Đại sứ Trung Quốc: Phán quyết Biển Đông chắc chắn gây xung đột, đối đầu

VietTimes --Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, được AFP trích dẫn tuyên bố các phán quyết của Tòa Trọng tài chỉ là một «tờ giấy đáng vứt bỏ» và khẳng định quyền của Bắc Kinh thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ nóí chắc chắn sẽ gia tăng xung đột, đối đầu...
Trực thăng cánh xoay V-22 "ưng biển" cất cánh từ tàu sân bay Mỹ
Trực thăng cánh xoay V-22 "ưng biển" cất cánh từ tàu sân bay Mỹ

Theo Daily Beast, các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn chưa thừa nhận rằng Trung Quốc đang ngày càng trở nên chống đối Mỹ theo hướng không thể cứu vãn được, nhưng thực tế đã khẳng định điều đó.

Vào ngày 12/7, một ủy ban triệu tập bởi tòa án quốc tế The Hague đưa ra phán quyết về vụ kiện Philippines với Trung Quốc, điều này quyết định địa vị pháp lý của một chuỗi các đảo, đá nửa nổi nửa chìm ở Biển Đông.

Mỹ không phải là một bên trong vụ tranh chấp này nhưng Mỹ trong nhiều tuần qua đã trở thành mục tiêu chỉ trích không ngừng của Trung Quốc và quan hệ Trung- Mỹ đã bị ảnh hưởng, có lẽ sẽ trong khoảng một thế hệ.

Bản đồ chính thức của Trung Quốc chiếm khoảng 85% diện tích Biển Đông với “đường lưỡi bò” 9 (hoặc 10) đoạn. Các quan chức Trung Quốc không bao giờ đưa ra mức độ của yêu cầu, chỉ khăng khăng tuyên bố rằng tất cả các đảo, đảo san hô, bãi cát ngầm, bãi đá ngầm và các thực thể khác trong biên giới “đường chín đoạn” của mình thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc tranh chấp vùng biển với Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.

Hơn nữa, đường lưỡi bò tham lam này còn “liếm” vào một phần của vùng thềm lục địa Indonesia, nằm trong vùng từ 12 đến 200 hải lí tính từ bờ biển Indonesia. Chính quyền Tổng thống Benigno Aquino đã khởi kiện những hành động hiếp đáp của Trung Quốc vào năm 2013, như là một bên ký kết vào Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Yêu sách của Trung Quốc quá ngang ngược, bao gồm cả các thực thể xa bờ và gần bờ của các quốc gia khác và không thể được điều chỉnh dưới bất kỳ tập quán quốc tế nào hay UNCLOS.

Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước vào năm 1996, nhưng lại diễn giải công ước theo cách riêng của mình, và Bắc Kinh đã một  mực bác bỏ Trung Quốc đã bác bỏ vụ kiện của Philippines. Trung Quốc khăng khăng cho rằng tòa án không có thẩm quyền giải quyết vấn đề, nhưng tòa án quốc tế cuối tháng 10 năm ngoái đã quyết định rằng sẽ ra phán quyết 7 trong 15 vấn đề mà Manila đưa ra. Trung Quốc đã không tham gia vào phiên điều trần các vấn đề quan trọng này.

Tờ Daily Beast ghi nhận, Trung Quốc đã chỉ trích tất cả các bên có liên quan đến vụ kiện, nhưng những ngôn từ hằn học và thù địch nhất được dành cho một quốc gia không phê chuẩn UNCLOS và không có tuyên bố chủ lãnh thổ nào ở châu Á (ám chỉ Mỹ).

Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ luôn thường trực tại Biển Đông đề phòng bất trắc
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ luôn thường trực tại Biển Đông đề phòng bất trắc

“Các quan chức cấp cao Mỹ đã khuấy động vấn đề Biển Đông vào mọi dịp có thể”, tờ Daily beast trích một bài xã luận ngày 6/7 trên tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo cơ quan ngôn luận của đảng cộng sản Trung Quốc. Những quan chức này đã thúc đẩy mạnh mẽ Philippines và các nước  khác đứng lên và gây rắc rối cho Trung Quốc”, Nhân dân Nhật báo chỉ trích.

Do đó theo Trung Quốc, sẽ không có bất kỳ tranh chấp nào nếu không phải là do Mỹ. Mỹ “sử dụng Biển Đông như một đòn bẩy để thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình. Điều này đã khiến những căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông”. Thông điệp chống Mỹ hiện đã trở thành một phần của chiến dịch tuyên truyền quốc tế của Trung Quốc, Daily Beast đánh giá.

“Ở Trung Quốc, ngày càng nhiều người tin rằng Mỹ đứng sau các quốc gia đang phá hoại lợi ích của Trung Quốc”, bà Phó Oánh – từng là nhà ngoại giao và giờ là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nước này– đã phát biểu như vậy tại Chatham House ( Viện nghiên cứu quốc tế hoàng gia Anh) tại London cùng ngày với bài xã luận của tờ Nhân dân Nhật báo. Bà và những người khác đã đi quanh thế giới trong vài tuần để truyền đi thông điệp chống đối Mỹ. Và những lời đe dọa đã trở thành một phần của chiến dịch. “Cho dù Trung Quốc không thể sánh với quân đội Mỹ trong ngắn hạn, nhưng nước này có thể khiến Mỹ phải trả giá nếu như Mỹ tiếp tục can thiệp vào tranh chấp Biển Đông bằng vũ lực". Tờ Hoàn Cầu đã cảnh báo như vậy mới đây.  

Những người bênh vực Trung Quốc cho rằng những lời đối kháng đó không phải của chính quyền, bởi tờ Hoàn Cầu là ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, có giọng điệu sặc mùi dân tộc chủ nghĩa không được coi là “chính thống”, cho dù chính Nhân dân Nhật báo cũng nói rất mạnh điều tương tự: “Một khi ai đó đi quá xa, họ sẽ phải trả giá”, tờ báo có quyền lực nhất Trung Quốc đã viết như vậy, ám chỉ Mỹ sau khi cảnh báo nước này về “giới hạn cuối cùng” của Trung Quốc.

Đối với sự an toàn của lãnh đạo Trung Quốc, sẽ không có dư địa cho sự thỏa hiệp về vấn đề chủ quyền nào trong những ngày này cả, và điều đó khiến cộng đồng quốc tế lo lắng.

Rất nhiều người suy đoán rằng Trung Quốc sẽ đả kích khi phán quyết được công bố (thực tế diễn ra đúng như vậy). Trung Quốc có thể tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, tái diễn việc nước này đã thực hiện trên Biển Hoa Đông vào tháng 11/2013. Nếu vùng AIDZ mới này bao gồm cả không phận của các quốc gia khác, lời tuyên bố sẽ là lời đe dọa trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như tác động đến tự do hàng hải.

Cuộc tấn công vào những thông lệ toàn cầu của Trung Quốc sẽ là một thách thức rõ ràng với Mỹ. Nếu Mỹ có bất kỳ chính sách đối ngoại nhất quán nào trong hơn hai thế kỷ, đó sẽ là chính sách bảo vệ vùng biển và vùng trời quốc tế. Thậm chí khiêu khích hơn là Trung Quốc sẽ bắt đầu bồi lấp Scarborough, biến bãi cạn này thành một tiền đồn quân sự.

Trung Quốc năm 2012 đã chiếm thực thể này dù nó chỉ cách bờ biển của Philippines 124 hải lí. Sau đó nước này vi phạm thoả thuận do Mỹ làm trung gian, Bắc Kinh đã không rút người và tàu của họ khỏi Scarborough, từ lâu đã được coi là của Philippines.

Chính quyền Obama, với hi vọng tránh đối đầu, đã không làm găng trong việc thực thi thoả thuận này và Trung Quốc được khuyến khích bởi thành công dễ dàng này, đã tăng cường áp lực lên một thực thể khác của Philippines, Bãi Cỏ Mây.

Việc cải tạo bãi cạn Scarborough, thực thể bảo vệ Manila và Vịnh Subic, sẽ tạo nên sự chiếm giữ lâu dài của Trung Quốc và chứng tỏ quyết tâm tuyệt đối của nước này nhằm kiểm soát Biển Đông. Do đó, đây sẽ là sự đáp trả lí tưởng với phán quyết của toà án quốc tế, theo quan điểm từ phía Trung Quốc.

Cho đến nay, Trung Quốc đã cử các tàu khảo sát đến bãi cạn, bước đầu tiên trong kế hoạch xây dựng đảo. Đáp lại điều đó, 4 chiếc máy bay tấn công A-10 của Lực lượng không quân Mỹ đã bay qua bãi cạn Scarborough vào tháng 4/2016 với nhiệm vụ “trinh sát lĩnh vực hàng không và hàng hải”.

Mỹ đã điều chiến đấu cơ tấn công cự ly gần A-10 tới đồn trú tại Philippines
Mỹ đã điều chiến đấu cơ tấn công cự ly gần A-10 tới đồn trú tại Philippines

Một động thái khác của Trung Quốc có thể là đuổi Philippines ra khỏi Bãi Cỏ Mây. Hải quân Philippines đang chốt giữ địa điểm này trên một con tàu cũ nát nhằm đánh dấu chủ quyền của Philippines, nhưng tiền đồn này hiện lại bị bao vây bởi các tàu Trung Quốc, giống như ở Scarborough 4 năm trước.

Năm ngoái, Mỹ đã kiên quyết tạo áp lực với Trung Quốc để ngăn chặn nước này sử dụng vũ lực trên Biển Đông. Một cuộc thử nghiệm của Trung Quốc về quyết tâm của Mỹ sẽ sớm diễn ra vì Trung Quốc, sau khi đưa ra những lời tuyên bố công khai đã không thể rút lui được nữa. Trung Quốc có thể trì hoãn thách thức này đến khi Mỹ bận rộn ở một nơi khác đã, nhưng Trung Quốc vẫn không chấp nhận thỏa hiệp về lâu về dài.

Do đó thách thức này, dù là bây giờ hay sau này cũng vẫn sẽ diễn ra. Và nguy hiểm sẽ lớn hơn những gì Mỹ tưởng tượng. Vào cuối tháng 3, tờ New York Times đã thuật lại lời của Gen. Joseph Dunford- chủ tịch hội tham mưu trưởng- đã hỏi Đô đốc Harry Harris – Tổng chỉ huy tư lệnh Thái Bình Dương- tại Lầu Năm Góc rằng: “Liệu quân đội có định khai chiến ở bãi cạn Scarborough không?”. 

Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường trực La Haye đã làm cho Trung Quốc tức tối. Ngày 13/7, Bắc Kinh lên tiếng đe dọa nguy cơ xung đột xảy ra tại Biển Đông và tuyên bố có quyền thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại vùng biển này.

Theo thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, được AFP trích dẫn tuyên bố các phán quyết của Tòa chỉ là một «tờ giấy đáng vứt bỏ» và khẳng định quyền của Bắc Kinh thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Vẫn theo quan chức này, việc thiết lập vùng phòng không ở đây chỉ còn tùy thuộc vào mức độ đe dọa nhắm với Trung Quốc. Năm 2013, Trung Quốc đã lập vùng phòng không bao phủ một khu vực rộng lớn ở biển Hoa Đông, giữa Hàn Quốc và Đài Loan. Dự án này đã bị công luận quốc tế lên án.

Ngay sau đó, Bắc Kinh còn công bố Sách Trắng tái khẳng định tính chính đáng của cái gọi là "các quyền lịch sử" của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.

Trung Quốc vẫn lập luận rằng Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên và khai thác khu vực Biển Đông và điều này thể hiện qua bản đồ «đường 9 đoạn». Tuy nhiên, Tòa Trọng tài Thường trực đã cho rằng bản đồ này không có cơ sở pháp lý.

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cáo buộc các phán quyết của Tòa Trọng tài phá hoại hoặc làm suy giảm quyết tâm của các nước muốn tiến hành đàm phán hoặc tham khảo với Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp. Theo đại sứ Thôi, phán quyết của Tòa Trọng tài «chắc chắn gia tăng xung đột, thậm chí đối đầu» tại Biển Đông.