Báo động: Mỗi năm Việt Nam có thêm gần 400 người “tí hon” do thiếu hormone tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Khi bác sĩ đưa chúng tôi đến gặp bé HV, không ai nghĩ bé đã ở tuổi 12, vì trông bé chỉ như đứa trẻ 4-5 tuổi. Bởi cháu bị bệnh suy tuyến yên bẩm sinh, đặc biệt thiếu hormone tăng trưởng.

 TS. Vũ Chí Dũng cùng với 2 mẹ con cháu HV
TS. Vũ Chí Dũng cùng với 2 mẹ con cháu HV

Cô bé “tí hon”

Chị QTT, mẹ của bé kể, V. sinh năm 2009, nặng 2,8kg. Bé phát triển bình thường đến tháng thứ 5, nặng 5 kg. Tuy nhiên, cho đến khi 15 tháng tuổi, bé vẫn chỉ nặng 5kg, không tăng thêm được một lạng nào. Đưa con đi khám thì các chỉ số đều bình thường. Nghĩ con bị thiếu dinh dưỡng, chị lại đưa con lên Viện dinh dưỡng ở Hà Nội, nhưng sau 3 tháng bé cũng chỉ tăng được 2 lạng. 9 tuổi mà bé chỉ cao 79 cm và nặng 9 kg, trông như một em bé 1-2 tuổi. Vì thế, đi đâu mẹ cũng phải bế và HV không tự chăm sóc được bản thân, mà mẹ phải chăm sóc, phục vụ toàn bộ.

Gia đình muốn cháu được đến trường để hòa nhập xã hội, nhưng HV luôn bị mọi người trêu chọc, khiến cháu càng sống khép mình, thậm chí, tức giận, cáu kỉnh khi bị chê còi. Khi cậu em trai kém hai tuổi vào lớp 1, hai chị em lại học cùng lớp nhưng cháu vẫn không biết đọc và biết viết.

TS. Vũ Chí Dũng trò chuyện với bé HV
TS. Vũ Chí Dũng trò chuyện với bé HV

Năm 2019, khi bé lên 10, chuẩn bị vào tuổi dậy thì, chị T. quyết định đưa con đến khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương với kỳ vọng “xem có thuốc gì kích cho con mau lớn”. May mắn, gia đình đã gặp được chuyên gia nội tiết là TS. Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa của Bệnh viện Nhi Trung ương.

Là người có trình độ và giàu kinh nghiệm điều trị cho trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng, TS. Dũng nhanh chóng xác định được cháu bé bị suy tuyến yên bẩm sinh, thiếu hormone tăng trưởng nặng. Những trường hợp phát triển chậm thường điều trị khó khăn, nhưng TS. Vũ Chí Dũng vẫn rất quyết tâm.

Nụ cười của mẹ bé HV khi con đã được cải thiện về tăng trưởng sau 1 năm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Nụ cười của mẹ bé HV khi con đã được cải thiện về tăng trưởng sau 1 năm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

“Chỉ sau 12 tháng đầu tiên được điều trị, bé HV đã tăng 18 cm và trong 10 tháng tiếp theo, bé tăng được 11cm. Như vậy, trong 22 tháng điều trị, cháu tăng 28 cm và cân nặng 19,6 kg, tăng 10 kg so với trước khi cháu nhập viện. Dù cháu bé được chẩn đoán muộn nhưng đây là trường hợp đáp ứng tốt và rất điển hình của thiếu hụt hormone tăng trưởng do suy tuyến yên nặng” - BS Dũng nói.

Với thể chất phát triển nhanh chóng, bé V và cả gia đình đều rất mừng. Giờ đây đến lớp cháu tự tin hơn và đã biết đọc, biết viết. Ở lớp xảy ra chuyện gì đều về kể cho bố mẹ nghe. Hiện nay cháu đã có thể tự chăm sóc bản thân như đánh răng rửa mặt, tắm rửa, vệ sinh vv…Bé có thể ăn được hai lưng bát cơm mỗi bữa và đặc biệt không còn hay ốm như trước.

"Tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ, đặc biệt là BS. Vũ Chí Dũng. Cháu đã phát triển được như hôm nay là gia đình chúng tôi đã mãn nguyện lắm rồi. Cháu ước lớn lên làm công an bắt cướp nên rất cố gắng điều trị để thực hiện ước mơ ấy” – mẹ bé V. mỉm cười hạnh phúc kể với chúng tôi.

Bé HV 12 tuổi nhưng trông chỉ như trẻ 4-5 tuổi. HV là một trong 400 bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bé HV 12 tuổi nhưng trông chỉ như trẻ 4-5 tuổi. HV là một trong 400 bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thực trạng đáng lo

Đáng tiếc, những trường hợp như bé HV không phải là cá biệt. Theo TS. Dũng, mùa hè vừa rồi, có mấy chục anh chị “tí hon” đã họp nhau ở Hà Nội, đề nghị các chuyên gia hướng dẫn họ cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Nhưng số người đó cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” về người chậm tăng trưởng.

TS. Vũ Chí Dũng cho biết cứ 4.000 cháu bé sinh ra thì có 1 cháu bị chậm tăng trưởng. Mà mỗi năm, cả nước có khoảng 1,4 triệu em bé chào đời, tức là có thêm khoảng 350 cháu bị dị tật này. Đáng lo hơn khi có tới 10% trẻ mắc bệnh không được chẩn đoán. Hiện nay, tỉ lệ thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi đã giảm từ 43,3% năm 2000 xuống còn 23%, vẫn là con số khá cao. Mỗi ngày có 20 cháu đến Khoa Nội tiết - Chuyển hóa khám vì chậm tăng trưởng chiều cao. Hiện Khoa đang quản lý 400 bệnh nhi. Nhưng số lượng này chưa phản ánh hết số bệnh nhi thiếu hormone tăng trưởng, vì chắc chắn còn nhiều cháu đến khám ở các cơ sở khác hoặc chủ yếu đi khám dinh dưỡng.

Theo TS. Dũng, tình trạng chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ có nhiều nguyên nhân: Thiếu dinh dưỡng, thiếu hụt GH đơn thuần, hoặc kết hợp thiếu nhiều hormone yên (gồm cả sau xạ trị), suy giáp bẩm sinh, hội chứng Cushing, dậy thì sớm, suy cận giáp, tâm lý – xã hội, các hội chứng bẩm sinh, chậm phát triển trong tử cung, bệnh về xương, bất thường nhiễm sắc thể, bệnh dự trữ thể tiêu bào, các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khác vv…

Tuy nhiên căn bệnh này có thể điều trị được nếu để xác định đúng bệnh, điều trị kịp thời với phác đồ phù hợp. Trên thực tế, đã có rất nhiều cháu được điều trị thành công.

TS. Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa của Bệnh viện Nhi Trung ương
TS. Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa của Bệnh viện Nhi Trung ương

TS. Vũ Chí Dũng cho biết ngoài bé HV, ông đã tiếp nhận một bé trai 12 tuổi bị não úng thủy bẩm sinh, đặt van dẫn lưu lúc 7,5 tháng tuổi, chỉ cao 93 cm do thiếu hocmon tăng trưởng. Chỉ sau 1 năm điều trị GH, cháu đã cao thêm được 17,5 cm và sau 22 tháng, cháu đã tăng 25 cm, tức là cao 118 cm, “đuổi kịp”chiều cao của một trẻ bình thường. Một bé gái khác 19 tháng chỉ cao 59 cm, nhưng sau 5 năm 4 tháng điều trị, bé đã cao 111,5 cm, tức là cao hơn trẻ bình thường 6cm.

Những bệnh nhi thiếu hormone tăng trưởng nặng và bẩm sinh được điều trị bằng hocmon tuyến giáp, tuyến thượng thận thay thế từ sau sinh và hocmon tăng trưởng từ 15 tháng tuổi, cho tới khi các bé đạt chiều cao bình thường. Đến năm 18 tuổi, các bác sĩ sẽ đánh giá lại tình trạng thiếu hụt hormone hay không để quyết định có chuyển tiếp sang điều trị hormone tăng trưởng ở liều người lớn.

Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn thì các chuyên gia cũng phải bó tay. "Có nhiều ca ở Nghệ An, Hà Tĩnh đưa con đến khi cháu đã 17 tuổi mà chiều cao và cân nặng chỉ như một trẻ chín tuổi. Những trường hợp này can thiệp quá muộn, trẻ không dậy thì được, không thể có con" - BS Dũng thông tin.

Bé HV được nhân viên y tế theo dõi tăng trưởng đều đặn
Bé HV được nhân viên y tế theo dõi tăng trưởng đều đặn

Tuyệt đối không tự ý bổ sung hormone

Ngược lại, mặc dù con cái phát triển bình thường, nhưng nhiều gia đìnhvẫn mng con có ó chiều cao lý tưởng như bạn bè, vẫn tự cho con dùng các loại sản phẩm kích thích bài tiết hormone tăng trưởng, dù bác sĩ không kê đơn. “Tuy nhiên, số cháu bé chậm tăng trưởng chiều cao thật sự cần phải điều trị bệnh lý chỉ chiếm 10%. Nhất là, chiều cao của con cái một phần phụ thuộc chiều cao của bố mẹ. Ở các cháu chậm phát triển mức độ nhẹ và thiếu hormone tăng trưởng không rõ nguyên nhân, nhưng nếu mức độ bài tiết hormone tăng trưởng tự nhiên của cơ thể đạt mức độ bình thường sẽ không cần điều trị ở tuổi trưởng thành.” – TS. Dũng lưu ý.

TS. Dũng cũng cho biết, những cháu không thiếu hormone mà vẫn bổ sung sẽ không chỉ tốn kém, mà do phải sử dụng hormone liều cao sẽ gây tác hại đến các cơ quan khác của trẻ: kích thích phát triển xương gây bệnh về xương, cong vẹo cột sống, phì đại các đầu chi vv… Vì thế, tuyệt đối không dùng khi không có chỉ định của bác sĩ.