“Vũ khí Trung Quốc đe dọa trực tiếp miền Trung Việt Nam“

Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 3/3 tiếp tục lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa về việc Bắc Kinh đã điều cả ngàn quân lính đến đây. Riêng trong tháng 2, Việt Nam đã hai lần tố cáo Trung Quốc triển khai vũ khí trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, RFI (Pháp) cho biết.
Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu J-11 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu J-11 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Phản ứng cứng rắn của Việt Nam, theo giới quan sát, tương ứng với mối đe dọa trực tiếp mà vũ khí Trung Quốc đặt trên Hoàng Sa nhắm vào Việt Nam, cụ thể là vào miền Trung.

Một tấm bản đồ toàn bộ Biển Đông được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, trụ sở tại Washington công bố vào cuối tháng 2/2016, đã nêu bật tầm hoạt động của các loại tên lửa và chiến đấu cơ mà Trung Quốc đã triển khai tại vùng Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các loại thiết bị radar mà Bắc Kinh đang ráo riết lắp đặt.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tên lửa Hồng Kỳ 9 (HQ 9) phát hiện trên đảo Phú Lâm với được tới Việt Nam, cũng như radar tại Trường Sa, thì nguy cơ trực tiếp đối với đất liền Việt Nam chính là các loại chiến đấu cơ tương đối hiện đại, chẳng hạn như loại J-11 mà Bắc Kinh từng triển khai trên đảo Phú Lâm.

Căn cứ vào tầm hoạt động của máy bay tiêm kích Trung Quốc, các chuyên gia Mỹ đã cho thấy rõ là phi cơ Trung Quốc đặt tại Hoàng Sa đủ sức tấn công vào các khu vực chạy dài từ Qui Nhơn, lên đến Tam Kỳ, Đà Nẵng và Huế. Các thành phố như Đà Lạt, Nha Trang, Phan Rang, Tuy Hòa ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam sẽ nằm trong tầm bắn của phi cơ Trung Quốc đặt tại Trường Sa.

Đó chính là những mối đe dọa cụ thể đối với Việt Nam. Hà Nội đã cực lực phản đối nhưng cho đến nay, vẫn bị Bắc Kinh bỏ ngoài tai. Chính sách của Bắc Kinh là phớt lờ yêu cầu đàm phán trên vấn đề Hoàng Sa, như một phần trong các cuộc thảo luận rộng hơn về lãnh thổ. Trung Quốc đã luôn tìm cách gạt vấn đề này ra khỏi lịch trình ngoại giao khu vực.

Đảo Phú Lâm và các khẩu đội HQ-9 Trung Quốc mới triển khai tại Phú Lâm, đẩy tình hình khu vực  leo thang căng thẳng
Đảo Phú Lâm và các khẩu đội HQ-9 Trung Quốc mới triển khai tại Phú Lâm, đẩy tình hình khu vực leo thang căng thẳng

Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vào tuần qua, ngang ngược nói rằng Trung Quốc vẫn khẳng định là Hoàng Sa không nằm trong vùng tranh chấp, cho nên Bắc Kinh có thể triển khai những gì mình muốn trên lãnh thổ của mình mà không ai có quyền trách cứ.

Tuy nhiên, trong một động thái bất ngờ, Mỹ đã điều tàu USS Curtis Wilbur đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, làm cho việc Trung Quốc lấn chiếm lâu dài quần đảo này được lôi ra trước ánh sáng công luận quốc tế.

Nhằm đáp trả những hành động quân sự hóa khu vực, làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc, Mỹ vừa quyết định phái cụm tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông. Navy Times (Mỹ) ngày 3/3 đưa tin tàu sân bay USS John C. Stennis, 2 tàu khu trục, 2 tàu tuần dương và Hạm đội 7 trong 24 giờ qua đã tiến vào Biển Đông.

Hành động phô diễn lực lượng mới nhất này diễn ra không lâu sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter hồi đầu tháng cảnh cáo Trung Quốc chớ có ‘quân sự hóa’ Biển Đông và đe dọa sẽ có ‘những hậu quả cụ thể’ tiếp theo nếu Bắc Kinh không hạ giảm các hoạt động trong  khu vực.

Tháp tùng tàu sân bay Stennis gồm các tàu tuần dương Antietam và Mobile Bay cùng các khu trục hạm Chung-Hoon và Stockdale. Tàu chỉ huy USS Blue Ridge cũng đang hiện diện trong khu vực và đang hướng về phía Philippines.

Giới chức Mỹ cho biết tàu tuần dương Antietam đang thực hiện một nhiệm vụ tuần tra riêng khác với tàu sân bay Stennis. Tính tới nay, Mỹ đã hoàn tất 2 cuộc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp tại những khu vực có tranh chấp với các nước bao gồm Việt Nam.

Tháng 10/2015, khu trục hạm Lassen đã tuần tra trong khu vực 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam nói của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Cuối tháng 1/2016, tàu khu trục Curtis Wilbur áp sát đảo Tri Tôn của quần đảo Hoàng S.

Navy Times dẫn lời trung tá hải quân Clay Doss nhấn mạnh các tàu và máy bay Hoa Kỳ hoạt động thường kỳ xuyên suốt Tây Thái Bình Dương, kể cả Biển Đông, đã hàng chục năm nay. Vẫn theo nguồn tin này, chỉ trong năm ngoái, hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã làm nhiệm vụ tổng cộng 700 ngày ở Biển Đông.

Tàu sân bay USS John C. Stennis đã tiến vào Biển Đông
Tàu sân bay USS John C. Stennis đã tiến vào Biển Đông

Việt Nam và Mỹ gần đây đồng loạt lên tiếng phản đối việc Trung Quốc khẩn trương đắp đảo, xây đường băng và triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu và radar ra Biển Đông. Cả Hà Nội và Washington đều lên án các động thái này đe dọa hòa bình và làm leo thang căng thẳng khu vực. 

Hôm 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã mạnh mẽ tuyên bố nếu Trung Quốc không dừng quân sự hóa Biển Đông, quân đội Mỹ sẵn sàng tăng cường điều động tới Châu Á-Thái Bình Dương và sẽ chi thêm 425 triệu USD cho các hoạt động diễn tập quân sự chung với những nước trong khu vực bị Trung Quốc đe dọa.

Theo RFI, Washington Post, FoxNews, The Navy Times