18.000 người tàn tật suốt đời vì căn bệnh từng bị lãng quên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Được mệnh danh là “căn bệnh bị lãng quên”, bệnh phong không không chỉ để lại gánh nặng bệnh tật lớn cho gia đình và xã hội mà còn khiến 18.000 người tàn tật suốt đời.
Lễ trao tặng thuốc điều trị bệnh phong của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho chương trình phòng, chống phong quốc gia (Ảnh - Minh Thuý)
Lễ trao tặng thuốc điều trị bệnh phong của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho chương trình phòng, chống phong quốc gia (Ảnh - Minh Thuý)

Đây là ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương – đưa ra tại lễ trao tặng thuốc điều trị bệnh phong của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho chương trình phòng, chống phong quốc gia diễn ra vào chiều nay, ngày 26/3 tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.

200 người mắc phong mới mỗi năm

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thường, bệnh phong là bệnh hiếm gặp và từng bị lãng quên. Hậu quả do bệnh phong để lại vô cùng nặng nề. Người mắc bệnh phong sẽ phải đối mặt với nguy cơ tàn tật nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Thống kê cho thấy, tính đến năm 2015, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã được công nhận loại trừ bệnh phong. Tuy nhiên các ca mắc phong mới vẫn xuất hiện trở lại với bệnh cảnh lâm sàng khó và không điển hình. Trong năm 2018, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã phát hiện gần 20 ca bệnh mới và rất khó chẩn đoán nếu như không có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm với xét nghiệm hỗ trợ đặc thù.

Hiện tại, số lượng bệnh nhân được quản lý trong cộng đồng vẫn còn khoảng 10.000 ca. Số bệnh nhân phong mới phát hiện mỗi năm 100-200 ca. Số bệnh nhân phong mới ngày một giảm nhưng tỷ lệ tàn tật độ 2 tăng cao - lên đến 18.000 người.

PGS.TS. Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

PGS.TS. Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương (Ảnh - Minh Thuý)

Trước thực trạng này, chương trình chống phong Việt Nam đã đặt mục tiêu 100% bệnh nhân mắc bệnh phong mới được phát hiện khi chưa có tàn tật và được điều trị kịp thời. Đây là mục tiêu tưởng chừng như đơn giản nhưng vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều ban ngành và các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là vai trò của WHO.

Trước đây, nguồn kinh phí hoạt động Chương trình phong phần lớn phụ thuộc nhiều vào nguồn kinh phí quốc gia và các tổ chức phi chính phủ. Nhưng từ nhiều năm nay, các nguồn kinh phí này liên tục bị cắt giảm. Tuy nhiên, chương trình phòng chống phong quốc gia vẫn nhận được sự hỗ trợ từ rất nhiều củaWHO , đặc biệt là thuốc điều trị bệnh nhân phong được cấp hoàn toàn miễn phí. Đây là hoạt động vô cùng quan trọng góp phần vào sự thành công của chương trình, giảm thiểu tàn tật độ 2 cho bệnh nhân mắc bệnh phong.

Cùng với đó, chương trình phòng chống phong còn tích cực tuyên truyền giáo dục y tế, phòng chống tàn tật và chống kỳ thị với bệnh nhân phong. Các hoạt động này vẫn đang được triển khai để giúp mỗi người dân hiểu và nhận thức đúng về bệnh phong.

3.000 vỉ thuốc được trao tặng để chấm dứt bệnh phong

Tại buổi lễ, WHO đã trao tặng cho chương trình phòng, chống phong quốc gia với đơn vị trực tiếp tiếp nhận là Bệnh viện Da liễu Trung ương 3.000 vỉ thuốc phong, và 20.000 viên lampren.

Việc hỗ trợ thuốc cho bệnh nhân phong là một việc làm vô cùng quan trọng giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm và tình trạng tàn tật của bệnh nhân và giảm gánh nặng bệnh tật cho gia đình cùng xã hội. Đây là điểm mấu chốt làm nên sự thành công của chương trình phòng, chống phong quốc gia.

WHO trao tặng 3.000 vỉ thuốc phong cho chương trình phòng, chống phong quốc gia (Ảnh - Minh Thuý)

WHO trao tặng 3.000 vỉ thuốc phong cho chương trình phòng, chống phong quốc gia (Ảnh - Minh Thuý)

Thực tế, hầu hết bệnh nhân phong đang sống trong các khu điều trị đều không có gia đình. Bởi họ đều là những người tàn tật do bệnh phong. Mặc dù được chính quyền và ngành y tế hết sức quan tâm nhưng những mặc cảm bệnh tật và kỳ thị từ xa xưa vẫn là nỗi ám ảnh của họ.

Vì vậy, mục tiêu chính của hoạt động phòng, chống bệnh phong trong thời gian tới là triển khai các biện pháp giảm kỳ thị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong, đồng thời, tuyên truyền để người dân tự phát hiện sớm bệnh phong.

Các bác sĩ ở Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo: Những dấu hiệu phát hiện bệnh phong sớm gồm:

- Tổn thương da thay đổi màu sắc (trắng, thẫm, hồng…) hoặc các mảng đỏ, u da kèm theo có rối loạn/giảm mất/cảm giác (nóng, lạnh, đau, xúc giác), bề mặt tổn thương thường khô, bóng.

- Dáy tai dày, bóng, rụng lông mày

- Tê bì, mất cảm giác tay, chân.

Khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu này, người dân phải tới ngay các cơ sở chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.