Tái đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Ba ngày trước đàm phán, Mỹ bất ngờ trừng phạt 28 thực thể Trung Quốc và đe dọa gắn đàm phán với tình hình Hồng Kông

VietTimes -- Ngay trước thềm vòng đàm phán thương mại lần thứ 13 giữa Trung Quốc và Mỹ, Washington lại “vung gậy”, đưa vào danh sách đen 8 công ty công nghệ và 20 cơ quan công an Trung Quốc ở Tân Cương và cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với các dân tộc thiểu số ở Khu tự trị Tân Cương. Đồng thời, ông Trump đã phát biểu đe dọa Trung Quốc, gắn đàm phán thương mại với tình hình Hồng Kông.
Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung thứ 13 chưa bắt đầu, Mỹ đã liên tiếp ra đòn với Trung Quốc
Vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung thứ 13 chưa bắt đầu, Mỹ đã liên tiếp ra đòn với Trung Quốc

Mỹ bất ngờ tuyên bố trừng phạt 28 thực thể Trung Quốc

Vào ngày 7 tháng 10 (theo giờ Washington), Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra thông báo: 8 công ty công nghệ Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen, bao gồm: Dahua Technology, Hikvision, iFlytek, Megvii Technology, SenseTime Technology, Xiamen Meiya Pico, YITU Technology và Wuhan Yixin Technology. Các công ty này sẽ bị cấm mua các nguyên vật liệu hay sản phẩm của các công ty Mỹ.

Theo các thông tin tư liệu, Dahua Technology và Hikvision kiểm soát tới 30% thị trường camera giám sát toàn cầu với các camera được bán trên khắp thế giới. iFlytek, Megvii Technology, SenseTime Technology, YITU Technology và Wuhan Yixin Technology tập trung vào trí tuệ nhân tạo; Xiamen Meiya Pico tập trung vào lấy dữ liệu điện tử, bảo mật không gian mạng và thông tin dữ liệu lớn.

Hikvision là hãng đứng đầu danh sách các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt lần này
Hikvision là hãng đứng đầu danh sách các công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt lần này

Ngoài ra, trong danh sách đen các đối tượng bị trừng phạt còn có Sở Công an Khu tự trị Tân Cương cùng 18 cơ quan công an trực thuộc và Học viện Cảnh sát Tân Cương. Hoa Kỳ đã cáo buộc các cơ quan công quyền này vi phạm nhân quyền của người dân tộc thiểu số Tân Cương, đặc biệt là các tín đồ đạo Islam.

Cùng lúc Bộ Thương mại Mỹ thực hiện động thái trên, cuộc họp cấp công tác chuẩn bị của vòng đàm phán thương mại lần thứ 13 Mỹ - Trung cũng đã bắt đầu để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán chính thức từ ngày 10 đến 11/10. Vào ngày 8 tháng 10, theo giờ Bắc Kinh, Bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu phái đoàn đến Washington thăm và đàm phán.

Hãng tin Mỹ Bloomberg cho rằng động thái của Washington, cho thấy Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy chiến tranh kinh tế Trung Quốc theo một hướng đi mới, đánh dấu việc chính phủ của ông lần đầu tiên sử dụng nhân quyền là một lý do để hành động. Trước đây, người khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã bị liệt vào danh sách đen bởi những cân nhắc về an ninh quốc gia của Mỹ.

Đáp lại những chỉ trích của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc luôn bày tỏ phản đối can thiệp vào công việc nội bộ. Trung Quốc nói các hoạt động giáo dục và đào tạo thực hiện ở Tân Cương không làm tổn hại đến quyền và lợi ích của các dân tộc thiểu số và kể từ đầu năm 2019 đã ban hành 3 Sách Trắng về Tân Cương, phản bác lại “những ý kiến thiên lệch” của Sách Trắng của Mỹ .

Vào ngày 18 tháng 3 năm nay, Trung Quốc đã ban hành Sách Trắng mang tên “Đấu tranh chống khủng bố, đấu tranh chống cực đoan và bảo vệ nhân quyền của Tân Cương”. Ngày 21 tháng 7, Trung Quốc lại phát hành bản Sách Trắng “Một số vấn đề lịch sử ở Tân Cương” và đã được phát hành; ngày 16 tháng 8, Trung Quốc lại phát hành Sách Trắng thứ ba mang tên “Công tác giáo dục và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp của Tân Cương”.

Phát biểu sau khi ký Hiệp định thương mại với Nhật, ông Trum gắn tình hình Hồng Kông với cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, điều mà Trung Quốc luôn phản đối
Phát biểu sau khi ký Hiệp định thương mại với Nhật, ông Trum gắn tình hình Hồng Kông với cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, điều mà Trung Quốc luôn phản đối

Ông Trump gắn đàm phán với tình hình Hồng Kông

Cùng ngày 7/10, Tổng thống Mỹ phát biểu, nói ông hy vọng thấy một “giải pháp nhân đạo” cho các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Ông cũng cảnh báo rằng nếu Trung Quốc thực hiện bất kỳ biện pháp “bất lợi” nào để dập tắt các cuộc biểu tình ở Hồng Kông thì cuộc đàm phán thương mại của họ với Mỹ sẽ bị tổn hại.

Ông Trump khi trả lời các câu hỏi của các phóng viên sau lễ ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật trong Phòng Roosevelt của Nhà Trắng đã nói: “Họ (người Trung Quốc) cần phải làm điều này một cách hòa bình. Trung Quốc nên đáp trả một cách hòa bình các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Hồng Kông”.

Ông Trump cũng nhắc lại hy vọng ông Tập Cận Bình sẽ ngồi xuống và gặp gỡ những người biểu tình. Ông cũng bày tỏ “rất thích thú” trước việc người dân Hồng Kông vẫy cờ Mỹ trong các cuộc biểu tình. “Chúng ta hy vọng sẽ thấy một giải pháp rất nhân văn. Tôi hy vọng điều này sẽ xảy ra và bạn biết rằng Hồng Kông rất quan trọng như là một trung tâm kết nối với thế giới, không chỉ quan trọng đối với Trung Quốc, mà còn đối với thế giới”, ông Trump nói.

Ông cũng nói: “Có những người rất tuyệt vời ở đó. Tôi thấy họ vẫy cờ Mỹ và thậm chí giương các khẩu hiệu “Hãy làm cho Trung Quốc trở lại vĩ đại” và “Hãy để Hồng Kông trở lại vĩ đại”. Họ có những tấm biển rất lớn. Họ có những tinh thần phi thường. Có rất nhiều quốc kỳ Mỹ và nhiều dấu tích của Trump”.

Ông Trump nói thêm: “Tôi chỉ muốn thấy một thỏa thuận nhân đạo đạt được (trong vấn đề Hồng Kông). Tôi nghĩ Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng làm được điều này”.

Ông cũng nhắc lại chủ trương của mình, hy vọng ông Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ những người biểu tình, cùng nhau giải quyết vấn đề.

Ông Lưu Hạc (phải) chưa tới Mỹ để đàm phán với các ông Robert Lighthizer (giữa) và Steven Mnuchin (trái), nhưng đã có thể thấy cơ hội thành công là không nhiều.
Ông Lưu Hạc (phải) chưa tới Mỹ để đàm phán với các ông Robert Lighthizer (giữa) và Steven Mnuchin (trái), nhưng đã có thể thấy cơ hội thành công là không nhiều.

Ông Trump phủ nhận tin nói rằng ông đã nói với ông Tập Cận Bình rằng sẽ giữ im lặng về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông trong cuộc đàm phán thương mại. “Không, tôi không làm điều đó” - ông nói – “Nhưng tôi đã nói rằng chúng ta đang đàm phán. Nếu có bất kỳ điều gì xấu, tôi nghĩ rằng sẽ rất tệ cho cuộc đàm phán. Tôi nghĩ về mặt chính trị, điều này có thể rất khó khăn, có thể đối với chúng tôi, đối với một số người khác và có thể đối với ông ấy”.

Sáng 8/10 theo giờ Bắc Kinh, Bộ thương mại Trung Quốc đã công bố thành phần đoàn đàm phán Trung Quốc do ông Lưu Hạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn đàm phán kinh tế toàn diện Trung - Mỹ dẫn đầu. Các thành viên có Thống đốc Ngân hàng Trung Quốc Dịch Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Ninh Cát Ca, Thứ trưởng Bộ Tài chính Liêu Mân, Thứ trưởng Ngoại giao Trịnh Trạch Quang, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Tin học Vương Chí Quân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hàn Tuấn và Thứ trưởng Bộ Thương mại kiêm Phó đại biểu đàm phán mậu dịch quốc tế Vương Thụ Văn.

Với những động thái của phía Mỹ và phát biểu của ông Donald Trump, giới quan sát cho rằng rất khó để vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung lần thứ 13 đạt được một kết quả tốt đẹp.

Theo Đa ChiềuEpoch Times