84 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trong 5 ngày đầu năm 2020

VietTimes -- Trong số các trường hợp bị xử lý vì lỗi vi phạm nồng độ cồn, có 18 trường hợp bị lập biên bản xử phạt ở khung cao nhất, gồm 4 ô tô, 13 xe máy và 1 xe máy điện.
Một người chống đối việc thổi vào máy đo. Ảnh; Hiệp Bình.
Một người chống đối việc thổi vào máy đo. Ảnh; Hiệp Bình.

Hôm nay (6/1), Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP. Hà Nội cho biết, trong 5 ngày đầu năm 2020, lực lượng CSGT Công an TP. Hà Nội đã xử lý tổng cộng 84 trường hợp, trong đó tạm giữ 4 ô tô, 80 xe máy.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; bổ sung quy định xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải sử dụng người lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy.

Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), qui định của Nghị định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1l khí thở.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận 2 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.

Người đầu tiên là ông Lê Hoàng Hải (SN 1953, trú tại quận Cầu Giấy), điều khiển xe máy BKS 29-Y5 8686 được Tổ công tác Đội CSGT số 6 yêu cầu đo nồng độ cồn tại ngã tư Xuân Thủy - Cầu Giấy trong tối 2/1.

Ông Hải tự nhận uống 2 cốc bia nhưng không chịu thổi vào thiết bị đo chuyên dụng, đe dọa sẽ đốt xe, đồng thời mạo nhận mình công tác tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường hợp thứ hai là anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1972, không rõ địa chỉ cư trú). Khoảng 20h45 ngày 3/1, tại khu vực Điện Biên Phủ - Lê Duẩn (quận Ba Đình), tổ công tác Y10/141 Công an thành phố Hà Nội phát hiện anh Thắng điều khiển xe mô tô BKS 29C1-709.12 có biểu hiện say xỉn. Khi được yêu cầu thổi đo nồng độ cồn, người đàn ông này cho rằng mình không vi phạm, bỏ lại phương tiện để đi khỏi chốt công tác. 

Trung tá Vũ Văn Hoài - Đội trưởng Đội Tuyên truyền khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội - cho biết, qua kết quả xử lý và ghi nhận thực tế trong tuần đầu tiên thực hiện xử phạt theo các khung tăng nặng của Nghị định 100/NĐ-CP  đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Dư luận xã hội ủng hộ phải xử lý nghiêm và mạnh các “ma men”.

Phòng CSGT cũng phối hợp tích cực với các cơ quan báo chí kịp thời giải đáp nhiều thắc mắc phát sinh từ thực tế, khi một số người dân lo lắng việc ăn hoa quả hay sử dụng các thực phẩm, thuốc có nồng độ cồn trong hơi thở, hoặc trường hợp không chấp hành thổi nồng độ cồn, tự ý bỏ phương tiện sẽ bị xử lý ra sao.