Trong quá trình chữa vô sinh hiếm muộn, các kỹ thuật hiện đại và kinh nghiệm, tay nghề của các bác sĩ đóng vai trò quyết định thành công của bệnh nhân. Trong nhiều năm trở lại đây, ngành vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam nhanh chóng cập nhật kỹ thuật tiến bộ của thế giới, nâng cao hiệu quả điều trị.
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Thành công vượt trội
Chia sẻ về sự vượt trội của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc Bệnh viện (BV) Hùng Vương cho biết: “Tại BV Hùng Vương, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mang lại tỷ lệ thành công đạt từ 38 – 48%.Quy trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm phức tạp, yêu cầu đội ngũ y bác sĩ phải được đào tạo chuyên sâu.
Đồng thời, các BV phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật y sinh cao cấp chuyên khoa sâu để mang lại tỷ lệ thành công cao hơn. Do đó, chi phí điều trị của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cũng đắt đỏ hơn”.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết - một bà đỡ "mát tay" trong điều trị vô sinh hiếm muộn
|
Bác sĩ Lý Thái Lộc – Trưởng Khoa Hiếm muộn, BV Hùng Vương - thông tin thêm: “Tuy đắt đỏ, nhưng hiệu quả mà phương pháp thụ tinh nhân tạo mang lại vượt trội hơn rất nhiều so với bơm tinh trùng vào buồng tử cung”.
Theo bác sĩ Lộc, đến nay, tỷ lệ thành công của phương pháp bơm tinh trùng vẫn chỉ đạt 15 -18%. Vì phương pháp này đã phải phụ thuộc vào cơ thể người phụ nữ, việc kích thích buồng trứng, tỉ lệ - chất lượng tinh trùng,...
Ở một số nước trên thế giới, bệnh nhân vô sinh hiếm muộn từ độ tuổi 36 - 37 sẽ được làm thụ tinh trong ống nghiệm ngay, tránh kéo dài thời gian vì càng lớn tuổi, dự trữ buồng trứng càng xuống thấp, làm ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Ths.Bs Lê Thị Minh Châu - Trưởng Khoa Hiếm muộn (BV Từ Dũ) cho hay: “Tỷ lệ thành công trong chữa vô sinh hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại các bệnh viện phụ sản lớn ở TP.HCM đạt từ 38 – 50%. Tỷ lệ này có khoảng cách khá rộng, vì quá trình điều trị còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây vô sinh, độ tuổi của bệnh nhân, chất lượng tinh trùng, kỹ thuật của bác sĩ”.
Các kỹ thuật hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm phát triển
Xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi (Preimplantation genetic testing – PGT) là một trong những tiến bộ y học mới nhất trong phương pháp thụ tinh ống nghiệm.
Khu vực kỹ thuật TTon thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Hùng Vương
|
Bác sĩ Diễm Tuyết cho biết đây là một tiến bộ y học rất lớn. Kỹ thuật này giúp xác định những bất thường về mặt gen di truyền ở các phôi được tạo ra trong quá trình thụ tinh ống nghiệm. Qua đó, các chuyên gia lựa chọn phôi tốt nhất trước khi tiến hành chuyển phôi giúp tăng tỷ lệ mang thai thành công ở phụ nữ nhiều tuổi (đặc biệt trên 35 tuổi) và giảm số lần thực hiện IVF.
“Với kỹ thuật này, chúng ta sẽ can thiệp sớm nhất các trường hợp bất thường ở thai nhi, đặc biệt là bệnh di truyền về máu ngay từ khi còn là phôi. Trong khi đó, trước đây, để phát hiện các bất thường, chúng ta phải đợi đến khi thai nhi 16 – 20 tuần rồi chọc ối, mang tế bào trong ối kiểm tra em bé có mang gen bệnh hay không. Lúc này thai nhi cũng đã lớn, việc chấm dứt một sinh linh rất đau khổ về mặt tinh thần và thể xác cho người mẹ lẫn nhân viên y tế” – Bác sĩ Diễm Tuyết nhấn mạnh.
Trong nhiều năm qua, các kỹ thuật hỗ trợ thụ tinh ống nghiệm đã được cải tiến từ phác đồ điều trị, kỹ thuật lâm sàng,… cho đến thuốc và điều kiện phòng sạch.
Cụ thể, về trang thiết bị, các BV Phụ sản lớn đều trang bị tủ cấy cá biệt, kính hiển vi soi ngược… đáp ứng kỹ thuật hỗ trợ cho quá trình làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, trước đây, mỗi 1 đĩa phôi sẽ đặt trong 1 ngăn của tủ cấy. Khi bác sĩ mở cánh cửa ra để đặt đĩa phôi khác vào thì toàn bộ đĩa phôi bên trong bị ảnh hưởng về điều kiện không khí, nhiệt độ, ánh sáng.
Còn nay, trên một tủ cấy sẽ chia ra thành các ô và mỗi ô đều có cửa riêng. Khi mở ô này thì các ô khác không bị ảnh hưởng. Đây là một trong những kỹ thuật mới, giúp hỗ trợ nâng cao tỷ lệ thành công chữa vô sinh hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Cặp vợ chồng gặt "quả ngọt" sau nhiều năm chữa trị vô sinh hiếm muộn
|
Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng cũng là một trong những tiến bộ y học giúp tăng tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
Phân tích về phương pháp này, bác sĩ Diễm Tuyết chia sẻ: “Trong quá trình phát triển phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm các nhà khoa học nhận thấy một trong những nguyên nhân khiến thụ tinh trong ống nghiệm thất bại là lớp vỏ của phôi quá dày. Điều này khiến tế bào không thoát ra ngoài để bám vào niêm mạc tử cung và làm tổ.
Hiện nay, với sự tiến bộ của y học cùng trang thiết bị, các BV đã sử dụng tia lazer hỗ trợ phôi thoát màng để làm tổ ở niêm mạc tử cung, tăng tỉ lệ thành công".
Ngoài ra, một trong những phương pháp mang lại hiệu quả sàng lọc phôi mạnh trước khi đưa vào buồng tử cung, tăng hiệu quả điều trị vô sinh hiếm muộn bằng thụ tinh nhân tạo là nuôi cấy phôi ngày 5.
Trong thời gian sống, phôi sẽ tự chọn lọc, đào thải những phôi yếu, bất thường. Đến ngày thứ 5, sẽ còn lại những phôi mạnh để chuyển vào tử cung người phụ nữ. Nhờ vậy, tỉ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sẽ được tăng lên. Nuôi cấy phôi ngày 5 là kỹ thuật tiên tiến, được áp dụng thường quy tại các BV Phụ sản cũng như Trung tâm hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam.
Bác sĩ Lê Thị Minh Châu - Trưởng Khoa Hiếm muộn (BV Từ Dũ) khám cho bệnh nhân
|
Bên cạnh đó, các yếu tố giá thành rẻ, không bị rào cản ngôn ngữ cũng là điều thuận lợi, giúp việc chữa vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam đạt được nhiều thành công.
"Khi điều trị vô sinh hiếm muộn tại Việt Nam, bệnh nhân không bị rào cản về ngôn ngữ, tạo thuận lợi rất lớn.
Nếu bệnh nhân ra nước ngoài, họ phải cần có người phiên dịch chuyên khoa, nhưng đôi khi người phiên dịch sẽ không truyền tải thông tin bác sĩ muốn truyền đạt một cách chính xác. Đồng thời, bệnh nhân lại còn tốn kém chi phí đi lại, ăn ở,...
Trong khi đó, điều quan trọng nhất trong hỗ trợ sinh sản là hiểu hết các quy trình. Việc chữa trị vô sinh hiếm muộn còn phụ thuộc vào niềm tin của bệnh nhân đối với phương pháp. Bác sĩ sẽ giải thích cho họ hiểu các quy trình và những gì mình cần làm để có sự đồng thuận, giúp quá trình chữa trị hiệu quả hơn" - Bác sĩ Lê Thị Minh Châu nhận định.