Bão mặt trời có thể xoá sổ mọi thiết bị công nghệ trên Trái Đất trong vòng 100 năm tới

Mặt trời nhiều khả năng sẽ là mối đe doạ lớn nhất của loài người trong vòng 100 năm tới. Nếu một "vệt loá mặt trời" (solar flare, còn gọi là bão mặt trời) giống như cách đây 150 năm quét xuống Trái Đất, nó sẽ đánh sập toàn bộ mạng lưới điện, vệ tinh liên lạc và mạng Internet của con người.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo NewScientist, vệt loá mặt trời khủng khiếp như trên nhiều khả năng sẽ xảy ra trong thế kỷ tới. Avi Loeb và Manasvi Lingam - hai nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard - đã nghiên cứu dữ liệu về các ngôi sao tương tự mặt trời để xem tần suất của các siêu loá mặt trời và tác động của chúng.

Họ đã rút ra kết luận rằng, những siêu loá bão mặt trời khủng khiếp nhất xảy ra trên các ngôi sao này khoảng 20 triệu năm một lần, và sóng năng lượng mà các siêu loá này phát ra có chứa bức xạ cực tím cùng các phân tử năng lượng cao, có thể phá huỷ tầng ozone của Trái Đất, gây ra đột biến DNA ở con người và phá vỡ các hệ sinh thái.

Tuy nhiên, một loại siêu loá mặt trời với cường độ thấp hơn, diễn ra ngay trên mặt trời của chúng ta, với chu kỳ ngắn hơn, cũng có thể gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Năm 1859, một cơn bão mặt trời cực mạnh đã tạo nên một vệt loá mặt trời về phía Trái Đất (đây là sự kiện loá mặt trời đầu tiên được ghi lại trong lịch sử), khiến toàn bộ các thiết bị điện báo ở phương Tây ngừng hoạt động và làm nhiều người điều khiển bị giật điện vì một lượng lớn điện tích chạy qua các sợi dây.

Xoá sổ các thiết bị công nghệ

Vào thời đó, công nghệ chưa phát triển nên những thiệt hại của loá mặt trời gây ra cũng không đáng kể. Nhưng trong thời đại ngày nay, một vệt loá mặt trời có thể gây nên thiệt hại hàng triệu triệu đô-la. Nó có thể đánh sập mọi mạng lưới điện, máy tính, hệ thống làm mát trong các lò phản ứng hạt nhân, gây nên hậu quả vô cùng nặng nề.

Theo Loeb, thiệt hại do loá mặt trời gây nên vào năm 1859 có thể đã đạt đến mức 10 triệu triệu đô-la, gây thiệt hại nhiều vệ tinh và hệ thống thông tin liên lạc. Nếu loá mặt trời mạnh hơn một chút thì có lẽ tầng ozone của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một nghiên cứu trước đó đã cho thấy rằng sự kiện loá mặt trời tương tự như trên nhiều khả năng sẽ xảy ra vào thế kỉ tới, và có 12% khả năng nó sẽ xảy ra trong thập kỷ tới!

Điều lạ lùng là chẳng mấy ai lo lắng về vấn đề này, bởi hiện tại khi nhắc đến hiểm hoạ từ vũ trụ, người ta đều nghĩ ngay đến va chạm thiên thạch. Loeb và Lingam cho biết, loá mặt trời cũng nguy hiểm không kém. Hai nhà nghiên cứu đã đưa ra một giải pháp tiềm năng để có thể bảo vệ Trái Đất khỏi các vệt loá mặt trời: thiết lập một vòng dây dẫn giữa Trái Đất với mặt trời, đóng vai trò như một lá chắn từ trường và đánh bật các phân tử loá mặt trời.

Tuy nhiên, để có thể thiết lập được lá chắn này, loài người sẽ phải tốn hơn 100 tỷ USD, và việc sử dụng tài nguyên để tạo nên một vòng dây trong không gian không phải là giải pháp hiệu quả nhất. Vấn đề ở đây, theo các nhà nghiên cứu, là phải làm sao để hiểu được phương thức hoạt động của loá mặt trời, và vai trò của mặt trời trong thảm hoạ này để tìm ra cách giải quyết khả thi nhất.

Theo VNReview

http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/2301710/bao-mat-troi-co-the-xoa-so-moi-thiet-bi-cong-nghe-tren-trai-dat-trong-vong-100-nam-toi