ThS. BS. Nguyễn Đình Quân thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Da liễu Trung ương (Ảnh - Thảo Vy) |
“Xăm, phun môi thẩm mỹ không phù hợp với trẻ em”
Gần đây, thông tin và hình ảnh về một bé gái 5 tuổi được gia đình cho đi xăm môi thẩm mỹ lan truyền trên mạng xã hội đã khiến dư luận dậy sóng.
Bé gái 5 tuổi phun môi thẩm mỹ khiến dư luận dậy sóng (Ảnh trên mạng) |
Trao đổi với PV VietTimes về việc làm đẹp cho trẻ nhỏ, ThS. BS. Nguyễn Đình Quân – Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương – nhấn mạnh: “Theo tôi, việc xăm môi thẩm mỹ là không phù hợp với trẻ em. Ở trẻ nhỏ, niêm mạc môi mỏng, hình dáng môi chưa phát triển đầy đủ nên nguy cơ tạo sẹo cao hơn người trưởng thành. Mặt khác, trẻ em là đối tượng nhạy cảm hơn với các biến chứng và khi gặp biến chứng thì thường nặng nề hơn và để lại hậu quả lâu dài hơn. Có những biến chứng có thể khắc phục được, tuy nhiên có những biến chứng không thể khắc phục và để lại di chứng suốt đời. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ sau này. Vì thế tôi hoàn toàn phản đối việc phun, xăm môi cho trẻ”.
Hiện, luật pháp chưa có quy định nào hướng dẫn việc thực hiện các can thiệp thẩm mỹ cho trẻ. Do đó, việc thực hiện các can thiệp thẩm mỹ chỉ nên được chỉ định đối với các trường hợp có các khiếm khuyết bẩm sinh gây ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý và thẩm mỹ của trẻ. Ví dụ như thủ thật laser đối với các bớt sắc tố, bớt rượu vang, hay phẫu thuật thẩm mỹ trong các trường hợp khe hở môi vòm, khe hở sọ mặt, sẹo xấu, hay các bớt sắc tố bẩm sinh vùng hàm mặt.
ThS. BS. Nguyễn Đình Quân – Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Ảnh - Minh Thuý) |
Theo BS. Quân, do trẻ em là đối tượng đang phát triển, cơ thể dễ bị tổn thương nên khi phun, xăm môi, trẻ có thể phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như: Nhiễm trùng tại vùng phun, môi sưng nề sau xăm môi, môi nóng đỏ, nổi mụn nhỏ li ti, tiết dịch, tiết mủ; môi ngứa rát kéo dài, xuất hiện các u hạt ở vùng môi.
Bên cạnh các biến chứng biểu hiện ra bên ngoài, việc phun, xăm môi còn tiềm tiềm ẩn nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV, viêm gan B, C, Herpes. Ngoài ra, do môi trẻ em rất mỏng và hình dáng môi chưa hoàn thiện nên khi thực hiện thủ thuật phun xăm xắn lấn sâu, môi trẻ có thể gặp các biến chứng sẹo lồi, sẹo quá phát, sẹo co kéo, làm biến dạng hình dáng của môi, rất khó có khả năng khắc phục. Thậm chí, trong quá trình ủ tê, tiêm tê, hay sử dụng mực xăm, trẻ có thể bị sốc phản vệ. Biến chứng này rất nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng của trẻ.
ThS. BS. Nguyễn Đình Quân chia sẻ về nguy cơ trẻ phải đối mặt khi xăm, phun môi thẩm mỹ (Video - Minh Thuý) |
“Các biến chứng này dễ xảy ra với trẻ em hơn vì trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm, và khi xảy ra biến chứng thì thường nặng nề hơn người trưởng thành. Các biến chứng này sẽ để lại di chứng vô cùng nặng nề về sau” – BS. Quân nói.
Mực xăm chứa kim loại nặng tiềm ẩn nguy cơ mắc ung thư
Thông tin về mực xăm được sử dụng trong phun, xăm thẩm mỹ môi, BS. Quân cho hay: Mực xăm thường có 2 thành phần là chất màu và dung môi. Trong đó, chất màu đa số có thành phần là các kim loại nặng như chì, niken, bạc, asen,… một số loại mực xăm thì chứa các thành phần màu tổng hợp từ tự nhiên. Các hợp chất này có thể gây nhiễm độc kim loại, dị ứng. Còn thành phần dung môi ngoài nước và cồn còn có thể chứa formaldehyde, chất này nếu nhiễm độc nhiều và kéo dài có thể ảnh hưởng nặng nề đến phổi, gan, thận. Nhiều chuyên gia còn cho rằng mực xăm có thể đi khắp nơi trong cơ thể và làm tăng nguy cơ bị ung thư.
Đối với trẻ nhỏ, nguy cơ nhiễm độc và dị ứng do mực xăm cao hơn người lớn vì vì cơ thể trẻ em nhạy cảm hơn và khả năng đào thải các chất này kém hơn người trưởng thành. Do đó, các biến chứng do mực xăm gây ra sẽ nặng nề hơn.
ThS. BS. Nguyễn Đình Minh – Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, tạo hình và Hàm mặt, Bệnh viện E (Ảnh - Minh Thuý) |
Đồng quan điểm với BS. Quân, ThS. BS. Nguyễn Đình Minh – Trưởng Khoa Phẫu thuật Thẩm mỹ, tạo hình và Hàm mặt, Bệnh viện E – khẳng định: “Về nguyên tắc tất cả các thủ thuật thẩm mỹ đều không được áp dụng cho người dưới 18 tuổi do chưa đủ tuổi để nhận thức về việc làm đẹp cho bản thân mình, trừ các trường hợp có dị tật gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ gây ảnh hưởng tâm lý khi hoà nhập cộng đồng như thừa ngón, sụn thừa nắp tai, khe hở môi, bớt sắc tố bẩm sinh,.. hoặc gây ảnh hưởng tới chức năng của tre như khe hở vòm gây sặc và khó phát âm thì cần phải phẫu thuật càng sớm càng tốt để trẻ có chức năng và hoà nhập cuộc sống”.
Theo BS. Minh, mực phun xăm có hai loại là loại hữu cơ (Organic) chiết xuất từ các sản phẩm thiên nhiên và loại vô cơ có chứa các oxit kim loại để giữ màu thường là oxit sắt thậm chí có chì, hàm lượng oxit kim loại càng cao thì giữ màu càng tốt. Khi cơ thể bị nhiễm lượng oxit kim loại nhỏ thì có thể tự đào thải nhưng nếu quá liều như chì, thuỷ ngân có thể gây nhiễm độc gan, thận (đặc biệt là ở trẻ em). Nếu cơ thể nhiễm lượng oxit kim loại lớn trong thời gian dài thì sẽ mắc ung thư.
Trước những biến chứng nguy hiểm và nguy cơ mắc ung thư do phun, xăm môi thẩm mỹ gây ra, BS. Nguyễn Đình Quân khuyến cáo: Ở Trẻ nhỏ da, niêm mạc còn mỏng, môi cũng như các cơ quan bộ phận cơ thể chưa phát triển hoàn thiện. Vì thế, việc can thiệp thủ thuật, phẫu thuật làm đẹp có thể ảnh hưởng làm biến dạng các cơ quan, bộ phận của trẻ.
Mặt khác, do trẻ nhỏ chưa có đủ nhận thức, năng lực hành vi để quyết định việc lựa chọn thay đổi bản thân, cũng như xu hướng làm đẹp nên gia đình cần lưu ý không cho trẻ sử dụng các biện pháp làm đẹp nếu trẻ không có các khiếm khuyết được các bác sĩ chỉ định cần can thiệp.