Đối với khách sạn nổi đầu tiên của thế giới – với dịch vụ di chuyển bằng máy bay trực thăng sang trọng cùng những bữa tối hào nhoáng – chặng dừng chân cuối cùng trong hành trình hơn 10.000 dặm bắt đầu từ cách đây hơn 30 năm trước của nó giờ kết thúc bằng một tấn bi kịch.
Mặc dù đã từng có nhiều hy vọng rằng khách sạn nổi này có thể được hồi sinh, nhưng cuối cùng mọi chuyện không như mong muốn.
Các báo cáo tình báo ở Hàn Quốc cho hay, khách sạn nổi Haegumgang nằm trong số những địa điểm bị Triều Tiên phá hủy trong năm 2022, cùng với nhà khách Onjonggak, nơi tổ chức các cuộc đoàn tụ giữa những thân nhân bị chia tách do Chiến tranh Triều Tiên. Hành trình của khách sạn này là một câu chuyện dài và đầy màu sắc.
Khách sạn nổi được hoàn thiện vào năm 1986 tại xưởng tàu Bethlehem, Singapore (Ảnh: CNN) |
Qua đêm trên rặng san hô
Khách sạn nổi này là đứa con tinh thần của Doug Tarca, một thợ lặn chuyên nghiệp kiêm doanh nhân người Italy sinh sống ở Townsville, bờ biển phía Đông Bắc Queensland, Australia.
“Ông ấy rất yêu thích và trân trọng rặng san hô Great Barrier Reef,” Robert de Jong, quản lý Bảo tàng Hàng hải Townsville, cho hay. Vào năm 1983, Tarca mở một công ty có tên Reef Link để chuyên chở khách du lịch bằng bè gỗ từ Townsville tới một rặng san hô ngoài bờ biển.
“Và rồi sau đó ông ta hô lên: “Chờ đã. Tại sao không để cho khách du lịch ở qua đêm tại rặng san hô?””, de Jong kể lại.
Ban đầu, Tarca tính tới việc neo vĩnh viễn các con tàu cũ tại rặng san hô, nhưng sau đó nhận ra rằng thiết kế và tự chế tạo một khách sạn nổi sẽ tiết kiệm chi phí hơn, mà lại thân thiện với môi trường. Việc đóng tàu bắt đầu vào năm 1986 tại xưởng tàu Bethlehem của Singapore, một nhánh của công ty thép của Mỹ nay đã ngừng hoạt động.
Khách sạn nổi này có giá ước 45 triệu USD – khoảng hơn 100 triệu USD theo thời giá hiện nay – nó được vận chuyển bằng một con tàu trục hàng hạng nặng tới rặng John Brewer Reef, điểm đến bên trong Công viên hàng hải Great Barrier Reef.
“Đó là một rặng san hô hình móng ngựa, vùng biển ở trung tâm khá tĩnh lặng, bởi vậy rất lý tưởng để một khách sạn nổi hoạt động,” de Jong nói.
Khu nghỉ dưỡng 4 mùa Barrier Reef, bao gồm cả một sân tennis (Ảnh: Getty) |
Khách sạn này được neo chặt xuống đáy biển nhờ 7 chiếc mỏ neo khổng lồ, và theo cách không gây tổn hại cho các rặng san hô. Nước thải và rác thải không xả xuống biển mà được đem về đất liền để xử lý, giúp môi trường xung quanh không bị ảnh hưởng.
Có tên khai sinh là Khu nghỉ dưỡng 4 mùa Barrier Reef, khách này chính thức mở cửa hoạt động vào ngày 9/3/1988.
“Nó là một khách sạn 5 sao, bởi vậy giá không hề rẻ,” de Jong nói. “Nó có tổng cộng 176 phòng và có thể chứa được 350 khách. Khách sạn có một CLB đêm, 2 nhà hàng, 1 phòng thí nghiệm, 1 thư viện và 1 cửa hàng mua sắm, nơi các bạn có thể mua đồ lặn. Ngoài ra còn có một sân tennis, mặc dù tôi nghĩ hầu hết các trái bóng này cuối cùng sẽ rơi xuống biển Thái Bình Dương.”
Chai Whisky trên trần nhà
Để đến được khách sạn này, du khách cần phải trải qua 2 giờ ngồi thuyền cao tốc, hay nhanh hơn là bằng trực thăng – mặc dù chi phí sẽ đắt hơn nhiều, khoảng 350 USD mỗi chuyến.
Sự mới mẻ của nó không khỏi khiến người ta ngỡ ngàng khi nhìn lần đầu, và khách sạn còn được xem là giấc mơ của những người mê bộ môn lặn. Kể cả những người không lặn cũng có thể thưởng thức những cảnh đẹp khó tin của rặng san hô, nhờ vào một thiết bị lặn đặc biệt có tên “Tàu ngầm vàng”.
Tuy nhiên, rất sớm để người ta nhận ra rằng tác động của thời tiết xấu đối với du khách đã bị đánh giá thấp.
“Nếu thời tiết xấu, bạn cần phải quay trở lại thành phố và di chuyển bằng máy bay, bởi trực thăng và tàu gỗ không thể di chuyển được, hết sức bất tiện,” de Jong nói.
Nội thất bên trong khách sạn nổi (Ảnh: Getty) |
Thú vị ở chỗ, đội ngũ nhân viên khách sạn sống trên tầng cao nhất, nhưng đó cũng là vị trí mà không ai muốn ở nhất bởi nó rung lắc nhiều nhất. Theo de Jong, các nhân viên phải sử dụng một chai Whisky rỗng treo trên trần nhà để đo sức động của biển: khi cái chai này đung đưa mạnh, họ hiểu rằng sẽ có rất nhiều du khách bị say sóng.
“Đó là một trong những lý do mà khách sạn này chưa từng thành công về mặt kinh doanh,” ông nói.
Còn có thêm nhiều vấn đề khác: một cơn lốc đã tấn công vào khách sạn này vào thời điểm 1 tuần trước khi nó mở cửa, gây ra thiệt hại không thể sửa chữa đối với một hồ chứa nước ngọt. Một bãi rác đạn dược từ thời Thế chiến II được phát hiện cách khách sạn chỉ 2 dặm, khiến nhiều du khách lo sợ. Thêm nữa, ngoài việc bơi và lặn thì du khách cũng chả biết làm gì khác.
Chỉ sau 1 năm, Khu nghỉ dưỡng 4 mùa Barrier Reef không thể gánh nổi chi phí hoạt động, và phải đóng cửa trong khi chưa từng ghi nhận lấy một lần kín hết các phòng.
“Nó biến mất một cách âm thầm,” de Jong nói. “Và nó được bán lại cho một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.”
Điểm đến thứ hai
Năm 1989, khách sạn nổi này đã có hành trình thứ hai, lần này là 3.400 dặm về phía Bắc. Được đặt tên lại thành Khách sạn Sài Gòn – nhưng sau quen thuộc hơn với tên gọi Khách sạn nổi – nó được neo trên sông Sài Gòn suốt gần một thập kỷ.
Khách sạn nổi nằm trên sông Sài Gòn (Ảnh: Getty) |
“Nó trở nên thực sự thành công. Tôi nghĩ rằng lý do là nó không nằm ở giữa biển mà ngay sát bờ. Nó nổi trên nước nhưng lại được kết nối với đất liền,” de Jong nói.
Đến năm 1998, Khách sạn nổi này cạn nguồn tài chính và lại bị đóng cửa. Nhưng thay vì được tháo dỡ, nó lại tìm thấy một sự sống mới ở nơi khác: Nó được Triều Tiên mua lại để thu hút du khách tới Núi Kumgang, một khu vực có cảnh quan thơ mộng gần biên giới với Hàn Quốc.
“Thời điểm đó, hai miền Triều Tiên đang nỗ lực xây dựng những cây cầu, họ nói chuyện với nhau. Nhưng nhiều khách sạn ở Triều Tiên thực sự không thân thiện với du khách lắm,” ông de Jong kể lại.
Sau hành trình 2.800 dặm, khách sạn nổi lại sẵn sàng cho cuộc phiêu lưu thứ ba, với cái tên mới là Khách sạn Haegumgang. Nó mở cửa vào tháng 10/2000 và được quản lý bởi một công ty của Hàn Quốc, Hyundai Asan.
Trong suốt nhiều năm sau đó, Núi Kumgang thu hút được hơn 2 triệu du khách, theo phát ngôn viên của Hyundai Asan, Park Sung-uk.
“Ngoài ra, tour du lịch Núi Kumgang cũng giúp cải thiện quá trình tái hòa giải liên Triều và là điểm quan trọng trong trao đổi giữa hai bên, bởi nó là trung tâm tổ chức các cuộc đoàn tụ gia đình, hàn gắn nỗi đau cho nhiều người,” ông nói.
Bi kịch
Một bi kịch không ngờ tới khiến Khách sạn Haegumgang bị bỏ không, rỉ sét (Ảnh: Getty) |
Năm 2008, một binh sĩ Triều Tiên đã nổ súng bắn chết một phụ nữ 53 tuổi người Hàn Quốc, khi bà không may băng qua khu du lịch Núi Kumgang vào một khu quân sự. Hậu quả là Hyundai Asan ngừng tất cả hoạt động du lịch, và Khách sạn Haegumgang bị đóng cửa.
Hiện chưa rõ liệu khách sạn này có hoạt động hay không kể từ thời điểm mới về, nhưng chắc chắn là không để dành cho du khách đến từ Hàn Quốc.
“Thông tin được giữ kín, nhưng tôi tin rằng khách sạn này hoạt động chủ yếu là phục vụ cho phía Triều Tiên,” ông de Jong nói. Trên Google Maps, nó vẫn có thể được trông thấy, đang neo tại một bến tàu ở khu vực Núi Kumgang, trong tình trạng rỉ sét.
Năm 2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới thăm khu du lịch Núi Kumgang và tỏ ra không hài lòng về nhiều cơ sở đã hư hỏng tại đây, bao gồm Khách sạn Haegumgang. Ông chỉ thị phá hủy nhiều trong số chúng, như một phần trong kế hoạch thay đổi diện mạo khu vực này sao cho phù hợp hơn với văn hóa Triều Tiên.
Trong khi đó, di sản của khách sạn nổi vẫn còn nguyên vẹn. Nó sẽ vẫn là một trong những sản phẩm đầu tiên từ một ý tưởng mà đến nay vẫn chưa tạo thành xu hướng – hoặc có thể đã tạo thành, nhưng dưới dạng khác.
“Đại dương bây giờ đầy rẫy các khách sạn nổi,” de Jong nói. “Chả qua chúng được gọi tên là tàu du lịch mà thôi.”
Chuyện về “Khách sạn bị nguyền rủa” ở Triều Tiên
Báo Nga: Khách sạn sang nhất Vladivostok có thể về tay doanh nghiệp Trung Quốc
“Khách sạn di động” bọc thép của Tổng thống Mỹ Obama
Theo CNN
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu