Tờ EurAsian Times của Ấn Độ ngày 17/10 đưa tin, địa điểm phóng thử tên lửa “Prithvi-II” của DRDO ở bãi thử tổng hợp ở Chandipur, Ấn Độ. Các quan chức DRDO cho biết trong quá trình thử nghiệm, radar, hệ thống theo dõi quang điện và trạm quan trắc từ xa của cơ quan được thiết lập trên bờ biển Odisha đã theo dõi quỹ đạo bay của tên lửa “Prithvi-II”.
Theo mô tả của DRDO, tên lửa “Prithvi-II”có tầm bắn hơn 250 km đã trở thành một phần của Bộ Chỉ huy Chiến lược Ấn Độ và cuộc thử nghiệm lần này đã đạt thành công mỹ mãn.
Bản tin cũng cho biết một tên lửa “Prithvi-II” khác cũng đã được thử nghiệm tại bãi thử nghiệm tổng hợp Chandipur vào ngày 23/9.wxwenku.com
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Prithvi của Ấn Độ (Ảnh: wxwenku.com) |
Tờ EurAsian Times đăng tít nói vụ phóng tên lửa này của Ấn Độ là nhằm vào Trung Quốc, nhưng tờ báo này không nói rõ tại sao tên lửa “Prithvi-II” với tầm bắn chỉ 250 km lại “nhằm vào Trung Quốc” chứ không phải nhằm vào Pakistan – quốc gia lâu nay bị coi là thù địch với Ấn Độ.
Ngoài ra, báo này cũng đề cập rằng sau khi tên lửa chống bức xạ “Rudram-1” được sản xuất trong nước của Ấn Độ đã thử nghiệm thành công vào ngày 9/10, thành công của tên lửa “Prithvi-II” lại là một thắng lợi mới của Ấn Độ.
“Rudram” là tên lửa chống bức xạ nội địa đầu tiên dành cho Không quân Ấn Độ (IAF), do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) phát triển. Tên lửa được gắn trên máy bay chiến đấu SU-30 MKI và có khả năng thay đổi tầm bắn tùy theo điều kiện phóng. Tên lửa có thể đạt tầm bắn 200 km, tốc độ tối đa Mach 2 và có thể bắn từ độ cao 500 mét đến 15 km.
Gần đây Ấn Độ liên tiếp phóng thử nhiều loại tên lửa khác nhau (Ảnh: AFP) |
Trong thời gian phóng thử tên lửa “Rudram-1” và “Prithvi-II”, DRDO cũng đã thử nghiệm một loại tên lửa khác được giới truyền thông Ấn Độ cho là “dùng để tấn công lãnh thổ Trung Quốc”, đó là tên lửa hành trình “Nirbhay”.
Gần đây, Ấn Độ liên tiếp phóng thử các loại tên lửa. DRDO đã gia tăng tần suất thử nghiệm một số hệ thống tên lửa trong thời gian qua, trong đó bao gồm tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân “Prithvi-II” (ngày 23/9 và 17/10), tên lửa siêu vượt âm có khả năng mang đầu đạn hạt nhân “Shaurya” (ngày 3/10), hệ thống phóng ngư lôi chống ngầm “SMART” (ngày 5/10), tên lửa hành trình siêu thanh “Brahmos” (ngày 30/9 và 18/10), tên lửa hành trình “Nirbhay”…Đáng chú ý, ngày 18/10 Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh “BrahMos” phiên bản hải quân phóng từ tàu khu trục có công nghệ tàng hình INS Chennai do nước này tự nghiên cứu, phát triển.
Tại cuộc thử nghiệm này, tên lửa “BrahMos” đã bắn trúng mục tiêu có quỹ đạo di chuyển phức tạp trên vùng biển Arab. Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, tên lửa đã tấn công mục tiêu với độ chính xác cao sau khi thực hiện những màn bay lượn hết sức phức tạp.
Tên lửa BrahMos (trái), niềm tự hào của công nghiệp quân sự Ấn Độ (Ảnh: Dwnews). |
Tuyên bố nhấn mạnh, là một vũ khí tấn công chủ đạo, “BrahMos” sẽ đảm bảo tính “bất khả chiến bại” của chiến hạm này bằng việc tấn công các mục tiêu mặt nước của hải quân ở khoảng cách xa. Hôm 30/9, Ấn Độ cũng bắn thử thành công tên lửa “BrahMos” tại một cơ sở thử nghiệm ở ngoài khơi bang Odisha.
Mặc dù các phiên bản của tên lửa “BrahMos” đã có trong kho vũ khí của Ấn Độ từ lâu, song tên lửa vẫn liên tục được nâng cấp và cập nhật với các hệ thống phần cứng và phần mềm mới. Nhiều phiên bản khác nhau của “BrahMos”, bao gồm các phiên bản có thể bắn từ đất liền, tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu SU-30 MKI đã được phát triển và thử nghiệm thành công.
Phiên bản siêu thanh hiện tại có thể đạt tốc độ gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh (Mach 2,8) và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 450 km. Một phiên bản siêu thanh khác của tên lửa này có khả năng đạt tới tốc độ Mach 5,26 đang được nghiên cứu phát triển.
Lính PLA đóng quân, vẽ hình bản đồ Trung Quốc ở khu vực ven hồ Pangong mà Ấn Độ nói là thuộc đất Ấn Độ (Ảnh: weibo). |
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã chúc mừng Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO), liên doanh Nga-Ấn Độ BrahMos Aerospace và Hải quân Ấn Độ vì vụ phóng thành công nêu trên.
Tên lửa hành trình siêu thanh “BrahMos” được xem là vũ khí tấn công nổi trội của Ấn Độ. “BrahMos” là tên viết tắt của hai con sông Brahmaputra của Ấn Độ và Moskva của Nga. Sản phẩm này là thành quả nổi bật trong hợp tác quốc phòng Nga-Ấn Độ. Loại tên lửa này có vận tốc 2,5 đến 2,8 Mach, nhanh hơn 3,5 lần so với tên lửa hành trình “Harpoon” của Hoa Kỳ bay dưới tốc độ âm thanh. Mẫu siêu thanh mới cũng đang được nghiên cứu và phát triển có thể đạt vận tốc Mach 5,26. Hiện “BrahMos” có đầy đủ các phiên bản phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay và các bệ phóng di động trên mặt đất.
Về vấn đề xung đột biên giới Trung-Ấn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khi tham dự cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tại Moscow ngày 4/9 đã cho rằng “nguyên nhân và sự thật của tình hình căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn hiện nay là rất rõ ràng và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Ấn Độ”. Ông tuyên bố: “Lãnh thổ của Trung Quốc không thể bị mất và quân đội Trung Quốc hoàn toàn quyết tâm, có đủ năng lực và tự tin để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.
Tình hình đối đầu căng thẳng giữa quân đội hai bên ở phía nam hồ Pangong (Ảnh: The Times of India). |
Trong khi đó, Ấn Độ cho rằng nguyên nhân tình hình căng thẳng trên đoạn biên giới phía Tây giữa Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay là do quân đội Trung Quốc vượt qua Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) và tiến vào phần lãnh thổ Ấn Độ nhằm thay đổi hiện trạng, gây nên các vụ đụng độ từ cuối tháng 5 đến nay. Ông Rajnath Singh tuyên bố căng thẳng hiện tại trên tuyến biên giới Trung-Ấn là nghiêm trọng và đó là hệ quả của việc Bắc Kinh vi phạm các thỏa thuận biên giới đã ký kết, khi tăng cường binh lực dọc đường Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) chạy qua khu vực Ladakh.
Hai bên đã tiến hành nhiều vòng đàm phán cấp quân đoàn tại thực địa, gặp gỡ giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Hai bên vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau và quân đội hai bên vẫn đang trong tình trạng đối đầu căng thẳng.