Theo National Interest, cùng với mẫu tiêm kích chiếm ưu thế trên không mới, Hải quân Mỹ còn phải phát triển một loại máy bay chiến đấu không người lái tầm xa mới (UCAV) để nhanh chóng đối phó với các mối đe dọa từ chiến lược chống tiếp cậ, đặc biệt ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Hải quân Mỹ cũng phải tiến hành phát triển một loại máy bay không người lái khác cho nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không. Trong một báo cáo mới được thực hiện theo yêu cầu của Hải quân Mỹ, Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) đã trình bày các trường hợp phát triển những khả năng như vậy.
"Kịch bản tồi tệ nhất cho một cuộc xung đột theo cấu trúc phi đội đã đề xuất là sẽ không có bất kỳ dấu hiệu hoặc cảnh báo nào cho thấy có một vụ tấn công sắp xảy ra với lực lượng cơ động ở nơi xa nhất trong khu vực hoạt động Ấn Độ - Châu Á - Thái Bình Dương của họ", báo cáo cho biết. "Lực lượng cơ động có thể xuất phát từ khu vực Tây Ấn Độ Dương hoặc Trung Thái Bình Dương khi xung đột bùng nổ và đến nơi cách bờ biển Trung Quốc khoảng 2.000km vào lúc lực lượng răn đe cần phải rút lui sau 2 ngày chiến đấu".
Tuy nhiên, nhiệm vụ bay 2.000 dặm (khoảng 3.220 km) là quá sức chịu đựng của con người, hơn nữa nếu bay hơn 10 tiếng mà không được tiếp nhiên liệu thì cần phải sử dụng máy bay cỡ lớn, song loại này lại không phù hợp với bất cứ boong tàu sân bay nào. Vì vậy, CSBA đề xuất sử dụng loại máy bay cỡ nhỏ hơn được máy bay tiếp dầu trên không hỗ trợ.
"Tuy nhiên, mỗi lần xuất kích 2.000 dặm sẽ mất ít nhất 10 tiếng cả đi và về, vượt quá khả năng chịu đựng của phi công ngồi ghế lái", báo cáo nhấn mạnh. "Vì vậy, để thực hiện những nhiệm vụ này, Không đoàn tàu sân bay (CVW) cần có loại máy bay chiến đấu không người lái (UCAV) với bán kính chiến đấu khi không tiếp nhiên liệu trên không lớn hơn 500 nm để đảm bảo máy bay tiếp nhiên liệu vẫn ở ngoài tầm với của hệ thống phòng không và tuần tra chiến đấu trên không (CAP) của quân địch. UCAV cũng cần được trang bị công nghệ tàng hình để có thể xâm nhập vào vùng không phận đang có nhiều tranh chấp gần Trung Quốc đại lục".
Báo cáo thừa nhận công nghệ máy bay không người lái vẫn chưa phát triển đến mức có thể thiết kế một chiếc UCAV thành một máy bay đa năng, một chiến đấu cơ có người lái chuyên dụng vẫn cần thiết để chiếm ưu thế trên không.
"Tuy nhiên, UCAV sẽ không có những đặc điểm giúp cho nó trở thành một máy bay đa nhiệm hiệu quả", báo cáo nêu rõ. "Để giảm thiểu các tín hiệu radar của UCAV, nó có thể có thiết kế kiểu ‘cánh bay’ (thân cánh liền khối) giống máy bay ném bom B-2 hoặc UAV thuộc chương trình khai thác do thám chiến lược (TERN) không có cánh hay đuôi như bình thường. Thiết kế này làm giảm diện tích bề mặt có thể phản xạ năng lượng radar, nhưng cũng làm giảm lực nâng của máy bay, và kế tiếp là tải trọng hoặc độ bền. Do đó, UCAV không có độ bền lâu dài và khả năng chịu tải lớn để thực hiện các nhiệm vụ tiếp nhiên liệu, hậu cần hay do thám".
Mỗi tàu sân bay sẽ phải mang theo ít nhất 6 chiếc UCAV có khả năng đảm nhiệm vai trò của loại máy bay cường kích Grumman A-6 đã nghỉ hưu một cách hiệu quả. "Như đã đề cập ở trên, CVW mới sẽ cần 2 loại phương tiện không người lái: UCAV và máy bay tiện ích/tiếp nhiên liệu trên không", báo cáo cho biết. "Một phi đội gồm 6 chiếc UCAV sẽ mang 4 đến 5 máy bay tác chiến yểm trợ các cuộc tấn công tầm xa ban đầu trong khi lực lượng răn đe rút lui.Với 2 CVW trong lực lượng cơ động, sẽ có 8 đến 10 máy bay có thể tấn công quân địch từ khoảng cách xa. Tương tự, một phi đội gồm 6 máy bay hỗ trợ không người lái trên mỗi CVW có thể duy trì tổng cộng 8 đến 10 chiếc máy bay tiếp dầu trên không, đủ để hỗ trợ nhiệm vụ CAP và các hoạt động hộ tống của cả 2 CVW".
Nghiên cứu của CSBA sẽ được Hải quân Mỹ sử dụng để định hướng tương lai cho phi đội bởi lực lượng này mới được xây dựng lại sau gần một thập kỷ bị bỏ rơi. "Hải quân đang đối diện với một bước ngoặt, thời điểm mà chúng tôi quay lại cuộc cạnh tranh" Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson tuyên bố với National Interest.
"Nhiều ý tưởng trong những nghiên cứu này có thể giúp chúng tôi giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này. Để chiến thắng, chúng tôi phải có tư duy sắc bén và những nghiên cứu này giúp chúng tôi, mang cho chúng tôi chính xác những gì chúng tôi muốn ... một số ý tưởng mới. Mỗi nghiên cứu đều cung cấp những ý tưởng mà trong một số trường hợp rất có giá trị giúp nâng cao tư tưởng của Hải quân hiện nay. Một số khuyến nghị trong các nghiên cứu khá hay và sẽ được chúng tôi thực hiện nhanh chóng. Các ý tưởng khác cũng cho thấy có triển vọng nên chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Các nghiên cứu sẽ được chúng tôi đưa vào chương trình phân tích, các cuộc tập trận, thử nghiệm, trình diễn công nghệ và chế tạo mẫu", Đô đốc Richardson chia sẻ.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu