Xung đột toàn cầu có thể khiến lãi suất duy trì ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tranh chấp hay xung đột quốc tế có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung hàng hóa quan trọng, làm tăng thêm khả năng lạm phát kéo dài.

im-881026.jpg
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas có nguy cơ gây ra xung đột rộng hơn trên khắp khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ (Ảnh: Getty)

Trong thời kỳ chiến tranh và xung đột, các nhà đầu tư từ lâu đã đổ xô vào trái phiếu kho bạc và các tài sản trú ẩn an toàn khác, khiến lãi suất giảm xuống.

Nhưng trong môi trường địa chính trị đang tan rã ngày nay, nơi các điểm nóng trên khắp thế giới có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung các mặt hàng quan trọng, giới đầu tư càng khó tìm đến nơi an toàn hơn. Điều đó giúp giải thích tại sao lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gần đây đã tăng vọt và có thể duy trì ở mức cao.

Xung đột giữa Israel và Hamas có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng hơn trên khắp khu vực Trung Đông. Một phân tích của Ngân hàng Thế giới công bố tuần trước cảnh báo rằng giá dầu có thể tăng từ khoảng 85 USD/thùng lên 150 USD/thùng trong trường hợp xấu nhất. Giá dầu cao có thể gây ra lạm phát trên diện rộng hơn, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất thêm nữa. Điều đó sẽ khiến lợi suất trái phiếu tăng và giá trái phiếu, vốn di chuyển theo hướng ngược lại, sẽ giảm.

Trung Đông không phải là một ví dụ cá biệt. Cuộc chiến ở Ukraine đã tàn phá thị trường dầu khí vào năm ngoái và vẫn gây nguy hiểm cho nguồn cung thực phẩm. Sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã dẫn đến thuế quan và các lệnh kiểm soát xuất khẩu, đồng thời xung đột trực tiếp sẽ làm gián đoạn hơn nữa dòng chảy của nhiều loại hàng hóa.

“Sự leo thang của những cuộc xung đột này hoặc sự gia tăng căng thẳng địa chính trị khác có thể làm giảm hoạt động kinh tế và thúc đẩy lạm phát trên toàn thế giới”, Fed cảnh báo trong một báo cáo tháng trước.

Trái phiếu kho bạc Mỹ "mất giá trị bảo hiểm"

Lãi suất dài hạn, do thị trường trái phiếu quy định, có nguy cơ khiến lạm phát sẽ cao hơn hoặc thấp hơn dự kiến. Giống như các công ty bảo hiểm tính phí bảo hiểm lũ lụt nhiều hơn khi xác suất xảy ra bão tăng lên, các nhà đầu tư trái phiếu tính phí cho vay cao hơn khi xác suất lạm phát tăng cao.

Các nhà phân tích cho rằng sự gia tăng lợi suất trái phiếu gần đây là do “term premium” (phần bù kỳ hạn, tức chi phí bù thêm vào lợi suất để bù đắp rủi ro lạm phát, lãi suất, thanh khoản hoặc về mặt lý thuyết là chính phủ vỡ nợ) tăng lên.

Theo các nhà kinh tế tại Capital Economics có trụ sở tại London, sự gia tăng rủi ro lạm phát chiếm một phần khá lớn trong sự gia tăng của phần bù kỳ hạn. Bên cạnh rủi ro lạm phát, nguồn cung trái phiếu, do thâm hụt của chính phủ hoặc Fed giảm lượng nắm giữ, cũng là một yếu tố khác.

Cho đến cách đây vài năm, những cú sốc kinh tế như khủng hoảng tài chính có xu hướng làm giảm lợi nhuận và giá cổ phiếu. Lạm phát cũng chậm lại, giúp trái phiếu tăng giá và lợi suất giảm. Các nhà đầu tư có thể đã chấp nhận lợi nhuận thấp hơn từ trái phiếu vì chúng đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa rủi ro khả năng cổ phiếu lỗ.

Nhưng những cú sốc về nguồn cung làm tổn hại đến lợi nhuận và làm tăng lạm phát, khiến giá cổ phiếu và trái phiếu giảm.

“Yếu tố quan trọng hơn [khiến phần bù kỳ hạn tăng] có thể là những thay đổi trong quan điểm về việc liệu trái phiếu kho bạc có phải là công cụ phòng ngừa rủi ro cho cổ phiếu hay không”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước. “Do những cú sốc gần đây phần lớn là những cú sốc về nguồn cung nên trái phiếu kho bạc đã đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa kém hiệu quả hơn”.

Lew Alexander, kinh tế trưởng tại Rokos Capital Management và là thành viên một ủy ban thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cho biết các nhà đầu tư đang ngày càng suy nghĩ về rủi ro đến từ những tác động bất ngờ đối với nguồn cung khi mua trái phiếu dài hạn.

im-881058.jpg
Binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến ở miền đông Ukraine hồi đầu tháng này. Cuộc chiến tiếp tục gây rủi ro cho nguồn cung cấp thực phẩm toàn cầu (Ảnh: Reuters)

Vấn đề địa chính trị khiến Fed đau đầu

Nghịch lý thay, đối với Fed, những lo lắng về địa chính trị có thể giúp ích trong ngắn hạn. Sự gia tăng phần bù kỳ hạn, bằng cách cộng thêm chi phí đi vay, đã cho phép họ ngừng nâng lãi suất trong cuộc họp vừa qua. Tuy nhiên, về lâu dài, những cú sốc lạm phát từ các quốc gia khác có nhiều khả năng buộc họ phải tăng lãi suất.

Các nhà kinh tế tại JPMorgan ước tính, sự thoái lui trong thương mại với Trung Quốc có thể khiến Mỹ không thể nhập khẩu hàng hoá rẻ hơn, làm tăng giá và đòi hỏi Fed phải duy trì lãi suất cao hơn tới 0,28 điểm phần trăm trong thập kỷ tới.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho biết, giới chức Fed có thể gặp khó khăn trong việc đánh giá động lực chính trị “vốn dĩ không thể đoán trước” giữa hai siêu cường.

Do tình hình ổn định lâu dài ở Trung Đông và Ukraine hiện nay nằm ngoài tầm với, các mối đe dọa địa chính trị đối với lạm phát ngày càng tăng. Trung Quốc năm nay đã thắt chặt kiểm soát xuất khẩu than chì, đất hiếm và linh kiện pin mặt trời - ba sản phẩm đóng vai trò quan trọng đối với tương lai của lượng sạch. Việc mất đi nguồn cung đó có thể làm tăng giá trong các ngành công nghiệp của Mỹ và do đó làm tăng lãi suất.

Tất nhiên, các nhà kinh tế của Fed không phải là các nhà ngoại giao. Về phần mình, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tìm cách bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi những cú sốc nguồn cung địa chính trị bằng cách ưu tiên sản xuất trong nước thông qua nhiều ưu đãi thuế và trợ cấp khác nhau.

Nhưng những bước đi đó lại mang đến rủi ro lạm phát. Việc từ bỏ công nghệ giá rẻ hơn hoặc tốt hơn từ Trung Quốc có thể làm tăng thêm chi phí năng lượng. Một số nhà kinh tế học cho rằng đầu tư vào việc chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ có thể làm tăng lãi suất và vay mượn.

Mối liên hệ giữa lãi suất và cú sốc nguồn cung là một dấu hiệu khác cho thấy sự cạnh tranh và xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng đang khiến các doanh nghiệp và giới đầu tư khó lên kế hoạch hơn.

“Đây có thể là thời điểm nguy hiểm nhất mà thế giới từng chứng kiến ​​trong nhiều thập kỷ”, CEO JPMorgan Jamie Dimon cho biết vào tháng trước. “Làm thế nào để doanh nghiệp chuẩn bị cho điều đó?”.

Theo Wall Street Journal