Xung đột Armenia – Azerbaijan: cuộc chiến bi thảm của những người cố chấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau 26 năm, từ ngày 27/9, Azerbaijan và Armenia lại xảy ra chiến tranh ác liệt tại vùng Nagorno-Karabakh. Cả hai bên đều đổ lỗi cho bên kia gây ra xung đột và phải chịu mọi trách nhiệm.
Cả hai bên đã tung vào trận những loại vũ khí hiện đại. Trong ảnh, dàn phóng hỏa tiễn nhiều nòng BM-30 Smerch của Azerbaijan (Ảnh: Sohu).
Cả hai bên đã tung vào trận những loại vũ khí hiện đại. Trong ảnh, dàn phóng hỏa tiễn nhiều nòng BM-30 Smerch của Azerbaijan (Ảnh: Sohu).

Vào ngày 29/9, hai nước đã đổ lỗi cho nhau, cả hai đều xác định đối phương đang nổ súng vào mình và cả hai bên đều mạnh mẽ từ chối đàm phán hòa bình. Tổng thống Azerbaijan Aliyev khi trả lời phỏng vấn truyền thông Nga đã loại trừ mọi khả năng đàm phán. Người đứng đầu chính phủ Armenia, Nikol Pashinyan, cũng sử dụng kênh truyền hình Nga để thể hiện sự cứng rắn với Azerbaijan: khi chiến sự vẫn tiếp diễn thì không có khả năng đàm phán. Cả hai bên đều rất mạnh miệng “đánh đến cùng, xem rốt cục ai sợ ai”.

“Băng dày ba thước không phải chỉ lạnh một ngày”. Chiến tranh giữa hai quốc gia Kavkaz nhỏ bé này thực ra từ lâu đã không thể tránh khỏi.

Pháo hạng nặng của Azerbaijan tham chiến ngay từ ngày đầu tiên (Ảnh: Sohu).
Pháo hạng nặng của Azerbaijan tham chiến ngay từ ngày đầu tiên (Ảnh: Sohu).

Azerbaijan cảm thấy hổ thẹn và cảm giác cấp bách

Các nhà chức trách Azerbaijan đã không khỏi bức xúc trước sự chậm trễ trong việc lấy lại Nagorno-Karabakh - vùng lãnh thổ được luật pháp quốc tế công nhận. Trong 30 năm qua, hai nước đã tiến hành nhiều vòng đàm phán hòa bình nhưng đều không đạt được tiến bộ nào.

Bây giờ Azerbaijan dường như đã hiểu ra: nếu các cuộc đàm phán cứ trì hoãn vô thời hạn, Armenia cuối cùng sẽ được lợi. Armenia sẽ có đủ thời gian để kiểm soát "vùng Nagorno-Karabakh" và cuối cùng sẽ hoàn toàn tiêu hóa. Nói tóm lại, thời gian không đứng về phía Azerbaijan.

Tên lửa phòng không S-200 của Armenia (Ảnh: Sohu).
Tên lửa phòng không S-200 của Armenia (Ảnh: Sohu).

Sự tín nhiệm giữa hai nước đã giảm xuống mức “0”, các kênh liên lạc hiệu quả đã bị cắt đứt

 Ranh giới cuối cùng và điều kiện của Azerbaijan là Armenia phải tuân thủ bốn nghị quyết của Liên hợp quốc và rút khỏi "khu vực Nagorno-Karabakh". Còn Armenia quyết không nhả cục xương đã ngậm trong miệng, trì hoãn để chờ đợi sự thay đổi, trong khi cố gắng hết sức để gây ra thiệt hại lớn hơn cho Azerbaijan.

Tất nhiên, đối với Armenia, kết quả tốt nhất là khôi phục nguyên trạng, Azerbaijan ngừng các cuộc tấn công, và "vùng Nagorno-Karabakh" tiếp tục nằm dưới sự kiểm soát của Armenia.

Nhưng tình hình hiện nay là không có hòa giải quốc tế. Mỹ không có hứng thú gì với việc giải quyết xung đột ở khu vực này. Donald Trump, người vừa tranh luận với Joe Biden, thậm chí có thể còn không nhớ vị trí của Azerbaijan và Armenia nằm ở đâu. Hiện tại, không có cơ chế nào có thể thúc đẩy đối thoại an ninh và hòa bình; hai nước lâu nay ngoài việc chạy đua vũ trang, đang tìm kiếm chỗ dựa, tức các đối tác địa chính trị.

Video Azerbaijan công bố về hình ảnh máy bay của họ tiến công trận địa pháo của Armenia (Theo: Đa Chiều).

Các thế lực bên ngoài gây nhiễu và kích động

Dưới sự lôi kéo của các nước lớn và các cường quốc trong khu vực, dòng chảy ngầm ở Caucasus đang sôi động. Thổ Nhĩ Kỳ không sợ gây chuyện nghiêm trọng. Tổng thống Erdogan “ra lệnh” Armenia giao nộp “vùng Nagorno-Karabakh”. Ngoại trưởng của ông còn công khai tuyên bố rằng nếu Azerbaijan muốn “giải quyết được cuộc xâm lược của Armenia” trên chiến trường thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đứng về phía Azerbaijan. Phía Thổ Nhĩ Kỳ quy toàn bộ lỗi cho Armenia: Azerbaijan bị tấn công nên sử dụng các biện pháp là tất nhiên.

Mặt khác, Nga có quan hệ liên minh phòng thủ với Armenia. Giờ đây, Moscow đã có thể ngồi yên câu cá. Lãnh đạo Armenia đã nhiều lần điện thoại với Putin, cầu cứu Nga giúp đỡ, hy vọng rằng Nga sẽ hạ nhiệt tình hình và sớm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn.

Tuy nhiên, Nga dường như có những cân nhắc khác. Khu vực Kavkaz là một “hành lang năng lượng” quan trọng, việc sự ổn định bị phá hoại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá năng lượng trên thị trường quốc tế. Do dịch bệnh COVID-19, nhu cầu giảm mạnh, giá dầu quốc tế lao dốc, Nga có lẽ là nước hy vọng giá dầu tăng nhất.

Máy bay không người lái TB-2 của phía Azerbaijan - thứ trang bị lợi hại trên chiến trường (Ảnh: Sohu).
Máy bay không người lái TB-2 của phía Azerbaijan - thứ trang bị lợi hại trên chiến trường (Ảnh: Sohu).

Ở Liên hợp quốc, những quốc gia không làm được gì thì sốt sắng, còn những quốc gia có lực thì đứng ngoài nhìn. Dù cuộc chiến này giống như gà mổ nhau nhưng cũng không thiếu những điểm sáng. Mặc dù Azerbaijan và Armenia không phải là cường quốc quân sự, nhưng cuộc chiến vẫn có những nội dung mới. Khu vực Caucasus giờ đây đã trở thành nơi thử nghiệm vũ khí và chiến thuật mới, hình ảnh những chiếc máy bay không người lái phá hủy những thiết giáp hạng nặng như đang chơi game gây ấn tượng thật sâu sắc.

Cuộc chiến của những người cố chấp

Chỉ trong ba ngày giao tranh, cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề. Azerbaijan tuyên bố tiêu diệt của Armenia ít nhất 130 xe bọc thép, hơn 200 pháo, khoảng 25 hệ thống phòng không, 6 sở chỉ huy hoặc trạm quan sát, 5 kho đạn, 55 xe quân sự, v.v., gây thiệt mạng hơn 2.700 người. Armenia cũng thông báo kết quả: phá hủy 137 xe tăng và xe bọc thép, bắn rơi 72 UAV, 7 trực thăng và 1 máy bay cánh cố định của Azerbaijan.

UAV của Azerbaijan bị Armenia bắn hạ (Ảnh; Sohu).
UAV của Azerbaijan bị Armenia bắn hạ (Ảnh; Sohu).

Ngoài ra, Armenia cáo buộc Azerbaijan sử dụng các dàn pháo phản lực BM-30 Smerch và bệ phóng tên lửa TOS-1A; trong khi Azerbaijan cáo buộc Armenia sử dụng hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-21 Tocka.

Hai quốc gia đang “coi nhẹ sống chết, không phục là đánh” đồng thời cáo buộc lẫn nhau là vô nhân đạo. Có thể thấy, chiến sự bi thảm đã vượt quá sự dự liệu của cả hai bên, giờ thì cả hai nước đều phải cắn răng chịu đựng, hy vọng đối phương bỏ cuộc trước. 

(Theo Sohu).