Sau vụ tấn công hóa học Mỹ cáo buộc do chính quyền Syria thực hiện tại thị trấn Khan Shaykhun, mà có nhiều lý do để nghi ngờ tính xác thực của cáo buộc trên.
Đáp trả hành động này, không cần điều tra hay sự chuẩn thuận của Liên Hợp quốc hay thậm chí của quốc hội Mỹ, tổng thống Donald Trump đã ra lệnh phóng 59 tên lửa Tomahawk tấn công căn cứ không quân Shayrat của Syria, mặc dù có thông báo trước cho Nga.
Dư luận tranh cãi về thành công của đòn tập kích tên lửa Mỹ vào Syria. Mặc dù Mỹ thông báo 58/59 tên lửa Tomahawk được phóng đi từ hai khu trục hạm ngoài Địa Trung Hải đã đánh trúng các mục tiêu đã định, nhiều ý kiến cho rằng 23 trong số 59 quả Tomahawk chẳng đánh trúng bất cứ mục tiêu nào (trong khi đó, phía Nga thông báo có tới 36/59 tên lửa Mỹ không đến được mục tiêu và bị rơi rụng dọc hành trình).
Điều này dẫn tới giả thiết số tên lửa “bỗng dưng biến mất” gặp trục trặc kỹ thuật ngoài ý muốn hoặc chúng đã bị hệ thống phòng không của Syria đánh chặn. Unz Review lưu ý rằng khả năng tên lửa trục trặc kỹ thuật rất khó xảy ra bởi kể từ khi tên lửa Tomahawk trình làng từ đầu những năm 1990, tỷ lệ hỏng hóc chỉ là 5%. Trong khi theo số liệu trên, xác suất hỏng hóc lên tới 40% (theo tính toán của Nga là 36 tên lửa thì còn cao hơn).
Do vậy, Unz Review nhận định khó có khả năng đây là một sự cố ngẫu nhiên. Các tên lửa Tomahawk được bắn đi thường bay bám sát mặt đất trong hành trình khiến chúng hầu như trở nên vô hình trước các hệ thống radar trên mặt đất.
Mặt khác, theo các nguồn tin được biết Nga không có sự hiện diện của máy bay cảnh báo sớm trên bầu trời Syria vào thời điểm trên để giúp các hệ thống phòng không quy ước đánh chặn các tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Và bởi thế, Unz Review cho rằng cách giải thích khả dĩ nhất là sự hiện diện của một hệ thống tác chiến điện tử của Nga trong vùng phụ cận của căn cứ không quân Shayrat của quân đội Syria - vốn là mục tiêu đòn tập kích tên lửa Tomahawk của Mỹ hôm 7/4.
Giả thiết này phù hợp với thực tế rằng trong hành trình bay đến mục tiêu, các tên lửa Tomahawk của Mỹ đã bị tác động trong chừng mực nào đó, khiến chúng bị chệch khỏi đường bay đã định và rơi xuống đất trước khi chạm đến đích phải đến.
The Atlantic (Mỹ) đã vạch ra 7 hệ lụy từ cuộc tấn công tên lửa Tomahawk vào Syria và bình luận rằng ông Trump đã phát động một dạng tấn công quân sự nổi tiếng với sự chế nhạo của tổng thống George W. Bush khi bắn một quả tên lửa trị giá 2 triệu USD vào một túp lều giá 10 USD hoặc bắn vào một con lạc đà trên sa mạc.
Đó chỉ là một động thái cảnh báo chứ không mang tính thúc ép, khuất phục. Nó tạo điều kiện cho lãnh đạo Syria và Nga một loạt các lựa chọn về việc đáp trả ra sao và rất có thể sẽ đưa Mỹ dấn vào những bước đi rủi ro tiềm tàng sắp tới mà tổng thống Trump đã không hình dung nổi hoặc không có ý định, The Atlantic cảnh báo.
Tuy nhiên, thật may mắn là Nga đã nối lại bản ghi nhớ về phòng chống sự cố và đảm bảo an toàn hàng không trên bầu trời Syria, quyết định này đã được thông qua sau chuyến thăm chính thức tới Nga của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.
Nga đã quyết định đình chỉ Bản ghi nhớ với Mỹ vào ngày 7/4, sau khi Mỹ tấn công tên lửa nhằm vào căn cứ không quân Syria. Khi đó, thư ký báo chí của tổng thống Nga - ông Dmitriy Peskov đã tuyên bố bản ghi nhớ đã mất đi ý nghĩa. Mặc dù ông lưu ý rằng, Nga và Mỹ vẫn có khả năng kỹ thuật để trao đổi thông tin về các cuộc không kích trên địa bàn Syria.
Sau cuộc hội đàm với ông Tillerson, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, tổng thống Putin đã tuyên bố Matxcơva sẵn sàng nối lại biên bản ghi nhớ nếu Washington tái khẳng định mục tiêu chống khủng bố.
Biên bản ghi nhớ về phòng chống sự cố và đảm bảo an toàn hàng không trên bầu trời Syria đã được Nga và Mỹ ký kết vào tháng 10/2015. Theo văn kiện này quân đội Nga và Mỹ có thể trao đổi trực tiếp thông tin tình báo nhằm tránh các va chạm ngoài ý muốn giữa lực lượng không quân hai bên.
Sputnik dẫn lời Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Dự báo Nga Nikita Danyuk bày tỏ quan điểm: “Hóa ra, quyết định của Matxcơva chấm dứt sự hợp tác về vấn đề này khiến cho Washington phải cảm thấy đau đớn”.
Ông Danyuk nhận định: "Quyết định nối lại biên bản ghi nhớ là một dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng, Mỹ sẽ không còn có bất kỳ hành động có ý trấn áp Syria. Chắc Mỹ đã nhận thức được rằng, nếu không có sự phối hợp với Nga thì các hành động chống lại những kẻ khủng bố ở Syria chỉ đơn giản không có tác dụng. Nếu duy trì tâm trạng tiêu cực trong quan hệ với Nga thì có thể làm trầm trọng thêm tình hình và Mỹ sẽ là người thua cuộc. Theo ý kiến của tôi, nếu Mỹ tiếp tục thực hiện những hành động khiêu khích như vậy thì tất nhiên không thể có những mối quan hệ đáng tin cậy, và liên minh chống khủng bố sẽ không có tiềm năng”.