Hiện nay, quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam với các nước rất được báo chí Trung Quốc quan tâm, chẳng hạn như quan hệ quốc phòng Việt - Ấn, Việt - Mỹ. Sau chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, báo chí Trung Quốc đã có nhiều bài viết bình luận, thậm chí "dìm hàng" về quan hệ quốc phòng Việt - Ấn.
Theo trang tin Sina Trung Quốc các ngày 21 và 22/3, trong tuyên bố chung Việt - Ấn vừa qua, ngoài mở rộng hợp tác trên phương diện “mua sắm thiết bị và chuyển nhượng công nghệ”, chính phủ hai nước còn đồng ý tăng cường quan hệ quốc phòng và quân sự trên các lĩnh vực như an ninh biển, tuần tra trên biển, an ninh mạng, giao lưu, đối thoại quân sự, cử tàu chiến đi thăm, hợp tác trên các diễn đàn khu vực như ASEAN.
Từ trước đến nay, Ấn Độ luôn là khách hàng mua sắm vũ khí lớn, nhưng hiện đang thay đổi chính sách. Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam gần đây quyết định mở rộng cơ hội hợp tác trong ngành quốc phòng hai nước. Ấn Độ cung cấp khoản tín dụng 600 triệu USD cho Việt Nam để Việt Nam mua sắm thiết bị quốc phòng và các công nghệ liên quan do Ấn Độ sản xuất.
Trong số tiền này, Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng 100 triệu USD mua tàu tuần tra, số 500 triệu USD còn lại được cho là có thể dùng để mua sắm máy bay trực thăng hạng nhẹ tiên tiến Dhruv, tên lửa đất đối không Akash và tên lửa hành trình chống hạm BrahMos. Ngoài ra, Việt Nam có thể cũng quan tâm đến tàu chiến hải quân của Ấn Độ.
Theo bình luận của Sina, sau khi lên cầm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã điều chỉnh chính sách từ “hướng Đông” thành “Đông tiến” (hay Hành động hướng Đông), tích cực tăng cường quan hệ với Đông Nam Á nhằm ngăn chặn vai trò ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc, làm giảm sức ép chiến lược cho mình.
Cách đây không lâu, Ấn Độ mời nhà lãnh đạo của 10 nước ASEAN làm khách quý tham dự lễ duyệt binh Ngày Cộng hòa Ấn Độ để đẩy nhanh nâng cấp quan hệ với các nước ASEAN.
Tuy nhiên, Sina cho rằng quan hệ Ấn Độ - ASEAN còn “kém” quan hệ Trung Quốc - ASEAN, chẳng hạn kim ngạch thương mại Ấn Độ - ASEAN những năm gần đây là 70 - 80 tỷ USD, đầu tư trực tiếp của Ấn Độ vào ASEAN năm 2016 là 10 tỷ USD; trong khi đó, cùng năm, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc - ASEAN trên 450 tỷ USD, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào ASEAN trên 100 tỷ USD.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng khó có thể phát triển toàn diện quan hệ an ninh với các nước ASEAN trong đó có an ninh biển. Một số nước ASEAN chưa coi trọng vai trò của Ấn Độ trong khu vực.
Đáng chú ý, Sina đã tiến hành bôi nhọ quan hệ Việt - Ấn, Việt - Mỹ, cho rằng Việt Nam đang đẩy mạnh quan hệ với các nước lớn ngoài khu vực là để có “chỗ dựa” trong vấn đề Biển Đông.
Sina cho rằng Ấn Độ luôn tìm cách tiến vào Biển Đông, còn Việt Nam tìm kiếm “đồng minh” với các nước ngoài khu vực để giành được lợi ích lớn hơn cho mình. Ngoài Ấn Độ, những năm gần đây, Việt Nam cũng không ngừng làm sâu sắc quan hệ với Nhật Bản, Mỹ. Tuy nhiên, quan điểm của Sina hoàn toàn không phù hợp với chính sách quốc phòng “tự vệ và không liên kết” của Việt Nam.
Thậm chí, Sina còn lấy lịch sử chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam trước đây để khơi gợi quá khứ. Ngoài ra, theo Sina, cách đây không lâu, biên đội tàu sân bay của quân đội Mỹ đã tiến hành chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam sau chiến tranh, đã truyền đi tín hiệu rõ ràng về việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ.
Để tận dụng ưu thế địa lý của Việt Nam, Mỹ đã từ bỏ định kiến về ý thức hệ, mở cửa lớn giao lưu kỹ thuật quân sự với Việt Nam, cho phép Việt Nam nhập khẩu vũ khí trang bị tiên tiến của Mỹ. Trong một khoảng thời gian, Việt Nam trở thành khách hàng lớn của thị trường vũ khí quốc tế.
Trong tình hình này, báo Trung Quốc cho rằng Ấn Độ đương nhiên không muốn mất đi thị trường Việt Nam, mong muốn dựa vào giao lưu quân sự ngày càng mật thiết, tiếp tục mở rộng thị trường vũ khí Việt Nam.
Nhưng hai bên mặc dù có giao lưu quân sự mật thiết trên các phương diện như đào tạo cán bộ, diễn tập liên hợp, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là vũ khí Ấn Độ có thể thuận lợi tiến vào thị trường Việt Nam.
Hiện nay, chương trình mua sắm vũ khí của hai bên còn dừng lại ở những trang bị mang tính bảo đảm của cơ quan thực thi pháp luật, mục tiêu biến Việt Nam trở thành thị trường vũ khí chính của Ấn Độ còn tương đối xa xôi. Chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Ấn Độ rõ ràng là trở ngại lớn nhất. Trong khi đó, Việt Nam có thể mua sắm vũ khí tiên tiến hơn bằng nhiều kênh khác.
Đương nhiên, nhìn vào xu thế phát triển của giao lưu quân sự Việt - Ấn, Ấn Độ vẫn sẽ cung cấp một loạt vũ khí trang bị kiểu Nga được huấn luyện theo quân đội châu Âu để Việt Nam sử dụng đào tạo. Điều này có sức hấp dẫn nhất định đối với quân đội Việt Nam.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu