Báo động: Nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam tăng nhanh ở Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bình Dương không chỉ có các khu công nghiệp (KCN) nổi tiếng, mà còn là “điểm nóng” về HIV/AIDS ở phía Nam. Đặc biệt, có tới 80% số người nhiễm HIV ở Bình Dương là công nhân. Số nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam ở đây đang tăng nhanh, đặc biệt, có nhiều bệnh nhân là trẻ vị thành niên…
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân HIV ở Trung tâm y tế Thuận An
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân HIV ở Trung tâm y tế Thuận An

80% người nhiễm HIV là công nhân

Tôi thật sự ngạc nhiên khi biết có tới 80% người nhiễm HIV ở Bình Dương là công nhân. Mà, Bình Dương có tới 28 KCN, đủ thấy nguy cơ bùng nổ căn bệnh thế kỷ ở nơi này. Nhưng ngạc nhiên hơn là trước thực trạng ấy, việc truyền thông để phòng, chống HIV/AIDS trong các KCN lại vấp phải “bức tường” rất lớn từ chính các doanh nghiệp. Họ chấp nhận bị xử phạt chứ không phối hợp truyền thông. Chẳng những thế, nhiều công nhân mắc HIV còn bị chủ sa thải thẳng thừng, thậm chí sẵn sàng đền bù nếu bị khiếu kiện. Trước sự kỳ thị đó, nhiều bệnh nhân mắc HIV tìm mọi cách giấu kín thân phận, kể cả không điều trị, dù biết điều này sẽ khiến cho cuộc đời họ ngắn lại rất nhiều.

Dân số Bình Dương chỉ hơn 2 triệu, nhưng tích lũy đã có 7.509 người dương tính với HIV. Hiện, địa phương đang quản lý  3.939 bệnh nhân HIV còn sống. Chỉ riêng 8 tháng đầu năm 2020, đã có thêm gần 600 người nhiễm HIV.

“Lây truyền qua đường tình dục ngày càng chiếm thế “thượng phong”: Năm 2009, tỷ lệ lây truyền qua đường tình dục là 31,4% còn nay là 88,6%. Tỉ lệ lây HIV do gái mại dâm giảm, trong khi tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM)”. Đặc biệt, nhiễm HIV ở Bình Dương đang “trẻ hóa”, khi nhiều em mới 14-15 tuổi đã mắc” - BSCK1. Vương Thế Linh (Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương) cho biết.

Tư vấn và phát thuốc ARV cho bệnh nhân HIV
Tư vấn và phát thuốc ARV cho bệnh nhân HIV

Theo BSCK1. Vương Thế Linh, mỗi năm Bình Dương có khoảng 30 nghìn ca đẻ, nhưng rất ít người đến bệnh viện công, chủ yếu đến bệnh viện tư. Mà các cơ sở y tế tư nhân thường không sàng lọc HIV, nên việc phòng mẹ lây truyền HIV sang con rất khó khăn. Trước đây, tỉ lệ lây truyền từ mẹ sang con chiếm tới 15%. Hầu hết các bà mẹ phát hiện muộn, đi khám thai lúc sắp sinh, hoặc lúc sinh con mới biết.

Vì thế, Trung tâm đã chủ động phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ tổ chức xét nghiệm cho các thai phụ, nếu phát hiện dương tính với HIV là cho uống thuốc dự phòng lây truyền mẹ sang con ngay. Nhờ đó, tỉ lệ lây mẹ sang con giảm còn 2%, song vẫn là những thách thức trong việc phòng, chống HIV/AIDS ở đây. 

Số nhiễm HIV trong nhóm MSM tăng cao

Một đặc điểm nổi bật nữa ở Bình Dương là số người mắc HIV trong nhóm MSM tăng rất nhanh. 6 năm trước, con số này chỉ là 2,4% thì nay chiếm tới 52%, mà đáng lo khi có nhiều bệnh nhân là trẻ vị thành niên.

Bác sĩ Lê Thị Hồng Nhung - Trung tâm Y tế Thuận An, tỉnh Bình Dương - cho biết trong các bệnh nhân HIV mà chị điều trị có nhiều người là MSM và có 5 người dưới 18 tuổi. Khó khăn trong điều trị HIV cho nhóm MSM là nhiều người thay đổi bạn tình liên tục, thậm chí chỉ là tình một đêm, nên việc tư vấn về xét nghiệm, dịch vụ PrEP (thuốc dùng dự phòng cho người nguy cơ cao) cũng phải liên tục. Với trẻ vị thành niên nhiễm HIV, nhân viên y tế càng gặp nhiều vấn đề khi phải tư vấn cho cả phụ huynh, linh động thời gian phát thuốc, tránh cho trẻ phải nghỉ học.

Bác sĩ Nhung kể, một nam sinh 16 tuổi là MSM nhiễm HIV đã được tư vấn và điều trị ARV. Nam sinh giấu gia đình, nhưng ba mẹ cậu phát hiện qua sổ khám bệnh. Họ suy sụp khi nghĩ rằng đây là dấu chấm hết với đứa con duy nhất của họ. Vì thế, nam sinh đã nhờ bác sĩ tư vấn cho ba mẹ cậu.

Với thực tế cậu bé đã tuân thủ điều trị ARV nên tải lượng virus thấp, sức khỏe hoàn toàn bình thường, bác sĩ Nhung truyền thông thêm cho ba mẹ cậu hiểu về K=K, (là phát hiện mới về điều trị HIV: Không phát hiện lượng virus trong máu, thì không còn nguy cơ lây truyền qua đường tình dục) nên họ đã dần yên tâm. Nhất là khi biết rằng với việc uống thuốc đầy đủ, thì khi trưởng thành, cậu bé có thể lấy vợ, sinh con mà không lây truyền sang vợ con, cơn khủng hoảng của gia đình cậu dần trôi qua.

Bệnh nhân HIV trở thành nhân viên hỗ trợ điều trị rất tích cực
Bệnh nhân HIV trở thành nhân viên hỗ trợ điều trị rất tích cực

Có trường hợp bệnh nhân nữ 16 tuổi, bị HIV do lây từ mẹ, nhưng gia đình không nói cho cháu biết sự thật nên cháu không tuân thủ điều trị tốt. Vì thế, bác sĩ tư vấn cho gia đình tiết lộ cho con, để cháu hiểu được sự cần thiết phải điều trị. Nếu không, thường những người không biết về bệnh của mình, thì nguy cơ lây truyền sẽ cao.

Một nam hướng dẫn viên du lịch gần 30 tuổi, cũng là người trong nhóm MSM, bị nhiễm HIV. Sợ lộ thông tin cá nhân, bệnh nhân đã tìm đến phòng khám tư không chuyên về HIV để khám. Do bác sĩ tư vấn không đúng, nên bệnh nhân tuyệt vọng, không điều trị và còn định nhảy cầu tự tử. Sau đó, do vẫn mong muốn lấy vợ, sinh con nên anh ta lại tìm đến Trung tâm Y tế Thuận An để xin tư vấn. Được bác sĩ Nhung cho biết nếu tuân thủ điều trị ARV tốt, xét nghiệm virus sẽ không còn, thì ít nguy cơ lây cho người khác, có thể lấy vợ sinh con mà không bị lây nhiễm, nam bệnh nhân đã yên tâm điều trị và còn tuân thủ rất tốt.

Cùng với tư vấn, điều trị cho các bệnh nhân MSM, các bác sĩ còn phải tư vấn cho bạn tình của họ sử dụng PrEP, vì họ là đối tượng nguy cơ cao. Trong năm đầu, bệnh nhân uống thuốc điều trị, còn bạn tình của họ uống thuốc dự phòng, khi xét nghiệm tải lượng virus xuống thấp, nguy cơ lây truyền gần như bằng không, thì bạn tình không cần uống thuốc dự phòng nữa.

Tuy nhiên, bác sĩ Hồng Nhung cho biết, do dù xét nghiệm cho thấy K=K, nhưng bạn tình của người bị nhiễm HIV vẫn cảm thấy chưa yên tâm thì Trung tâm sẽ tiếp tục cấp thuốc cho họ sử dụng. Chương trình PrEP được Bình Dương thực hiện từ tháng 4/2019 tại 4 cơ sở với 118 khách hàng tham gia, chủ yếu là MSM.

Dịch HIV đi về đâu khi giới chủ không hợp tác?

Trước thực trạng này, việc truyền thông phòng ngừa “căn bệnh thế kỷ” cho công nhân vô cùng cấp thiết, nhất là thông điệp K=K để người nhiễm biết đến cơ hội điều trị, đảm bảo sức khỏe cho mình và tránh lây cho người khác.

Thế nhưng, để lọt vào các KCN làm công tác truyền thông, các nhân viên y tế của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Bình Dương gặp rất nhiều rào cản về thủ tục hành chính khó thể vượt qua. Có công ty thiện chí lắm mới cho nhân viên y tế đến truyền thông khoảng 15 phút, nhưng vào giờ ăn trưa của công nhân.

Giải pháp tình huống là các nhân viên y tế tìm đến nơi trọ của công nhân vào lúc họ vừa hết ngày làm việc, phát tờ rơi, hoặc phát loa để truyền thông. Thiếu sự hợp tác để truyền thông các biện pháp phòng ngừa HIV có lẽ là lý do để Bình Dương vẫn chưa thoát khỏi là “điểm nóng” về HIV.

Khám cho bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa Bình Dương
Khám cho bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa Bình Dương

Theo các bác sĩ, số công nhân mắc HIV phải xin nghỉ mỗi tháng/lần để lĩnh thuốc cũng rất khó khăn. Nhiều người không dám nói thật mình bị bệnh, cần phải đi khám và lấy thuốc, vì sợ bị kỳ thị, thậm chí, bị đuổi việc, nên một số đã ngừng đến cơ sở y tế để điều trị. Vì thế, nhiều công nhân trong các KCN không được tiếp cận thông tin về bệnh HIV để phòng ngừa, hoặc được điều trị nếu đã mắc.

Để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch HIV ở Bình Dương, ngành y tế địa phương đang làm hết sức mình: Đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm hại như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su cho nhóm nguy cơ cao, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), triển khai chiến dịch K=K; tăng cường truyền thông về nguy hại của virus HIV trong các công ty, xí nghiệp, khu nhà trọ để khuyến khích người nguy cơ cao kết nối điều trị dự phòng PrEP vv…

Tuy nhiên, thực tế ở Bình Dương, chúng tôi thấy rằng, chỉ đơn phương ngành y tế cố gắng là không đủ. Mà cần có sự quan tâm của chính quyền tỉnh, để bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, phải có các giải pháp cho vấn đề phòng, chống dịch HIV ở các KCN, để tránh hậu quả xã hội, khi điều này không chỉ là vấn đề sức khỏe, chất lượng sống của người dân, mà còn ảnh hưởng đến giống nòi. Chỉ có sự vào cuộc thực sự của chính quyền, Bình Dương mới hy vọng bước ra khỏi danh sách trọng điểm về HIV.