Vũ Hán – nỗi ám ảnh chưa nguôi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Đã trải qua gần 1 năm, nhưng gia đình ông Koh vẫn nhớ rõ rằng họ không thể tin nổi và rất lo lắng khi nghe thông tin: Vũ Hán, thành phố 11 triệu dân, sắp sửa bị phong tỏa.
Cuộc sống đã trở lại bình thường, nhưng nỗi ám ảnh của nhiều người dân Vũ Hán vẫn chưa nguôi (Ảnh: SCMP)
Cuộc sống đã trở lại bình thường, nhưng nỗi ám ảnh của nhiều người dân Vũ Hán vẫn chưa nguôi (Ảnh: SCMP)

Thông tin được phát đi vào đầu giờ sáng ngày 23/1, trong lúc giới chức tìm cách kiểm soát dịch bệnh giống viêm phổi, và nhiều tuần sau đó mới được trao cái tên chính thức là COVID-19.

“Suy nghĩ đầu tiên của tôi là, sao điều này có thể xảy ra? Sao một thành phố lại bị phong tỏa” – ông Joshua Koh nói với hãng tin CNA tại nhà ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc – “Chúng tôi đều đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy đến? Liệu mọi người có được an toàn không?”.

Ông Koh và vợ, Kay Lin Lee, cho hay họ thấy có rất nhiều người rời khỏi thành phố trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Gia đình người Singapore, bao gồm cả 4 người con trai tuổi từ 4 đến 17, đã coi Vũ Hán là nhà của họ suốt 7 năm nay. Ông rất băn khoăn: Làm thế nào để có thực phẩm, nước uống, thuốc men trong những ngày tới? Và có nên trở về Singapore hay không?

Ban đầu gia đình gồm 6 người quyết định ở lại Vũ Hán, nhưng sau đó, khi lệnh phong tỏa kéo dài, họ đã phải lên chuyến bay sơ tán thứ hai để trở về Singapore vào tháng 2 năm nay. Bà Lee nói rằng gia đình bà không muốn tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế Vũ Hán, trong trường hợp họ bị nhiễm bệnh, và đó là lý do mà bà quyết định trở về Singapore.

Gia đình ông Koh (Ảnh: CNA)

Gia đình ông Koh (Ảnh: CNA)

Tháng 10, gia đình Koh trở lại Vũ Hán. "Cuộc sống đã về trạng thái bình thường. Nhưng bạn biết đấy, có điều gì đó không đúng lắm bởi bạn có thể cảm thấy nhiều thứ đã thay đổi", Koh nói, chỉ vào dòng người đeo khẩu trang đang đi lại trên phố và những cửa hàng kinh doanh đã phải đóng cửa trong thời gian họ rời Vũ Hán.

Giờ đây, họ cố tránh những nơi đông đúc như trung tâm thương mại vào dịp cuối tuần và dành nhiều thời gian hơn ở nhà hay các không gian mở như công viên.

Còn đối với Mdm Jin, 42 tuổi, 2020 là năm bà sẽ không thể quên. Là một công dân Vũ Hán, người yêu cầu được giấu tên, bà từng dương tính với COVID-19 vào tháng 1 sau khi trở về từ quê hương ở tỉnh Hà Nam. Các triệu chứng ban đầu nhẹ, nhưng nỗi lo lớn nhất của bà là lây bệnh cho con trai và cha mẹ già.

“Tôi đã cảm thấy rất tuyệt vọng, nhưng tồi tự nghĩ rằng tôi không xấu số đến nỗi phải chết, mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần” – Jin nói – “Miễn là con trai và cha mẹ tôi còn khỏe mạnh, không còn điều gì khác khiến tôi vướng bận cả”.

Cuối cùng, bà may mắn khi không để bệnh lây cho bất cứ ai trong gia đình, và được xuất viện. Jin nhớ lại những khoảnh khắc khó khăn khi bà buộc phải sống trong một khách sạn sau khi trở về quê hương ở Hà Nam, do hàng xóm và thân nhân sợ bị lây bệnh.

Giờ đã trải qua gần 1 năm, Jin đã trở lại Vũ Hán và tiếp tục công việc của mình. Nhưng bà vẫn đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là về thể lực. Quan trọng hơn cả là nỗi vết sẹo về tinh thần, mà bà nói là rất khó phục hồi. Bà nói không chắc sẽ trở về quê nhà trong dịp Tết cổ truyền 2021, và trong trường hợp dịch trỗi dậy, bà rất lo lắng sẽ bị nhiễm bệnh lần nữa.

“Tôi cố gắng quên đi mọi chuyện và không nghĩ về nó, nhưng không thể” – Jin nói.

76 ngày phong tỏa ở Vũ Hán vẫn còn là một ký ức khó quên đối với nhiều người, trong đó có diễn viên Li Yinglun và các đồng nghiệp của anh. “Đó là ký ức rất khó quên, không ai muốn trải qua điều đó một lần nữa”; Li nói.

Li Yinglun cùng các đồng nghiệp (Ảnh: CNA)
Li Yinglun cùng các đồng nghiệp (Ảnh: CNA)

Lần cuối cùng mà CNA tiếp xúc với Li là khi anh đã hoàn tất đợt tình nguyện cuối cùng của mình, sau khi Vũ Hán được gỡ lệnh phong tỏa vào ngày 8/4. “Đã có nhiều sự thay đổi lớn. Con gái tôi đã trở lại trường học, công việc được nối lại và chúng tôi bắt đầu được diễn xuất trở lại”; Li nói.

Rạp hát nơi anh làm việc lúc đó chỉ cho phép hoạt động 75% công suất, trong khi các biện pháp giãn cách được thực thi.

Nhiều nơi khác ở Vũ Hán, cuộc sống đã hồi sinh trở lại. Một cơ sở triển lãm từng được biến thành bệnh viện dã chiến để cứu giúp các bệnh nhân COVID-19 giờ trở thành nơi trưng bày những bức ảnh ngợi ca sự thành công trong chống dịch COVID-19 của Trung Quốc.

Ngoài việc ngợi ca những nỗ lực không mệt mỏi của giới lãnh đạo đất nước và nhân viên y tế tuyến đầu, triển lãm cũng không quên tri ân những người đã góp công trong cuộc chiến chống dịch. Một trong số những người đó là Li Wenlian, vị bác sĩ được cho là một trong những người đầu tiên rung hồi chuông báo động về virus giống SARS nhưng bị ngăn chặn vào thời điểm bấy giờ.