Xung đột tiếp tục bùng phát ở Sudan khi thỏa thuận ngừng bắn ba ngày hết hiệu lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giao chiến tiếp tục bùng phát ở Sudan sau khi lệnh ngừng bắn mới nhất do Mỹ - Arab Saudi làm trung gian hết hiệu lực. Các cuộc đấu súng diễn ra dữ dội giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF).

Theo trang Al-Jazeera, dẫn nguồn tin từ người dân địa phương cho biết, giao chiến bùng nổ ở thủ đô Sudan Khartoum trước khi thỏa thuận ngừng bắn hết hiệu lực và ở thành phố Omdurman lân cận vài phút sau khi lệnh ngừng bắn 3 ngày hết hiệu lực.

Thỏa thuận ngừng bắn - do Mỹ và Arab Saudi làm trung gian kết thúc lúc 6 giờ sáng (04:00 GMT) ngày 22/6. Lệnh ngừng bắn mang lại sự bình yên tương đối trong thủ đô Khartoum của Sudan, nhưng giao chiến ác liệt diễn ra vào đêm ngày 21, rạng ngày 22 tại nhiều khu vực thành phố.

Người dân cho biết các cuộc đụng độ tập trung xung quanh trụ sở của cơ quan tình báo gần Sân bay Quốc tế Khartoum. “Các trận chiến trong thành phố gia tăng. Tiếng súng vang khắp khu vực”, Khalid Abdel-Rahman, một người dân sống ở trung tâm thành phố Khartoum cho biết.

Sudan rơi vào nội chiến và hỗn loạn giữa tháng 4/2023 sau nhiều tháng căng thẳng gia tăng giữa các tướng lĩnh đối đầu, đấu tranh giành quyền kiểm soát đất nước. Cuộc chiến diễn ra giữa quân đội Sudan do tướng Abdel Fattah al-Burhan lãnh đạo và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh ( RSF ), một nhóm dân quân chuyển thành lực lượng bán quân sự do tướng Mohamed “Hemedti” Hamdan Dagalo chỉ huy.

Đêm ngày 21 rạng ngày 22/6, một vụ hỏa hoạn dữ dội nhấn chìm trụ sở cơ quan tình báo ở Khartoum, các bên đều cáo buộc phía bên kia đã tấn công phá hủy tòa nhà này.

Một nguồn tin trong quân đội của tướng al-Burhan cáo buộc RSF pháo kích vào tòa nhà. Một nguồn tin khác từ RSF tuyên bố, "một máy bay không người lái (UAV của quân đội đã ném bom tòa nhà nơi các chiến binh RSF tập trung, gây ra hỏa hoạn và phá hủy một phần trụ sở tình báo".

Các bên tham chiến của Sudan tiếp tục chiến đấu sau khi lệnh ngừng bắn mới nhất kết thúc. Phóng viên chứng kiến ​​người dân chạy trốn bạo lực ở Darfur của Sudan. Video Đài truyền hình Al Jazeera

Sự tàn phá “chưa từng có” diễn ra trong các thành phố

Các trận chiến trên đường phố đang diễn ra xung quanh một cơ sở quân sự ở thành phố lân cận Omdurman, theo các ủy ban kháng chiến khu vực, thành phần của mạng lưới rộng lớn hơn các nhóm nổi dậy, dẫn đầu những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trong vài năm qua.

Người dân thành phố Omdurman bên kia sông Nile từ thủ đô Sudan cho biết, các bên đã đấu pháo hạng nặng trong vòng vài phút ngay sau khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực. Máy bay chiến đấu của quân đội bay thấp trên một số huyện lân cận.

Cuộc giao chiến bùng nổ cho thấy nỗ lực kéo dài thỏa thuận ngừng bắn của Mỹ và Arab Saudi thất bại. Cả Washington và Riyadh đều đang cố gắng làm trung gian hòa giải giữa các phe tham chiến để ngăn chặn nội chiến lan rộng.

Theo các quan chức Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột bạo lực chủ yếu tập trung ở thủ đô và vùng Darfur phía tây Sudan, nơi đã diễn ra những cuộc tấn công có động cơ sắc tộc nhằm vào những cộng đồng không phải người Hồi giáo, do RSF và các nhóm dân quân đồng minh thực hiện.

Giao chiến diễn ra dữ dội ở thủ đô Khartoum Sudan. Video TNT World.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, hơn 1.100 người đã thiệt mạng chỉ riêng ở thành phố thủ phủ của bang Tây Darfur. Nhiều thi thể người thiệt mạng nằm trên đường phố el-Geneina, nhiều tháng bất ổn đã khiến các cửa hàng bị bỏ trống hoặc bị những tay súng cướp phá.

Cơ quan di cư của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, giao chiến ở Sudan đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và buộc hơn 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đến các khu vực an toàn hơn trong nước hoặc các quốc gia láng giềng. Liên Hợp Quốc cho biết, khoảng 25 triệu người, hơn một nửa dân số Sudan đang cần được viện trợ lương thực thực phẩm và bảo vệ.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gần đây đã cảnh báo: “Quy mô và tốc độ cuộc xung đột khiến Sudan rơi vào cảnh chết chóc và hủy diệt là chưa từng có. Nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế, Sudan có thể nhanh chóng trở thành tâm điểm của tình trạng vô chính phủ và không có luật pháp, gây ra tình trạng mất an ninh trên toàn khu vực”.

Theo Al Jazeera