WHO quy tụ các chuyên gia quốc tế để tìm hiểu kỹ biến chủng "siêu đột biến" Omicron

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổ chức Y tế Thế giới đang chạy đua để hiểu rõ hơn về biến chủng mới Omicron, trong khi nhiều quốc gia đang thắt chặn biện pháp hạn chế di chuyển để đối phó.
Nhiều nước trên thế giới thắt chặn biện pháp hạn chế di chuyển để ngăn chặn biến chủng mới (Ảnh: AFP)
Nhiều nước trên thế giới thắt chặn biện pháp hạn chế di chuyển để ngăn chặn biến chủng mới (Ảnh: AFP)

Trong tuyên bố mới nhất, WHO nhấn mạnh rằng thế giới cần thêm thông tin về Omicron, biến chủng lần đầu tiên được phát hiện ở Botswana hồi đầu tháng, và nói rằng họ đang phối hợp với các nhà khoa học trên toàn thế giới để tìm hiểu biến chủng mới cũng như tầm ảnh hưởng của nó đối với các biện pháp phòng dịch COVID-19, trong đó có vaccine.

“Nhiều nghiên cứu hiện đang được thực hiện để đưa ra đánh giá về khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của bệnh (bao gồm các triệu chứng bệnh), tác dụng của vaccine và chẩn đoán bệnh” – WHO nói.

Theo những thông tin sẵn có hiện nay, vẫn “chưa rõ” liệu biến chủng Omicron có thể lây lan dễ hơn so với các biến chủng trước hay không, hoặc liệu bệnh COVID-19 gây ra do Omicron có nặng hơn không.

“Số người có kết quả xét nghiệm dương tính đã tăng ở nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi biến chủng này của Nam Phi, nhưng các nghiên cứu bệnh dịch học đang được thực hiện để làm rõ xem có phải Omicron là nguyên nhân, hay do các nhân tố khác” – WHO nói thêm – “Dữ liệu ban đầu cho thấy tỷ lệ nhập viện ở Nam Phi đang tăng, nhưng có thể là do số lượng người nhiễm bệnh tăng, chứ chưa hẳn là do Omicron.”

Theo WHO, để tìm hiểu xem liệu Omicron có gây ra bệnh COVID-19 nặng hơn hay không sẽ phải mất nhiều ngày cho tới vài tuần. Cơ quan này thêm rằng những ca nhiễm Omicron đầu tiên được báo cáo có cả sinh viên đại học. Người trẻ tuổi thường có những triệu chứng nhẹ của bệnh, do các biến chủng trước gây nên.

Bác sĩ Angelique Coetzee đến từ Nam Phi, một trong số những người đầu tiên phát hiện ra ca nhiễm Omicron ở các bệnh nhân của bà, nói với Reuters rằng các triệu chứng nhiễm Omicron khác biệt so với triệu chứng ở người nhiễm biến chủng Delta.

“Phần lớn trong số họ chỉ có triệu chứng rất, rất nhẹ. Chúng tôi có thể điều trị bệnh nhân tại nhà” – bà Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, nói về kinh nghiệm của bà khi điều trị các bệnh nhân nhiễm biến chủng mới.

Hiện nay, biến chủng mới đã được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Canada, Đức, Italy, Anh, Hà Lan, Hong Kong (Trung Quốc) và Australia.

Nhiều hãng sản xuất vaccine COVID-19 trên thế giới như Pfizer, Moderna, Johnson&Johnsonm, AstraZeneca và Sinovac đã tuyên bố rằng họ đang tìm hiểu biến chủng mới Omicron.

Tổng thư ký WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 28/11 vừa qua nói rằng sự xuất hiện của biến chủng mới có liên quan tới sự bất công trong tiêm chủng toàn cầu, vấn đề mà WHO kêu gọi giải quyết ngay lập tức. Nam Phi, với chỉ khoảng ¼ dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, là một trong số những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất châu Phi.

“Biến chủng Omicron phản ánh mối đe dọa từ sự bất công kéo dài trong tiêm chủng. Chúng ta càng phân phối chậm, càng khiến cho virus hoành hành, đột biến và trở nên nguy hiểm hơn” – ông Tedros viết trong một đoạn Tweet.

Biến chủng mới được phát hiện đã kích hoạt sự phản ứng khẩn cấp của toàn cầu, khi một số quốc gia – bao gồm Mỹ, Brazil, Anh và Pháp – thắt chặt các biện pháp hạn chế di chuyển. Israel thậm chí cấm tất cả du khách nước ngoài đặt chân vào lãnh thổ của họ.