Ấn Độ mua S-400 của Nga, thượng nghị Mỹ kêu gọi không trừng phạt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Hai thượng nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden không trừng phạt Ấn Độ vì thương vụ mua S-400 với Nga, nói rằng biện pháp này ảnh hưởng xấu tới quan hệ.
Hệ thống S-400 của Nga tại một cuộc triển lãm quốc phòng gần Moscow (Ảnh: AP)
Hệ thống S-400 của Nga tại một cuộc triển lãm quốc phòng gần Moscow (Ảnh: AP)

Ấn Độ đã ký bản hợp đồng mua 5 hệ thống phòng không tối tân bậc nhất của Nga trong năm 2018 với tổng trị giá 5,5 tỉ USD, với mục đích chống lại địch thủ Pakistan, và Trung Quốc – nước đang có tranh chấp với New Delhi ở khu vực biên giới.

Thỏa thuận này đã gây ra một vấn đề đau đầu đối với nước Mỹ bởi họ đã thông qua một bộ luật vào năm 2017 trong đó nêu rõ bất cứ nước nào tham gia vào lĩnh vực quốc phòng và tình báo của Nga sẽ phải đối diện với lệnh trừng phạt.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn và thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warnder mới đây viết thư gửi Tổng thống Biden kêu gọi không trừng phạt đối với Ấn Độ vì an ninh quốc gia và vì sự hợp tác sâu rộng hơn với nước này. “Chúng tôi tin rằng chúng ta có động lực an ninh quốc gia để không áp các lệnh trừng phạt”, hai thượng nghị sĩ viết trong bức thư.

Hai thượng nghị sĩ nói họ quan ngại rằng việc bàn giao hệ thống phòng không của Nga sẽ khiến cho Ấn Độ bị áp lệnh trừng phạt, theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA), được thực thi để bắt Nga phải chịu trách nhiệm vì cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, tấn công mạng và bắt nạt Ukraine.

Ấn Độ đã chi trả cho các hệ thống S-400 và lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu được triển khai vào cuối năm nay.

Mỹ từng áp lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này cũng mua S-400 của Nga hồi năm ngoái.

Hai ông Cornyn và Warner nói rằng họ rất chia sẻ nỗi quan ngại của chính quyền Mỹ về Nga, nhưng cảnh báo về tổn thất trong quan hệ hợp với với Ấn Độ nếu như các lệnh trừng phạt được áp đặt.

“Chúng tôi tin rằng việc áp dụng các lệnh trừng phạt CAATSA có thể gây ra những hiệu ứng độc hại cho mối quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, cùng lúc, lại không đạt được mục đích chính là ngăn chặn các thương vụ vũ khí của Nga” – họ viết.

Ấn Độ hiện đang cắt giảm các khoản mua trang thiết bị vũ khí từ Nga – vốn là nguồn cung cấp vũ khí chính cho New Delhi suốt nhiều năm – trong đó vũ khí xuất khẩu từ Nga sang Ấn Độ đã giảm tới 53%, nếu so sánh giai đoạn 2016-2020 với 5 năm trước đó.

Các thỏa thuận quốc phòng của Ấn Độ với Mỹ, ngược lại, đã tăng dần, đạt giá trị 3,4 tỉ USD trong năm tài khóa 2020. Hai thượng nghị sĩ trên cho rằng đây là một xu hướng tích cực. “Áp đặt lệnh trừng phạt vào thời điểm này có thể làm suy giảm quan hệ hợp tác với Ấn Độ trên mọi lĩnh vực của mối quan hệ song phương – từ vaccine cho tới hợp tác quốc phòng, từ chiến lược năng lượng cho tới chia sẻ công nghệ”, họ viết.