Su-35 và S-400 Trung Quốc sẽ tạo mối đe dọa to lớn cho Mỹ

VietTimes -- Một khi xảy ra xung đột ở khu vực, Trung Quốc có thể triển khai hai loại vũ khí này ở các khu vực nhạy cảm, làm mất ưu thế trên không của Mỹ. Hơn nữa, việc Trung Quốc và Nga đang "hợp tác chiến lược" càng tạo mối đe dọa cho Mỹ.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Sina
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Sina

Trang tin quân sự Sina Trung Quốc ngày 31/3 cho hay, mới đây Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo của Ủy ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung, cho biết vũ khí trang bị hiện đại do Nga cung cấp cho Trung Quốc thời gian qua có thể tạo ra mối đe dọa cho ưu thế trên không của Mỹ.
Trước đó, Nga xác nhận, năm 2018 sẽ xuất khẩu tới 6 hệ thống phòng không S-400 cho Trung Quốc. Tháng 12/2016 Trung Quốc đã nhận được 4 trong số 24 chiếc máy bay chiến đấu Su-35. Hiện nay, phi công Trung Quốc đang được huấn luyện tại Nga để chuẩn bị lái máy bay Su-35.
Báo cáo cảnh báo, hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất thế giới hiện nay S-400 và máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Su-35 mà Nga bán cho Trung Quốc sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Mỹ.
Một số chuyên gia quân đội Mỹ cho rằng, những vũ khí trang bị Nga này tiên tiến hơn nhiều so với loại do Trung Quốc tự chế tạo. Một khi nổ ra xung đột với các kẻ thù tiềm tàng như Mỹ thì chúng sẽ tăng khả năng tác chiến cho Trung Quốc. Những trang bị này cũng có thể đẩy nhanh tốc độ tự nghiên cứu phát triển vũ khí tiên tiến của Trung Quốc.
Hiện nay, dư luận vẫn nhận định Trung Quốc mua máy bay chiến đấu Su-35 là để sao chép, để có được động cơ 117S và radar Ibris-E hay dùng để "quá độ" trước khi máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc hình thành sức chiến đấu.

Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Nga. Ảnh: Sina
Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Nga. Ảnh: Sina

Có quan điểm cho rằng trước khi máy bay chiến đấu tàng hình J-31 Trung Quốc đi vào hoạt động, Trung Quốc sẽ dùng Su-35 để đối phó máy bay chiến đấu tàng hình F-35A mà Nhật Bản và Hàn Quốc mua của Mỹ, cùng với F-35B của Mỹ triển khai ở khu vực Đông Bắc Á.
Hiện nay, số lượng máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc đi vào hoạt động còn chưa nhiều, việc hình thành sức chiến đấu còn phải có thời gian. Điều quan trọng hơn là máy bay này còn có nhiệm vụ nặng nề hơn.
Những nhiệm vụ này bao gồm: Một là tập trung đối phó máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Mỹ. Hai là đối phó với các loại máy bay “nhân lên sức mạnh chiến đấu” của quân đội Mỹ như máy bay tiếp dầu và máy bay cảnh báo sớm trên không.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đặt mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Nga cho biết hệ thống này rất tiên tiến, có thể tiến hành đánh chặn tập trung mọi phương hướng, đối tượng đánh chặn bao gồm máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến thuật.
S-400 có thể tăng mạnh khả năng chống can thiệp và chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc. Nhưng, hệ thống S-400 mặc dù rất tiên tiến như tuyên truyền, nhưng nếu không có tên lửa đất đối không tầm siêu xa 40N6 thì việc Trung Quốc nhập khẩu nó cũng không có nhiều ý nghĩa.
Bởi vì, tầm bắn của tên lửa đất đối không 40N6 nghe nói có thể đạt 400 km. Điều này có ý nghĩa quân sự quan trọng so với các hệ thống phòng không S-300PMU1/2 và HQ-9.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ đã triển khai ở khu vực Đông Bắc Á. Ảnh: Sina
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 Mỹ đã triển khai ở khu vực Đông Bắc Á. Ảnh: Sina

Điều đáng tiếc là hiện nay hệ thống phòng không S-400 do quân đội Nga trang bị cũng không lắp tên lửa 40N6. Bởi vì loại tên lửa này còn đang thử nghiệm, lúc nào thực sự đi vào hoạt động vẫn còn chưa rõ.
Theo thỏa thuận đạt được giữa Trung Quốc và Nga, Nga sẽ bắt đầu bàn giao 4 tiểu đoàn hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc từ năm 2017, 2 tiểu đoàn còn lại sẽ hoàn thành bàn giao vào năm 2018.
Trong khi đó, việc bàn giao máy bay chiến đấu Su-35 đã được bắt đầu vào cuối năm 2016, năm 2017 sẽ bàn giao phần lớn. Số nhỏ còn lại sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ vào nửa đầu năm 2018.
Tức là đến cuối năm 2017, bất kể tên lửa S-400 hay máy bay Su-35 Trung Quốc mua của Nga phần lớn sẽ đi vào trạng thái huấn luyện, thậm chí cũng sẽ có một bộ phận hình thành khả năng tác chiến.
Về chức năng, hệ thống tên lửa S-400 có thể đồng thời ngắm chuẩn 72 mục tiêu và tấn công 36 mục tiêu trong số đó. Bất kể là mục tiêu ở 30.000 m trở lên hay mục tiêu siêu thấp 5 m, chỉ cần trong khoảng cách 400 km thì đều sẽ bị tiêu diệt.
Trong khi đó, máy bay chiến đấu Su-35 có bán kính tác chiến là 1.600 km, radar Ibris-E của Su-35 có thể phát hiện được mục tiêu diện tích mặt cắt 0,01 m2 ở phạm vi ngoài 90 km. Tức là radar này có thể phát hiện được F-22 hoặc ít nhất là F-35 ở ngoài cự ky 90 km. Vì vậy, tên lửa không đối không tầm xa trên Su-35 có thể bắn rơi các mục tiêu này.
Hiện nay, Mỹ đã bắt đầu cảm nhận được mối đe dọa. Một khi tình hình khu vực xung quanh đột biến, Trung Quốc sẽ triển khai hệ thống tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 ở các khu vực nhạy cảm, tạo ra mối đe dọa chưa từng có cho máy bay chiến đấu tiên tiến Mỹ.

Phạm vi đánh chặn của hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga rất lớn. Ảnh: Sina
Phạm vi đánh chặn của hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga rất lớn. Ảnh: Sina

Như báo cáo của quân đội Mỹ đã đánh giá, những vũ khí này làm cho ưu thế của không quân Mỹ "đối mặt mối đe dọa", làm cho Bắc Kinh không chỉ có cơ hội tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, mà còn có thể thông qua triển khai hệ thống S-400 và máy bay Su-35 ở vùng biển xung quanh Trung Quốc, từ đó tạo ra ưu thế trên không cho mình.
Điều đáng lo ngại hơn là, một khi Mỹ quyết định can dự vào một số cuộc tranh chấp, bất kể là các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35, các máy bay ném bom chiến lược B-1 và B-2, máy bay tiếp dầu KC-135 và KC-10A, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm E-3A và E-8, máy bay trinh sát EC-135U và RQ-4 của Mỹ sẽ đều là mục tiêu tấn công của hệ thống tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu Su-35.
Trong khi đó, một khi Trung Quốc sử dụng hệ thống tên lửa S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 đạt được thành quả thì có nghĩa là đã làm suy yếu sức chiến đấu của quân đội Mỹ, từ đó sẽ làm cho quân đội Mỹ mất đi cơ hội giành chiến thắng. Điều này tạo ra hậu quả rất nghiêm trọng cho Mỹ.
Nhưng, hiện thực nghiêm trọng hơn là, dựa vào hợp tác quân sự trên, hiện đã có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Nga đang tiến hành hợp tác chiến lược, làm phức tạp hóa vai trò và vị thế của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Đây mới là hậu quả mà Mỹ không muốn nhìn thấy nhất.

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga mang theo rất nhiều vũ khí. Ảnh: Sina
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga mang theo rất nhiều vũ khí. Ảnh: Sina