Nga “bạt vía” khiến Thổ Nhĩ Kỳ làm liều

Trong cả chục nước láng giềng, chỉ một quốc gia duy nhất khiến Ankara thực sự e sợ chính là Nga. Thực tế này bắt nguồn từ lịch sử thời đế quốc Ottoman. Trong quá khứ, Ottoman từng quật ngã hoặc đánh bại tất cả các nước láng giềng hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ từ Hy Lạp cho tới Syria, trừ nước Nga.
Chiến đấu cơ Su-34 Nga tác chiến tại Syria
Chiến đấu cơ Su-34 Nga tác chiến tại Syria

Giữa thế kỷ 15, từ khi đế quốc Ottoman và đế chế Nga trở thành láng giềng tới năm cách mạng Bolshevik 1917, giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra ít nhất 17 cuộc chiến tranh. Nga chỉ là bên phát động duy nhất một cuộc chiến, còn Thổ Nhĩ Kỳ gần như thua tất cả các cuộc chiến với Nga. Vì lẽ đó, qua rất nhiều thế hệ tinh hoa Thổ Nhĩ Kỳ, đã ăn sâu nỗi sợ hãi thâm căn cố đế về Moscow.

Trên thực tế, năng lực quân sự ghê gớm của Nga thường phản ứng như một chất xúc tác trong quá trình hình thành đế quốc Ottoman và chính sách của Thỗ Nhĩ Kỳ. Khi Nga chiếm bán đảo Crimea năm 1783, cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi giáo mất quyền lực vào tay Thiên chúa giáo, điều này đã kích thích Thổ Nhĩ Kỳ phương Tây hóa. Thổ cảm thấy bị Nga làm nhục đến mức quyết định chọn con đường châu Âu để đối phó Nga. Quá trình phương Tây hóa sau đó đã sản sinh ra  Mustafa Kemal Ataturk, người sáng lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.

Gần đây hơn, khi nhà lãnh đạo Stalin đòi lãnh thổ từ Thổ Nhĩ Kỳ (như eo biển Bosporus vào năm 1946), Ankara đã quyết định chọn về phe Mỹ trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Có vẻ như nỗi khiếp sợ Nga đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải làm bất cứ điều gì để đối phó với Moscow: Năm 1950, Thổ đã điều quân tới Triều Tiên xa xôi để chiến đấu nhằm thể hiện cam kết trung thành với Mỹ. Rốt cuộc, Washington đã thưởng cho Ankarra tư cách thành viên NATO vào năm 1952.

Nỗi khiếp sợ Nga ám ảnh như một thứ xúc tác chính đối với các động thái chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trong hàng trăm năm qua. Đó cũng là lý do tại sao Ankara liều bắn hạ máy bay Nga, vốn chỉ vi phạm không phận nước này trong khoảnh khắc rất ngắn (trong 17 giây - phía Nga bác bỏ cáo buộc này).

Với tư cách cường quốc quân sự, Nga được cho là đã vi phạm không phận của nhiều thành viên NATO từ  Estonia đến Anh, nhưng không nước nào bắn hạ máy bay Nga. Gần hơn, Nga không phải quốc gia duy nhất xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên vi phạm không phận lẫn nhau, nhưng Thổ không bắn hạ máy bay Hy Lạp.

Nói cách khác, có điều gì đó không ổn trong quyết định bắn hạ máy bay Nga của Thổ Nhĩ Kỳ: Việc này không phải tâm tính quen thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng không điển hình cho một phản ứng của NATO. Hơn nữa, với nỗi ám ảnh mang tính lịch sử, Ankara phải biết rõ rằng sự cố này có thể dẫn tới một cuộc xung đột quân sự với Nga mà Thổ Nhĩ Kỳ không thể thắng.

Tâm thế hung hăng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga có thể giải thích qua cuộc chiến tại Syria, nơi Ankara và Moscow thực thi những chính sách hoàn toàn mâu thuẫn. Kể từ năm 2011, chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria chỉ có một tiền đề: Lật đổ chế độ Assad. Nga trái lại, hậu thuẫn Assad thành công. Do đó, chính sách đối với Syria của Ankara đã thất bại còn Moscow đang thắng lợi.

Với sự hậu thuẫn Assad của Nga tại Syria, rõ ràng chế độ của ông sẽ không sụp đổ. Ankara không nuốt trôi thất bại này, nhưng thực tế Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải hạ thấp cường độ chính sách đối với Syria.

Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria hiện nay nhằm bảo đảm cho Ankara có được một ghế khi đàm phán về tương lai Syria. Việc này chỉ có thể diễn ra nếu các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng tiếp tục duy trì được các khu vực chiến lược ở phía tây bắc Syria. Khu vực này gần đây bị Nga không kích liên tục. Các cuộc tấn công như vậy có đe dọa đánh bật các nhóm phiến quân, và đồng thời hủy hoại chính sách của Thỗ Nhĩ Kỳ.

Chính nỗi sợ hãi bị các cuộc tấn công của Nga loại khỏi Syria các nhóm phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã thúc ép Thổ Nhĩ Kỳ trở nên hiếu chiến chống Nga và dẫn tới vụ bắn hạ máy bay Su-24 cực kỳ nhạy cảm. Vấn đề hiện nay là: Moscow sẽ phản ứng thế nào? Trong khi Nga là nước láng giềng duy nhất Ankara thật sự sợ hãi, Nga coi Thổ Nhĩ Kỳ như một mối phiền toái mang tính lịch sử không thể cho phép xen vào và phá vỡ các mục tiêu của mình. Cho đến này, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và thủ tướng Ahmet Davutoglu vẫn cương quyết không chịu xin lỗi.

Vụ bắn hạ Su-24 Nga đã được Thổ Nhĩ Kỳ dàn dựng cộng phu từ trước
Vụ bắn hạ Su-24 Nga đã được Thổ Nhĩ Kỳ dàn dựng cộng phu từ trước

Sắp tới, Nga có thể phát động một loạt các đòn trả đũa mới nhằm vào Ankara. Nga sẽ tăng cường tấn công dữ dội các mục tiêu ở khu vực tây bắc Syria nhằm diệt trừ các nhóm phiến quân do Thổ hậu thuẫn. Ông Putin hiện nay muốn quét sạch các nhóm phiến quân khỏi Syria, một kịch bản có nghĩa là sự thất bại hoàn toàn đối với chính sách của Ankara về Syria. Nó cũng có thể tạo ra một làn sóng người tị nạn mới, chồng chất thêm gánh nặng gần 2,5 triệu người tị nạn hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga cũng có thể dùng chiến tranh phi đối xứng chống Ankara. Thật không may cho Thổ Nhĩ Kỳ,  bao gồm cả việc hỗ trợ cho Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Thổ đang phải đối phó. Nga có thể chuyển giao vũ khí cho PKK thông qua đại diện người Kurd tại Syria là Đảng Đoàn kết dân chủ (PYD) đang nhắm mục tiêu chiếm giữ khu vực dài 60 dặm (hành lang Jarablus–Azaz corridor) dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ để kết nối với hai khu vực khác do họ làm chủ ở phía bắc Syria. Sự hỗ trợ của Nga sẽ cho phép PYD thiết lập một khu vực dài 400 dặm tiếp giáp với khu vực của PKK ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hậu thuẫn của Moscow.

Nếu khủng hoảng Nga-Thổ tiếp tục leo thang, điều đó sẽ có động lực phân nhánh: Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phản ứng với hành động của Nga với một động thái lịch sử tiềm tàng.

Washington cần chuẩn bị trước những bước tiếp theo của Thỗ Nhĩ Kỳ. Sau hàng thập kỷ cố gắng trở thành một tay chơi quyền lực tại Trung Đông, Ankara hiện nay đã cảm thấy tự tin khi là thành viên NATO để đối phó với uy hiếp của Nga, xích lại gần Mỹ hơn.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cố gắng trả đũa Nga, leo thang chiến tranh tại Syria, bằng cách đưa các lực lượng ủy nhiệm sang Trung Á, Chechnya và Bắc Caucasus để chống Nga tại Syria. Chính sách này có thể nhận được sự hưởng ứng từ lực lượng dân tộc chủ nghĩa và các thiết chế Hồi giáo trong chính quyền Erdogan-Davutoglu tại Ankara.

* Bài viết của tác giả Soner Cagaptay, giám đốc chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington về chính sách Cận Đông, tác giả của cuốn “Sự nổi lên của Thổ Nhĩ Kỳ: Cường quốc Hồi giáo đầu tiên trong thế kỷ 21”.

Theo QPAN