tháng sức khỏe bệnh nhân đã ổn định. Nếu tập luyện tốt, đầy đủ, cánh tay được ghép của bệnh nhân sẽ hoạt động như một cánh tay bình thường.” GS. TSKH. TTND. Nguyễn Thế Hoàng cho hay.

Theo GS.TS. Phạm Gia khánh - Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam -  bệnh nhân Vương được ghép nối thành công cánh tay là một trường hợp đặc biệt. Trên thế giới hiếm có trường hợp nào chấn thương bị đứt rời chi rồi lại được nối ghép từ người cho sống. Nếu Bệnh viện không có sự chuẩn bị kỹ càng thì không thể thực hiện thành công ca ghép. Sau ca ghép, các bác sĩ phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề miễn dịch, chống thải ghép cho bệnh nhân.

Cánh tay kỳ diệu viết tiếp ước mơ còn dang dở

Bệnh nhân được ghép là anh Phạm Văn Vương, 31 tuổi, sống tại Thanh Trì, Hà Nội. Trước đó vào năm 2016, anh Vương bị tai nạn lao động khiến 1/3 cẳng tay và bàn tay trái dập nát, biến dạng hoàn toàn.

GS. TS. TTND. Nguyễn Thế Hoàng và anh Phạm Văn Vương
GS. TS. TTND. Nguyễn Thế Hoàng và anh Phạm Văn Vương

Anh Vương đã được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để cấp cứu. Do vết thương quá nặng nề và không còn khả năng bảo tồn, các bác sĩ đã buộc phải cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay trái cho anh. Mặc dù vết thương mỏm cụt liền sẹo kỳ đầu và bệnh nhân được xuất viện sau 2 tuần điều trị nhưng nỗi đau tinh thần vì sự mất mát khi bị cụt một tay ngay từ khi trẻ tuổi khiến anh luôn ám ảnh.

Thế nhưng điều kỳ diệu đã đến với anh Vương.

Ngày 3/1/2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một ca tai nạn lao động rất nặng. Sau 3 lần mổ, các bác sĩ Khoa Chấn thương chi trên và Vi phẫu thuật đã nỗ lực nhưng vẫn không cứu được cánh tay cho bệnh nhân. Nhưng các bác sỹ cũng nhận thấy phần thừa của chi thể bị cắt cụt có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân bị cụt ở vị trí tương ứng.

Được sự giải thích của các bác sĩ, bệnh nhân và gia đình đã đồng ý hiến một phần chi thể của mình cho anh Vương.

Bệnh nhân bắt tay GS. TS. TTND. Mai Hồng Bàng bằng cánh tay được ghép thành công (Ảnh: Thanh Hằng)
Bệnh nhân bắt tay GS. TS. TTND. Mai Hồng Bàng bằng cánh tay được ghép thành công (Ảnh: Thanh Hằng)

Tại buổi gặp mặt sáng nay, anh Vương xúc động: “Ước mơ của em rất đơn giản làm sao khỏe mạnh để lo cho gia đình, vợ con. Em muốn gửi lời cảm ơn tới Bệnh viện, đặc biệt là GS. TS. Nguyễn Thế Hoàng và các bác sĩ đã trực tiếp điều trị cho em. Em chưa từng nghĩ mình sẽ được ghép một bàn tay như hôm nay, quả là một điều kỳ diệu. Em đặc biệt gửi lời cảm ơn sâu sắc, chân thành nhất đối với người đã hiến cánh tay để giúp em có được bàn tay có thể cầm bó hoa như ngày hôm nay.”

Bệnh nhân Vương khỏe mạnh ra viện. Video: Minh Thúy 

Từ năm 1998 đến nay mới chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể trên thế giới được thông báo trong y văn quốc tế. Trong đó, ghép cẳng tay được thực hiện nhiều nhất tại: Mỹ (24 trường hợp), Trung Quốc )13 trường hợp), Pháp (11 trường hợp). Tất cả các trường hợp này được ghép đều lấy từ nguồn từ người cho chết não. 

Trồng lại chi thể đứt rời ứng dụng kỹ thuật vi phẫu là một kỹ thuật rất khó, phức tạp, là đỉnh cao của phẫu thuật tạo hình và vi phẫu tuật mạch máu thần kinh. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trung tâm y học hàng đầu về lĩnh vực này và đã thực hiện thành công hàng chục ngàn ca. Những cánh tay, cẳng tay, bàn tay, ngón  tay bị đứt rời có thể nối lại được trong vòng từ 5-8 giờ với kết quả tốt nếu bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện kịp thời.