Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 8/12 dẫn lời một học giả kinh tế nổi tiếng Mỹ cho rằng cho dù Mỹ không tiếp tục lãnh đạo thương mại toàn cầu, Trung Quốc hiện cũng không thể gánh lấy trách nhiệm nặng nề này.
Do đó, học giả này lo ngại thế giới có khả năng rơi vào "chân không" thiếu lãnh đạo, giống như tình hình của thập niên 1930, thương mại và tài chính toàn cầu bị thiệt hại nặng nề, kinh tế các nước rơi vào suy thoái sâu sắc hơn.
Học giả mà bài báo nói tới trên đây chính là Fred Bergsten, thành viên của Ủy ban cố vấn chính sách và đàm phán thương mại Tổng thống Mỹ, cựu Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
Ngày 5/12, tại Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ (AEI) ở Washington, nhà nghiên cứu Fred Bergsten cho hay: "Nếu Mỹ không thể hoặc không sẵn sàng đóng vai trò lãnh đạo, nhà lãnh đạo tiếp theo đương nhiên nên là Trung Quốc, nhưng rõ ràng là hiện nay họ còn chưa chuẩn bị tốt để đảm nhiệm vai trò như vậy. Kết quả này chính là thế giới có thể sẽ rơi vào một chân không".
Ông giải thích, hồi thập niên 30 của thế kỷ trước, Anh là nhà lãnh đạo thương mại thế giới. Do chiến tranh và suy thoái kinh tế, Anh không thể tiếp tục thực hiện chức trách lãnh đạo thương mại toàn cầu, trong khi đó người kế nhiệm họ - Mỹ còn chưa chuẩn bị tốt để tiếp nhận.
Không những vậy, khi đó, Mỹ còn thực hiện thuế quan cao và phá giá tiền tệ, kết quả khiến cho thế giới rơi vào cuộc suy thoái lớn hơn. Bởi vì không có người có thể cung cấp thị trường cởi mở để lưu thông tự do những vật tư công của thế giới như tiền tệ và vốn. Trong khi đó những thứ này là điều kiện cần thiết để thương mại và tài chính toàn cầu vận hành thành công.
Học giả Fred Bergsten cho rằng: "Thời cơ đồng nhân dân tệ thay thế đồng USD còn thực sự chưa đến. Mặc dù Trung Quốc có ý định phát triển theo hướng đó, nhưng hiện còn quá sớm. Trung Quốc hiện cũng có vấn đề kinh tế của họ. Nhìn vào tình hình hiện nay, Trung Quốc còn không thể lấp đi chỗ trống này". Fred Bergsten lo ngại thế giới sẽ bước vào một "thời đại bất định".
Tuy nhiên, Fred Bergsten không thất vọng hoàn toàn, cho rằng Mỹ có thể sẽ không rút khỏi vị thế lãnh đạo thương mại toàn cầu. Quốc hội Mỹ có thể sẽ làm xoay chuyển cục diện này.
Chủ tịch của hai ủy ban quan trọng trong Quốc hội Mỹ gồm Ủy ban Gây quỹ Hạ viện và Ủy ban Tài chính Thượng viện đã đề xuất cần tạm hoãn rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này cho thấy nếu Chính phủ Mỹ muốn rút khỏi mô hình thương mại truyền thống thì Quốc hội sẽ đứng ra ngăn cản.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay sau khi lên nắm quyền đã gây lo ngại cho các nước thành viên TPP và cho thấy chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ đang lên.
Mỹ có rút khỏi TPP hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ, phải tiếp tục chờ đợi quan sát. Điều quan trọng là Mỹ phải tính toán được giữa “được” và “mất” về lợi ích cũng như vai trò lãnh đạo của họ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu.