PGS.TS Trần Cát Đông – nguyên Trưởng bộ môn Vi sinh-Ký sinh (Đại học Y Dược TP.HCM), Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN), tổ chức KHCN trực thuộc Đại học Y Dược TP.HCM - đã dành cho VietTimes một cuộc phỏng vấn về vấn đề “nóng”, đang gây tranh cãi khi vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga được công bố.
Không nên “đóng khung” đạo đức một cách cứng nhắc
Phóng viên: Thưa PGS.TS, thông tin viện sĩ Alexander Chuchalin rời chức vụ đứng đầu Hội đồng Đạo đức thuộc Bộ Y tế Liên Bang Nga khiến thế giới xôn xao. Ông Chuchalin giải thích việc từ chức của mình là do nhu cầu tham gia vào các dự án khác và phát triển giáo dục trong lĩnh vực đạo đức sinh học nhưng có những nguồn tin cho rằng ông Chuchalin rời khỏi chức vụ này vì các bất đồng quan điểm liên quan đến vaccine COVID-19 của Nga. Ý kiến cá nhân của ông về vấn đề này thế nào?
PGS.TS Trần Cát Đông: Thế giới hiện nay vẫn chia thành hai luồng quan điểm đối nghịch, một bên ủng hộ cách làm nhanh của Nga để ứng phó với tình huống cấp bách, một bên thì phản đối quyết liệt, cho rằng vaccine đã “đốt cháy giai đoạn”, không cấp phép đúng quy trình thì khó đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Lẽ ra, vaccine cần được thử nghiệm pha III trên hàng ngàn hoặc cả chục ngàn người tình nguyện tham gia. Sau bước thử nghiệm pha III này mới đến phê duyệt, công bố và đưa ra sử dụng đại trà.
+ Hiện tại đã có đơn đặt hàng cho hàng tỷ liều Sputnik V với hơn 20 quốc gia đăng ký mua vaccine này? Vậy theo ông, tại sao phía Nga lại sẵn sàng bán ra thị trường loại vaccine còn chưa được giới khoa học thừa nhận?
PGS.TS Trần Cát Đông, Giám đốc Trung tâm Khoa học Sài Gòn, tổ chức KHCN trực thuộc Đại học Y Dược TP.HCM
|
PGS.TS Trần Cát Đông: Theo tôi được biết, thông tin đáng lưu ý ở đây là hàng tỷ liều vaccine đăng ký mua đó thực sự mới chỉ là danh sách mong muốn đặt hàng, chứ chưa trở thành đơn hàng hay hợp đồng mua bán chính thức. Các vaccine khác cũng đã được các chính phủ đặt mua dù vẫn chưa hoàn thành pha II hay pha III, ví dụ Mỹ tuyên bố đặt mua đến 600 triệu liều vaccine của Công ty Moderna, hay châu Âu cũng đã ký kết mua 700 triệu liều từ nhóm Oxford/AstraZeneca. Giả sử từ giờ cho tới lúc hàng tỷ liều vaccine đó được thực sự sản xuất vào đầu năm 2021, thì lúc đó cũng đã có dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả được thử nghiệm trên hàng chục nghìn người.
Hơn nữa, phía Nga cho biết, năng lực sản xuất hiện tại của họ cũng chỉ đủ để phục vụ cho người dân Nga trước, rồi sau đó mới xuất khẩu ra thế giới.
+ Thưa ông, nhiều bác sĩ đã lên tiếng mạnh mẽ cho rằng ranh giới giữa việc sử dụng ngay vaccine Sputnik V cho người và việc thuyết phục hàng ngàn người dân tham gia thử nghiệm, hoàn thành các bước rồi mới công bố, đã là vi phạm về đạo đức ngành y rồi?
PGS.TS Trần Cát Đông: Theo tôi biết, ngành y của mỗi nước có một quy trình đảm bảo an toàn và đạo đức với các quy định khác nhau. Về quy trình, mỗi nước tự quyết định, WHO không can thiệp. Về đạo đức, tôi nghĩ chúng ta cũng không nên “đóng khung” bó buộc quá. Trong ngành y, đạo đức là bộ các quy tắc, quy định và quy trình, thủ tục mà các chuyên gia đầu ngành đã thống nhất và ban hành, ai làm không đúng thì bị xem là vi phạm đạo đức.
Tuy nhiên trong tình huống cụ thể, người ta có thể bỏ qua vài điểm hay làm khác đi, vì mục đích cuối cùng của ngành y vẫn là cứu người, ví dụ trường hợp các bác sĩ ở Quảng Trị đã truyền 5 lít bia thay cho etanol để giải độc rượu. Do đó, cũng có thể Bộ Y tế Nga có những quy trình đặc biệt dành cho trường hợp khẩn cấp, chúng ta còn chưa biết hết điều đó, nên đừng vội phán xét về việc cấp phép cho vaccine Sputnik V.
Ở đây nếu chúng ta xem xét kỹ thông tin mà phía Nga đưa ra thì có thể hiểu Nga “cấp phép” Sputnik V để có thể đưa vaccine ra sử dụng thử nghiệm trên số người lớn hơn, cụ thể là khoảng 20.000 - 30.000 người ở vùng Moscow, trong đó ưu tiên là các nhân viên y tế và các nhóm nguy cơ. Nga cũng không có các công ty dược phẩm lớn đủ năng lực để sản xuất hàng triệu liều vaccine trong vài tháng tới, để sử dụng đại trà mà Nga đang hợp tác với các công ty dược phẩm ở nhiều nước để nâng cao năng lực sản xuất. Do đó chúng ta có thể yên tâm là không có chuyện Nga sẽ chủng ngừa đại trà vaccine cho hàng triệu hay hàng tỷ người ngay sau khi “cấp phép”.
Ở ta đến nay mới chỉ có hơn 1.000 bệnh nhân và con số tử vong khoảng 25 người, nếu so với thế giới thì ở mức cực kỳ thấp nhưng người dân đã rất lo lắng. Ngành y phải căng sức ra để chiến đấu, giành giật mạng sống của từng bệnh nhân COVID-19 với tử thần. Vậy mà Nga hiện nay đang là đất nước có số người nhiễm COVID-19 cao thứ 4 thế giới.
Nga hiện nay đang có gần 1 triệu người nhiễm bệnh, đã có gần 16.000 người tử vong. Đứng sát trên Nga là Ấn Độ với hơn 2 triệu 800 ngàn người nhiễm, gần 54.000 người thiệt mạng. Nên nhớ rằng, giai đoạn đầu tiên khi dịch bệnh COVID-19 mới xảy ra, Nga mới chỉ có 2 bệnh nhân đầu tiên đã quyết định đóng biên giới, còn Ấn Độ thì cực kỳ mạnh tay với các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa các thành phố.
Vậy có ai biết được thời gian sắp tới, diễn tiến bệnh tật tiếp theo ở Nga sẽ thế nào không? Chính vì diễn biến dịch bệnh tại mỗi nước, Chính phủ sẽ buộc phải áp đặt ý chí của họ lên công cuộc chống dịch, và công bố vaccine là một phần trong lộ trình chống dịch.
Vaccine COVID-19 Sputnik V của Nga đang được sản xuất (Ảnh: RDIF)
|
Công chúng có thể tin vào vaccine Sputnik V?
+ Thưa ông, nhưng nếu nhà chuyên môn đã lo ngại như vậy thì công chúng có thể nhìn vào đâu để xem xét về tính an toàn của vaccine Sputnik V? Giả sử có chuyện gì xảy ra thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người đã sử dụng vaccine Sputnik V?
PGS.TS Trần Cát Đông: Trong quy trình nghiên cứu-phát triển vaccine, nếu giai đoạn thử nghiệm trên vài trăm người mà đã không an toàn thì cũng không ai dám cấp phép cho giai đoạn thử nghiệm đại trà trên hàng chục ngàn người. Cho nên, vẫn có cơ sở để đánh giá rằng vaccine Sputnik V là an toàn.
Có nhiều cách khác nhau để sản xuất vaccine. Có thể làm giảm độc lực của tác nhân gây bệnh với vaccine giảm độc. Có thể phân lập một phần của tác nhân gây bệnh có thể sản sinh miễn dịch, tạo kháng nguyên.
Mỗi hãng sản xuất vaccine có cách tiếp cận khác nhau. Ví dụ Công ty Moderna của Mỹ sử dụng một đoạn ARN thông tin mã hóa cho kháng nguyên SARS-CoV-2, rồi đưa vào trong người sử dụng, tế bào người dùng sẽ sản xuất ra kháng nguyên, cơ thể nhận diện kháng nguyên và tạo ra kháng thể. Hiện nay chưa có vaccine nào đã được cấp phép lưu hành dựa trên cách tiếp cận này.
Cũng có thể dùng một virus khác không gây độc với người rồi lấy đoạn gen của tác nhân gây bệnh ghép vào bộ gen của virus đó để tạo ra virus không độc mang kháng nguyên dùng làm vaccine. Như trường hợp Sputnik V của Nga là theo cách tiếp cận này. Người Nga đã dùng một con virus lành tính, không gây bệnh đưa một phần gen của SARS-CoV-2 vào. Con virus lành sẽ sản xuất ra kháng nguyên, người được chích ngừa thì hệ miễn dịch sẽ phát hiện kháng nguyên của SARS-CoV-2 và sẽ tạo ra miễn dịch chống lại virus này. Nếu khi nhiễm SARS-CoV-2 thật, cơ thể đã có miễn dịch rồi và sẽ có khả năng chống lại sự tấn công của virus. Đã có một số vaccine đang lưu hành được phát triển theo cách tiếp cận này, do đó có cơ sở để tin tưởng độ an toàn của vaccine Sputnik V.
Cũng có thể dùng luôn tác nhân gây bệnh đã được làm chết để làm kháng nguyên và sản xuất vaccine bất hoạt. Đây là một cách tiếp cận kinh điển trong phát triển vaccine. Đa phần vaccine COVID-19 của Trung Quốc làm theo cách này.
Một kỹ thuật viên phòng thí nghiệm thực hiện giai đoạn thử nghiệm vaccine Sputnik V tại Viện Gamaleya ở Moscow (Ảnh: Bloomberg)
|
Nga đã thành công với vaccine ngừa MERS-CoV
+ Phân tích về tính an toàn của vaccine có phải là lý do khiến Chính phủ Nga tự tin công bố Sputnik V đầu tiên trên thế giới, thưa ông?
PGS.TS Trần Cát Đông: Năm 2012, khi xảy ra hội chứng hô hấp cấp ở khu vực Trung Đông (MERS), Nga cũng là nước đã nghiên cứu thành công vaccine chống lại bệnh dịch gây nên bởi Coronavirus.
Ba trong số 7 Coronavirus gây ra các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nặng ở người, có thể dẫn tới tử vong và đã gây ra những đợt bùng phát dịch viêm phổi chết người đã được thống kê, gồm có:
SARS-CoV-2, loại Coronavirus mới được xác định là nguyên nhân của đại dịch COVID-19, bắt đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019 và lan rộng trên toàn thế giới.
MERS-CoV được xác định vào năm 2012, là nguyên nhân của hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
SARS-CoV được xác định vào năm 2002, là nguyên nhân của đợt bùng phát dịch hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
Hồi năm 2012, nhiều nước lao vào chạy đua sản xuất vaccine ngừa MERS-CoV nhưng sau đó nhiều nước bỏ cuộc vì thời gian diễn ra dịch bệnh không quá lâu, số lượng người bệnh không đủ để thử nghiệm. Nga đã thành công với vaccine này, nên hiện tại, tôi tin là Nga có đủ cơ sở để công bố Sputnik V chống lại đại dịch COVID-19.
+ Ông nghĩ gì khi vẫn còn những ý kiến cho rằng vaccine Sputnik V là “món hàng thương mại” vì nước Nga sẽ bán ra một lượng lớn, lên tới hàng tỷ liều vaccine cho nhiều quốc gia?
PGS.TS Trần Cát Đông: Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, sẽ thấy là tiền bán vaccine không phải là “doanh thu khủng” như mọi người vẫn tưởng. Số tiền đó sẽ rất nhỏ nhoi nếu so sánh nó với sụt giảm tài chính trong cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề mà cả thế giới đang phải oằn mình gánh chịu.
Việt Nam mình cho dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế chưa đến mức âm mà chỉ là tăng trưởng rất thấp so với các giai đoạn bình thường khác. Thế mà mọi người đã thấy rất khó khăn rồi. Rất nhiều doanh nghiệp đã sụp đổ. Hàng triệu người lao động mất việc làm. Khi hệ thống y tế phải dồn lực chăm sóc các bệnh nhân COVID-19, những người mắc các bệnh khác cũng bị ảnh hưởng.
Vì thế, tôi cho rằng nếu có vaccine, thì có thể nhanh chóng kiểm soát được bệnh dịch, ổn định tâm lý người dân, theo đó, bình thường hóa xã hội trở lại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách thật sự mới là câu chuyện đáng nói.