Một luật sư tuổi ngoài 70 ở New York đã trả lời tin nhắn muốn làm quen của một phụ nữ trên LinkedIn, người phụ nữ này trong ảnh trông xinh đẹp, trẻ hơn ông, có chuyên môn vững vàng, trình độ học vấn cũng cao. Sự khát khao yêu đương dần sống dậy trong trái tim tưởng như đã giá lạnh của ông theo những dòng tin nhắn…Chỉ trong 75 ngày, toàn bộ lương hưu của ông đã bị lừa mất sạch, và một mối tình kiểu yêu xa mà ông cho là lãng mạn cũng tan biến.
Theo hướng dẫn của người phụ nữ, ông tải xuống một phần mềm, tưởng rằng mình đã chuyển tiền đến một ngân hàng tiền mã hóa ở California và thực hiện một loạt giao dịch để đầu tư kiếm lời; khi truy cập vào tài khoản để theo dõi ông vẫn thấy đã có khoản lãi được cộng vào hàng tuần. Không ngờ tất cả đều là bịa đặt, thậm chí người phụ nữ mà ông yêu xa tự nhận là đang sống ở Thái Lan cũng không thể tìm thấy nữa.
Theo MarketWatch rất nhiều các vụ dùng AI lừa đảo đang nhắm vào những người cao tuổi, mà ba trong số các chiêu thức lừa đảo phổ biến nhất là “giả yêu để lừa thật, gieo ransomware (mã độc tống tiền) và giả mạo thư từ IRS (Cục thuế) hoặc các cơ quan công quyền khác yêu cầu hoàn tất các khoản thanh toán bị cáo buộc đã quá thời hạn.
Theo truyền thông Mỹ, các vụ lừa đảo bằng giọng nói do AI tổng hợp đã trở thành loại án lừa đảo lớn thứ hai ở Mỹ trong năm 2022, với tổng số tiền bị lừa hơn 11 triệu USD. Hàng ngàn nạn nhân là người già trình báo họ đã bị lừa bởi những kẻ lừa đảo giả làm con cái của họ và mất một số tiền rất lớn.
Theo NetEasy, ở Canada thường xuyên xảy ra các trường hợp sử dụng giọng nói do AI tổng hợp để lừa đảo, đặc biệt nhắm vào những người cao tuổi có tư duy đã suy thoái.
Quy trình của các vụ án về cơ bản như sau: Đầu tiên, thông tin và video được kẻ lừa đảo thu thập qua Internet và giọng nói được tổng hợp bằng công nghệ AI, sau đó kẻ lừa đảo giả làm con cái của người già gọi điện thoại tới. Đại thể chúng nói với nạn nhân: “Con gây chuyện ở ngoài, làm phương hại người ta, phải bỏ tiền ra thuê luật sư hầu tòa, nếu không sẽ phải vào tù. Bố mẹ ơi, con cần sự giúp đỡ của bố mẹ. Cứu con với!”.
Với chất giọng rất giống giọng của đứa con họ, chúng cầu xin bằng giọng điệu xen lẫn nước mắt, thử hỏi cha mẹ nào có thể giữ được sự tỉnh táo, lý trí.
Ngay lập tức họ rơi vào cái bẫy đã được kẻ lừa đảo thiết kế cẩn thận, và nhất nhất làm theo hướng dẫn của bên kia và chuyển tiền gửi vào tài khoản của chúng mà không một chút do dự với hy vọng sẽ giúp được con tránh được rắc rối, để rồi sau đó họ mới nhận ra rằng mình đã bị lừa.
Ngoài những trường hợp điển hình trên, còn có nhiều cách thức lừa đảo khác nhau: giả danh bạn bè để vay tiền, giả đồng nghiệp để thanh toán hóa đơn...Theo cảnh sát Canada, những vụ mạo danh như vậy xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi và số tiền liên quan lên tới hàng triệu đô la Canada.
Ông Tarkov, Giám đốc điều hành của LexisNexis Special Services Inc. (Mỹ) ước tính rằng các nạn nhân của các vụ lừa đảo AI có thể mất tới 100 tỉ USD trong 18 tháng tới. Ông nói, trừ khi mọi người trở nên cảnh giác hơn với các trò gian lận AI, tổn thất tài chính sẽ chỉ tăng thêm.
Tarkov chỉ ra rằng bằng cách sử dụng AI để tạo ra hình ảnh sống động như thật, kết hợp với giọng nói hấp dẫn của con người, những kẻ lừa đảo có thể tạo ra các video để "câu" ai đó hẹn hò trực tuyến và sau khi dần chiếm được lòng tin, chúng sẽ đòi tiền nạn nhân.
Đối với các cuộc tấn công bằng ransomware, một thủ đoạn phổ biến là tìm tin nhắn thoại dài ba giây của người khác từ Facebook hoặc YouTube, sau đó sao chép nó và làm cho nó giống như một cuộc trò chuyện thực sự. Tarkov nói: “Rất khó để phân biệt đâu là thật đâu là giả”.
Đồng thời, những kẻ lừa đảo có thể sử dụng các công cụ xử lý ngôn ngữ AI như ChatGPT để tự động tạo các tài liệu chính thức được tuyên bố là do chính quyền gửi tới, trong văn bản hoàn toàn không có các lỗi chính tả hay ngữ pháp mà những kẻ lừa đảo thường ngụy tạo trước đây hay mắc phải. “Thật khó để nạn nhân phân biệt đâu là thật đâu là giả”, Tarkov nói.
Tarkov cho rằng: "Bị lừa không chỉ có người già, nhưng đại đa số đều là người già. Những kẻ lừa đảo làm điều này nhắm đến người già vì họ có tiền, và những chiêu này rất có hiệu quả".
Lời khuyên đề phòng bị lừa mà ông nhắn gửi là: “Đừng bao giờ gửi tiền cho người lạ mà ta chưa từng gặp!”.
Theo Creaders, NetEasy