Báo Trung Quốc đe Ấn Độ "trả giá nặng nề" nếu đối đầu quân sự

VietTimes -- Hiện nay, đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới tiếp tục diễn ra gay gắt, hai bên đều không chịu rút quân. Trung Quốc tiếp tục gây sức ép với Ấn Độ thông qua tuyên bố và tuyên truyền.
Đại tá Ngô Khiêm, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: Sina
Đại tá Ngô Khiêm, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: Sina

Trung Quốc thể hiện thái độ cứng rắn

Trong cuộc họp báo ngày 24/7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn với Ấn Độ.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nhấn mạnh Doklam là “lãnh thổ Trung Quốc”, việc Trung Quốc tiến hành xây dựng đường sá ở đó là “chính đáng, hợp pháp”. Theo đó, hành động của quân đội Ấn Độ ở khu vực này đã “gây thiệt hại nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.

Trung Quốc cho biết họ sẽ “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích an ninh bằng mọi giá”. Lực lượng biên phòng của Trung Quốc “đã triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp tại chỗ, tiếp tục tăng cường triển khai và huấn luyện”.

Trung Quốc tiếp tục yêu cầu quân đội Ấn Độ phải tự rút khỏi khu vực Doklam, chứ không phải “hai bên cùng rút” như phía Ấn Độ yêu cầu. Trung Quốc coi việc này là tiền đề và cơ sở để giải quyết tình hình.

Trung Quốc nhắc nhở Ấn Độ không được “trông chờ may mắn, nuôi ảo tưởng”. Trung Quốc răn đe Ấn Độ rằng “lịch sử 90 năm xây dựng quân đội Trung Quốc chứng minh khả năng và biện pháp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc không ngừng được tăng cường, ý chí quyết tâm kiên định”.

Mặc dù Trung Quốc tỏ ra cứng rắn với Ấn Độ, nhưng Trung Quốc cũng không phải không muốn hòa bình. Trung Quốc cho rằng “hòa bình, an ninh của khu vực biên giới phù hợp với lợi ích căn bản của Trung Quốc và Ấn Độ”.

Binh sĩ Trung Quốc. Ảnh: Sina
Binh sĩ Trung Quốc. Ảnh: Sina

Trung Quốc có dám tấn công?

Long Hưng Xuân, chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ, Đại học Sư phạm Tây Nam, Trung Quốc cho rằng một trong những nguyên nhân Ấn Độ cho rằng Trung Quốc sẽ không khai chiến là Ấn Độ cho rằng Trung Quốc luôn khẳng định sẽ trỗi dậy hòa bình. Nếu Trung Quốc “đánh nhau” thì có thể sẽ gây thiệt hại cho hình tượng trỗi dậy hòa bình.

Tuy nhiên, Long Hưng Xuân cho rằng, Trung Quốc nói trỗi dậy hòa bình là Trung Quốc “không xâm lược” nước khác, không tranh đoạt tài nguyên bằng phương thức truyền thống của thực dân phương Tây và chủ nghĩa đế quốc trước đây.

Theo Long Hưng Xuân, “bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ hoàn toàn không xung đột với trỗi dậy hòa bình”. “Nếu kẻ thù xâm phạm mà không xua đuổi thì càng gây thiệt hại cho hình tượng quốc tế của Trung Quốc, đồng thời gây thiệt hại cho sự tôn nghiêm và tình cảm của nhân dân Trung Quốc. Đây là điều không thể cho phép. Vì vậy Trung Quốc sẽ không vì lo sợ thiệt hại hình tượng trỗi dậy hòa bình mà không dám khai chiến”.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 25/7 cũng tiến hành răn đe, cho hay quân đội Trung Quốc đang không ngừng điều động đến khu vực biên giới. Nếu Ấn Độ không chủ động rút quân, Trung Quốc không thể kéo dài việc không tiến hành các biện pháp đáp trả có hiệu quả. Quân đội Trung Quốc “có đầy đủ khả năng” triển khai các hành động mà quân đội Ấn Độ “không thể ngăn chặn”, chính quyền New Delhi “khó có thể chịu nổi về mặt chính trị”.

Bài báo không tin Ấn Độ có đủ quyết tâm đối đầu quân sự toàn diện với Trung Quốc. Còn nếu Ấn Độ quyết làm như vậy thì Trung Quốc sẽ làm cho Ấn Độ “trả giá nặng nề”.

Bài báo khoe rằng GDP của Trung Quốc cao gấp 5 lần Ấn Độ, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cao gấp 4 lần Ấn Độ. Đây cũng không phải là nguồn lực duy nhất của quân đội Trung Quốc. Vì vậy, bài viết khuyên Ấn Độ nên nhanh chóng rút quân.

Binh sĩ Ấn Độ. Ảnh: Sina
Binh sĩ Ấn Độ. Ảnh: Sina

So sánh sức mạnh

Ngoài ra, tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 25/7 tiếp tục tiến hành so sánh về tố chất binh sĩ và tiếp tế hậu cần giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo bài báo này, Ấn Độ có lực lượng vũ trang lớn thứ ba thế giới, tổng binh lực 1 triệu quân trở lên, trong đó có một bộ phận đáng kể dùng để đối phó Trung Quốc.

Ấn Độ có dân số lớn, nguồn cung cấp nhân lực dồi dào, vì vậy Ấn Độ thực hiện chế độ mộ lính, chứ không phải chế độ gọi nhập ngũ. Tuổi đời binh sĩ của đa số sư đoàn miền núi Ấn Độ là từ 20 - 40 tuổi.

Theo bài báo, nhìn vào binh sĩ tham gia huấn luyện chống khủng bố liên hợp Trung - Ấn, huấn luyện thể chất của binh sĩ Ấn Độ không tồi, yêu cầu mức chịu đựng về thể lực rất cao, không kém như một số người tưởng tượng. Tuy nhiên, lực lượng tham gia huấn luyện với Trung Quốc có thể là lực lượng tương đối tinh nhuệ của Ấn Độ, còn thể lực của lực lượng tuyến đầu (triển khai ở biên giới) chưa chắc đã tốt như vậy.

So sánh về trình độ huấn luyện, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng binh sĩ Trung Quốc được huấn luyện kỹ năng tốt hơn, nhất là khoa mục bắn.

Theo đánh giá của Tiền Phong, chuyên gia vấn đề Nam Á của Trung Quốc, trình độ huấn luyện của lực lượng miền núi Ấn Độ tương đối cao, sát thực tế chiến đấu. Nhưng tố chất binh sĩ tổng thể, trình độ huấn luyện, trình độ trang bị, khả năng tiếp viện, khả năng cơ động của quân đội Ấn Độ là không đồng đều, nội bộ còn xảy ra nhiều mâu thuẫn, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức chiến đấu của quân đội.

Tiền Phong cho rằng quân đội Trung Quốc có ưu thế hơn trên các phương diện nêu trên, điểm yếu duy nhất là môi trường địa lý đặc biệt ở cao nguyên Thanh Tạng làm cho Trung Quốc không thể triển khai lượng lớn lực lượng ở đó, nhưng dựa vào cơ sở hạ tầng hoàn thiện, có thể nhanh chóng điều động binh lực và trang bị lên cao nguyên. Ấn Độ không thể so sánh với Trung Quốc trong vấn đề này.

Bài báo cũng cho rằng, khả năng tiếp tế của quân đội Trung Quốc tốt hơn hẳn quân đội Ấn Độ. Việc cung ứng đạn dược của quân đội Trung Quốc rất tốt, còn phía Ấn Độ “rất khó khăn”.

Binh sĩ Ấn Độ. Ảnh: Sina
Binh sĩ Ấn Độ. Ảnh: Sina

Một báo cáo của tổ chức CAG Ấn Độ cho rằng một khi xảy ra chiến tranh, trong 152 loại đạn mà Ấn Độ sử dụng, có 40% sẽ dùng hết trong thời gian chưa đến 10 ngày. Ngoài ra có 55% đạn dược thấp hơn “mức rủi ro tối thiểu có thể chấp nhận”.

Theo báo chí Ấn Độ, lượng dự trữ đạn của pháo binh chỉ là 17%, điều này có nghĩa là 83% đạn pháo hiện có không thể sử dụng trong tác chiến. Theo lệnh của chính phủ, quân đội Ấn Độ cần sở hữu lượng đạn có thể tiến hành chiến tranh ác liệt trong 40 ngày. Nhưng, đến tháng 9/2016, trong 152 loại đạn chỉ có 31 loại có thể duy trì tác chiến 40 ngày.