Tàu hộ vệ HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ lớp Gepard 3.9 của hải quân Việt Nam. Ảnh: Sohu. |
Trang tin Sina Trung Quốc ngày 4/2 cho hay ngày 24/1, tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 thứ tư của hải quân Việt Nam mua của Nga đã đưa trở về vịnh Cam Ranh. Việc biên chế tàu này sẽ tăng cường thực lực cho hải quân Việt Nam. Việt Nam có kế hoạch triển khai tàu này ở vùng biển phía đông, chuyên làm nhiệm vụ tuần tra Biển Đông.
Tàu hộ vệ lớp Gepard là phiên bản xuất khẩu của tàu hộ vệ Type 11661 phiên bản cải tiến, được thiết kế, chế tạo từ thời Liên Xô, tổng cộng phân làm 5 loại.
Chức năng chủ yếu vốn có của tàu Type 11661 là thay thế cho các tàu săn ngầm cũ như Type 1124, có khả năng săn ngầm, chống hạm, phòng không tổng hợp. Chiếc đầu tiên đã làm tàu chỉ huy của Hạm đội biển Caspian.
Tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 Việt Nam mua là phiên bản cải tiến, ngoài ngoại hình tàng hình, điểm sáng lớn nhất là tàu này trang bị tên lửa chống hạm Uran được Nga xuất khẩu lần đầu tiên, tầm bắn của tên lửa này là 130 km, tốc độ lớn nhất khoảng 0,8 Mach.
Điểm mạnh của loại tên lửa chống hạm này hoàn toàn không phải ở tốc độ, mà là hiệu quả tấn công của nó. Nếu bị bắn trúng một quả tên lửa này thì tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc cơ bản mất đi khả năng tác chiến. Tên lửa chống hạm Uran là một đòn sát thủ thực sự, tàu sân bay Liêu Ninh phải cực kỳ cẩn thận khi tiến hành tuần tra trên Biển Đông.
Tàu hộ vệ thường dùng cho nhiệm vụ tuần tra biển gần và hộ tống hạm đội biển xa. Tàu hộ vệ Gepard của Việt Nam có lượng giãn nước chỉ 2.100 tấn, thuộc tàu hộ vệ hạng nhẹ, nhưng đã trang bị 8 quả tên lửa chống hạm. 8 quả tên lửa Uran tầm bắn 130 km này mặc dù không bằng tên lửa Harpoon của Mỹ, nhưng hiệu quả tấn công rất ghê gớm. Một khi tiến hành tấn công tập trung thì nó chẳng khác nào "sát thủ tàu sân bay thực sự".
Tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 còn trang bị vài quả tên lửa phòng không tầm ngắn, có khả năng phòng không điểm. Loại tàu này đã trang bị thiết bị định vị thủy âm kéo săn ngầm, chở theo máy bay trực thăng săn ngầm, có khả năng săn ngầm không tồi. So với tàu hộ vệ cỡ lớn lớp 4.000 tấn, tàu hộ vệ lớp Gepard mặc dù có kích cỡ nhỏ, nhưng lại có "ngũ tạng" đầy đủ.
Đối với hải quân Việt Nam, Gepard là tàu chiến chủ lực thực sự. Tàu chiến mặt nước lớp trên 1.000 tấn của hải quân Việt Nam chỉ có 4 chiếc lớp Gepard và 5 chiếc lớp Petya. Tàu hộ vệ lớp Petya đã là sản phẩm của thập niên 1960, số còn lại đều là tàu chiến như tàu pháo có từ thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Tuy nhiên, nhiệm vụ hàng đầu của Hải quân Việt Nam vẫn là phòng thủ biển gần. Vì vậy, dưới sự yểm trợ của lực lượng đường không bờ biển và hệ thống chống hạm bờ biển, tàu hộ vệ chỉ cần phòng không “điểm” là đã đủ.
Là một quốc gia có đường bờ biển hẹp và dài, đối với Việt Nam, hải quân đương nhiên là trọng điểm cần phát triển. Trong khi đó, tàu lớp Gepard dự định chế tạo 6 chiếc, 2 chiếc sau Việt Nam yêu cầu chuyển giao công nghệ chế tạo thân tàu và tên lửa chống hạm.
Đương nhiên, do hạn chế về kinh tế và công nghệ của mình, loại vũ khí có khả năng răn đe nhất của hải quân Việt Nam là 6 tàu ngầm lớp Kilo. Việt Nam còn chưa thể chế tạo và mua sắm tàu chiến mặt nước cỡ lớn lớp 4.000 tấn.
Trên thực tế, đối với hải quân Việt Nam, chế tạo tàu chiến mặt nước cỡ lớn cũng không cần thiết. Dù sao, dựa vào tình hình đất nước của Việt Nam, tập trung cho phát triển kinh tế sẽ có lợi ích thực tế hơn, hòa bình và ổn định là xu thế chủ yếu của Đông Nam Á.