Băng tan ở Nam Cực giúp chim cánh cụt sinh sôi

VietTimes – Chim cánh cụt Adelie ở Nam Cực là loài hiếm hoi chiến thắng hiện tượng biến đổi khí hậu.
Ảnh: News Info Park
Ảnh: News Info Park

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến băng tan ở cả hai cực của Trái Đất. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy việc băng tan lại vô tình trở thành điều kiện thuận lợi giúp loài chim cánh cụt Adelie ở Nam Cực phát triển mạnh.

Theo quan sát từ các vệ tinh, Nam Cực đã chứng kiến sự gia tăng độ bao phủ của băng biển trong 30 năm qua và đạt mức kỷ lục trong năm 2014. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lượng băng biển có dấu hiệu sụt giảm mạnh. Đây thực sự là tin xấu đối với hành tinh của chúng ta. Thế nhưng, lại có một loài đang được hưởng lợi và phát triển rất tốt nhờ hiện tượng này.

Chim cánh cụt Adelie, loài chim cánh cụt phổ biến nhất ở Nam Cực, có xu hướng tăng dân số lên trong những năm băng biển thưa thớt. Trên thực tế, chúng đã phải chịu tổn thất lớn trong những năm băng biển phát triển mạnh, đặc biệt vào mùa sinh sản.

Nhưng cho đến nay, các nhà nghiên cứu không thực sự biết tại sao điều này xảy ra. Thông qua một nghiên cứu mới, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu vùng Cực của Nhật Bản (NIPR) đã tìm ra đáp án cho câu hỏi này.

Nhóm nghiên cứu đã gắn thẻ điện tử vào 175 chú chim cánh cụt cùng các thiết bị GPS, gia tốc kế và máy quay video trong bốn mùa với các điều kiện băng biển khác nhau. Các thiết bị này theo dõi chim cánh cụt trong các chuyến đi, phân loại hành vi đi bộ, bơi, nghỉ ngơi, và ước tính số lượng con mồi bị bắt trong quá trình lặn.

Ảnh: DW
 Băng tan giúp chim cánh cụt bơi nhiều hơn thay vì phải đi bộ. Ảnh: DW

Sau thời gian quan sát, họ phát hiện ra rằng chim cánh cụt thực sự hài lòng với điều kiện băng biển giảm. Việc nước biển ít bị đóng băng cho phép chúng có thể bơi thay vì đi bộ, do đó, khiến cho cuộc sống của loài này trở nên dễ dàng hơn.


Nhà nghiên cứu chính Yuuki Watanabe, Viện nghiên cứu vùng cực Nhật Bản cho biết, những chú chim cánh cụt này hạnh phúc hơn khi ít băng biển hơn. Điều này có vẻ nghịch lý, nhưng nguyên nhân thì khá đơn giản.

Chim cánh cụt di chuyển nhanh hơn 4 lần so với đi bộ. Vào thời điểm băng biển dày, chúng buộc phải đi bộ và đôi khi phải trượt băng cả một chặng đường dài để tìm những vết nứt trên băng để chui xuống nước biển săn mồi. Hành trình mệt mỏi này buộc chúng phải nghỉ ngơi khá lâu trên đường đi.

Ngược lại, khi có ít băng biển, chim cánh cụt có thể dễ dàng lặn xuống bất cứ nơi nào chúng muốn. Điều này không chỉ giúp chúng tiết kiệm thời gian và năng lượng mà còn mở rộng phạm vi tìm kiếm thức ăn, giảm sự cạnh tranh giữa các con chim cánh cụt trong khi săn mồi.

Một lợi ích gián tiếp khác đối với những kẻ săn mồi vùng Nam Cực là việc ít băng biển sẽ cho phép nhiều ánh sáng mặt trời chiếu vào nước hơn, dẫn đến sự nở rộ của các sinh vật phù du vốn là thức ăn của loài nhuyễn thể.

Tuy nhiên, tất cả những điều này chỉ xảy ra đối với những chú chim cánh cụt sống trên vùng lục địa chính của Nam Cực. Còn ngược lại, những chú chim cánh cụt sống ở rìa bán đảo Nam Cực nhô ra từ lục địa hoặc sống trên các hòn đảo nhỏ thì không như thế. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tích cực làm việc để tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này.

Theo News Info Park