Bắc Kinh không dám dùng vũ lực ngăn tuần tra Biển Đông

Ngày 18-12, Bộ Quốc phòng Úc tuyên bố Úc sẽ tiếp tục tuần tra biển Đông bất chấp sức ép từ Trung Quốc. Giáo sư Carl Thayer nhận định Trung Quốc sẽ không dám dùng vũ lực cản trở các cuộc tuần tra trên biển Đông.
Máy bay tuần tra P-3 Orion của không quân hoàng gia Úc - Ảnh: AFP
Máy bay tuần tra P-3 Orion của không quân hoàng gia Úc - Ảnh: AFP

Sau khi Bộ Quốc phòng Úc xác nhận việc triển khai máy bay bay tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông, Trung Quốc đã phản ứng dữ dội. Tờ Thời báo Hoàn Cầu đe dọa máy bay quân sự Úc “không nên thử lòng kiên nhẫn của Trung Quốc”, nếu không có thể sẽ bị bắn rơi.

Ngày 17-12, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne khẳng định chính quyền Canberra sẽ không lùi bước trước những cảnh báo hiếu chiến của Bắc Kinh. Bà Payne mô tả các chuyến bay tuần tra của không quân Úc giúp bảo vệ an ninh và ổn định khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne khẳng định nước này sẽ tiếp tục tuần tra biển Đông - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne khẳng định nước này sẽ tiếp tục tuần tra biển Đông - Ảnh: Reuters

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho rằng chiến dịch tuần tra của cả quân đội Mỹ và không quân Úc trên biển Đông là vẫn chưa đủ mạnh mẽ để  răn đe Trung Quốc.

* Theo giáo sư, quân đội Mỹ và Úc cần phải tuần tra trên biển Đông như thế nào để đảm bảo tính hiệu quả?

Theo Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), các đảo nhân tạo chỉ có vùng an toàn 500 m chứ không có không phận và không có vùng lãnh hải 12 hải lý.

Việc lực lượng Mỹ và Úc tuần tra ngoài vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo là phản tác dụng bởi hành động đó dẫn tới sự hiểu lầm rằng các đảo nhân tạo của Trung Quốc là đảo thật theo luật pháp quốc tế.

Để khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trên biển Đông, quân đội Mỹ và Úc cần lập tức triển khai máy bay bay trên đầu các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép và đưa tàu đi vào vùng an toàn 500 m quanh các đảo này.

* Liệu quân đội Úc có sẵn sàng hành động mạnh mẽ như vậy?

Úc không có một chương trình tự do hàng hải chính thức tương tự như Mỹ. Quân đội Úc đã đưa máy bay quân sự đến biển Đông từ ba thập kỷ qua.

Và chính phủ Úc sẽ tiếp tục triển khai máy bay và tàu chiến tới biển Đông trong thời gian tới theo các kế hoạch cụ thể. Đến nay Úc lựa chọn thực hiện bảo vệ tự do hàng hải một cách lặng lẽ. Úc biết Trung Quốc hiểu điều đó, và Trung Quốc biết Úc đang làm gì.

Việc chuyến bay tuần tra của không quân Úc được phóng viên BBC công bố là diễn biến mới buộc chính phủ Úc phải công khai hơn, mạnh mẽ hơn về các cuộc tuần tra trên biển Đông để công chúng Úc và cộng đồng quốc tế hiểu rõ.

* Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào trước những cuộc tuần tra kế tiếp? Liệu Bắc Kinh có dám gây hấn và đối đầu?

Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra tuyên bố phản đối như thường lệ. Hải quân Trung Quốc trên tàu chiến gần các đảo nhân tạo trái phép sẽ tiếp tục gửi thông điệp cảnh báo tới máy bay Úc. Nhưng máy bay Úc sẽ tiếp tục bay tuần tra bất chấp những cảnh báo đó.

Tình huống này sẽ còn kéo dài trong tương lai. Và sẽ đến lúc hải quân Trung Quốc chấp nhận phớt lờ, ngừng cảnh báo và máy bay Úc bay tuần tra thoải mái.  

Chắc chắn Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ lớn tiếng chỉ trích Úc. Vấn đề là quân đội Trung Quốc không có máy bay quân sự ở biển Đông để chặn đầu máy bay Úc. Do đó nguy cơ đối đầu là rất nhỏ.

Trung Quốc có tàu chiến hoạt động gần các đảo nhân tạo trái phép, do đó khả năng đụng độ trên biển là có thể xảy ra, nhưng không lớn. Cả Úc và Trung Quốc đều có thỏa thuận về Quy tắc đối đầu ngoài ý muốn trên biển (CUES).

Một nguyên nhân nữa là hiệp ước ANZUS giữa Úc và Mỹ kêu gọi sự tham vấn và hỗ trợ tức thời nếu lực lượng vũ trang của một trong hai quốc gia bị tấn công ở Thái Bình Dương. Đây là vũ khí mạnh mẽ giúp ngăn chặn Trung Quốc thực hiện các hành động liều lĩnh, gây hấn trên biển Đông.

* Sau sự kiện Úc bay tuần tra biển Đông, báo chí Nhật cũng đã kêu gọi chính phủ Tokyo hành động tương tự. Liệu Nhật sẽ tiếp bước Mỹ và Úc?

Nhật sẽ thận trọng. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đã có sự tiến triển thời gian qua. Hai bên vừa thảo luận về cơ chế giảm thiểu nguy cơ đối đầu trên không và trên biển.

Nhưng nếu Trung Quốc có hành vi liều lĩnh, hiếu chiến trên biển Đông thì nhiều khả năng Mỹ, Úc và Nhật sẽ thảo luận chiến lược hành động để bảo vệ tự do hàng hải trên biển Đông.

Theo Tuổi trẻ