Báo Mỹ: Ấn Độ muốn đàm phán ký hiệp định thương mại với Đài Loan; Trung Quốc phản ứng quyết liệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào lúc cuộc đối đầu ở biên giới Trung - Ấn tiếp tục leo thang, báo Mỹ đưa tin chính phủ Ấn Độ đang ngày càng ủng hộ việc chính thức đàm phán ký hiệp định thương mại Ấn Độ - Đài Loan, Trung Quốc lập tức phản đối quyết liệt.
Hình ảnh thể hiện quan hệ đang nồng ấm giữa Đài Loan và Ấn Độ giữa lúc quan hệ Trung - Ấn đang căng thẳng (Ảnh: Dwnews).
Hình ảnh thể hiện quan hệ đang nồng ấm giữa Đài Loan và Ấn Độ giữa lúc quan hệ Trung - Ấn đang căng thẳng (Ảnh: Dwnews).

Theo hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 20/10, một quan chức cấp cao chính phủ Ấn Độ không muốn nêu tên cho biết, trong nhiều năm qua Đài Loan luôn muốn tiến hành đàm phán thương mại với Ấn Độ, nhưng chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi luôn lo ngại nếu đạt được bất kỳ thỏa thuận nào với Đài Loan, khi đăng ký tại Tổ chức Thương mại Thế giới, chắc chắn sẽ gây ra rắc rối với Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, quan chức này cho biết, trong vài tháng qua, phái cứng rắn trong chính phủ Ấn Độ muốn đàm phán thương mại với Đài Loan đã bắt đầu chiếm thế thượng phong. Ông này nói, một hiệp định thương mại với Đài Loan sẽ giúp Ấn Độ tìm kiếm tăng cường đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và điện tử, nhưng chưa rõ khi nào sẽ có quyết định cuối cùng hoặc liệu cuộc đàm phán có bắt đầu hay không.

Ông Ngô Chiêu Nhiếp, người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Đài Loan, trả lời phỏng vấn trên India Today hôm 16/10 (Ảnh: Dwnews).

Ông Ngô Chiêu Nhiếp, người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Đài Loan, trả lời phỏng vấn trên India Today hôm 16/10 (Ảnh: Dwnews).

Để thu hút được hơn 10,5 nghìn tỉ rupee (1 rupee, khoảng 0,01363 USD) đầu tư vào Ấn Độ để sản xuất điện thoại thông minh trong 5 năm tới, chính phủ của Thủ tướng Modi vào đầu tháng 10 này đã phê duyệt việc thành lập các công ty sản xuất của Đài Loan như Hon Hai, Wistron và Pegatron ở Ấn Độ.

Viện Lập pháp Đài Loan (nghị viện) hôm 16/10 đã tổ chức diễn đàn của “Hiệp hội hữu nghị nghị sĩ Đài Loan-Ấn Độ” với sự tham dự của nhiều nghị sĩ Đài Loan và Hội trưởng Hiệp hội Đài Bắc - Ấn Độ . Các tờ báo lớn của Ấn Độ như Indian ExpressThe Statesman trước đó đã đăng toàn trang quảng cáo về “Ngày Quốc khánh Đài Loan 10/10”. Quảng cáo này báo trước rằng kênh tin tức quốc tế của đài truyền hình Zee News sẽ phát sóng phóng sự đặc biệt về Đài Loan dài 25 phút lúc 19h ngày 07/10/2020.

Có thông tin cho rằng Ấn Độ cũng sẽ cử ông Gourangalal Das, một nhà ngoại giao cấp cao đã có thâm niên 20 năm phục vụ và hiện là Giám đốc của Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao Ấn Độ làm “Đại diện Ấn Độ tại Đài Bắc” để tăng cường mối quan hệ với Đài Loan. Vì Đài Loan và Ấn Độ không có quan hệ ngoại giao chính thức nên Hiệp hội Đài Bắc - Ấn Độ được sử dụng làm kênh liên lạc giữa Đài Loan và Ấn Độ.

Diễn đàn hữu nghị nghị sỹ Ấn Độ - Đài Loan tại Đài Bắc hôm 16/10 (Ảnh: Dwnews).

Diễn đàn hữu nghị nghị sỹ Ấn Độ - Đài Loan tại Đài Bắc hôm 16/10 (Ảnh: Dwnews).

Ngoài ra, đài truyền hình Ấn Độ India Today ngày 15/10 đã phát sóng cuộc phỏng vấn độc quyền của đài này với Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp. Ông Ngô Chiêu Nhiếp đã nói về mối quan hệ Ấn Độ - Đài Loan trong đoạn video dài gần 20 phút, nói Ấn Độ và Đài Loan có nhiều điểm chung trong quan niệm, mong rằng tới đây hai bên sẽ cùng nhau tạo ra chuỗi cung ứng. Ông cũng nói Đài Loan sẽ “chia sẻ thông tin tình báo” với Ấn Độ.

Đáp lại động thái này, ngày 16/10, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc đã đăng trên trang Twitter cảnh cáo Ấn Độ: Trung Quốc có thể hỗ trợ lực lượng ly khai ở đông bắc Ấn Độ và ủng hộ người bang Sikkim ly khai “phục quốc” nếu các lực lượng dân sự Ấn Độ can thiệp vào vấn đề Đài Loan.

Hồ Tích Tiến viết trong một tweet: “Khi các lực lượng xã hội Ấn Độ chơi quân bài vấn đề Đài Loan, họ phải biết rằng chúng ta có thể hỗ trợ lực lượng ly khai ở đông bắc Ấn Độ và ủng hộ người Sikkim phục quốc. Đây có thể là những quân bài tiềm năng của chúng ta để trả thù. Những người theo chủ nghĩa dân tộc của Ấn Độ nên biết tự trọng. Đất nước của họ rất yếu ớt”.

Cùng ngày 16/10, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ấn Độ đã nhắc nhở các phương tiện truyền thông có liên quan của Ấn Độ “hãy có quan điểm đúng đắn về các vấn đề liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích cốt lõi khác của Trung Quốc, tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, không tạo nền tảng cho thế lực “Đài Loan độc lập” lên tiếng và tránh gửi đi các tín hiệu sai”.

Nhiều báo lớn Ấn Độ đăng toàn trang quảng cáo chúc mừng "ngày quốc khánh Đài Loan" (Ảnh: Dwnews).

Nhiều báo lớn Ấn Độ đăng toàn trang quảng cáo chúc mừng "ngày quốc khánh Đài Loan" (Ảnh: Dwnews).

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 20/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên tiếng về vụ việc. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào chiều ngày 20/10, Triệu Lập Kiên tuyên bố: “Trên thế giới chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể chia cắt của Trung Quốc. Nguyên tắc một Trung Quốc là sự đồng thuận chung của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Ấn Độ và là cơ sở chính trị cho sự phát triển quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia. Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi quốc gia có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc tiến hành mọi hình thức trao đổi chính thức hay ký kết bất kỳ thỏa thuận nào mang tính chất chính thức với Đài Loan. Phía Ấn Độ cần tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc và xử lý vấn đề Đài Loan một cách thận trọng và đúng đắn”.

Hiện chính phủ Ấn Độ chưa chính thức lên tiếng về vấn đề này. Tuy nhiên, từ sau khi tình hình biên giới Ấn Độ - Trung Quốc căng thẳng với việc xảy ra các vụ lính Trung Quốc vượt qua Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) ở đoạn biên giới phía Tây, gây ra các vụ đụng độ, làm nhiều binh sỹ Ấn Độ thương vong, trong xã hội Ấn Độ đã xuất hiện trào lưu chống Trung Quốc mạnh mẽ, chính phủ Ấn Độ cũng áp dụng một loạt biện pháp như cấm các ứng dụng di động Trung Quốc và thắt chặt kiểm soát các dự án đầu tư của Trung Quốc vào Ấn Độ.